Năm 2019, các nhà thầu xây dựng làm ăn ra sao?
Những đơn vị phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đều công bố kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2019.
"Anh cả" trong các nhà thầu xây dựng CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 với con số doanh thu và lợi nhuận của Công ty đều giảm so với năm 2018.
Lần đầu tiên kể từ năm 2012, doanh thu của CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) tăng trưởng âm. Chuỗi tăng dài và ấn tượng của doanh nghiệp xây dựng này thực tế đã chững lại từ năm 2018, lợi nhuận trước thuế khi đó cũng đã giảm 10%. Nhưng tới năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons đều giảm, lần lượt giảm 17% và 52%.
Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm. Cùng đó, khó khăn chung của ngành xây dựng cũng khiến nguồn việc ít hơn, các doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh gay gắt hơn trong giai đoạn đấu thầu.
Trong năm 2019, biên lợi nhuận gộp của Cotecons cũng giảm mạnh, từ mức 6,4% trong năm 2018 xuống còn 4,4% trong năm 2019. Tổng kết cả năm, lợi nhuận gộp của Coteccons giảm hơn 42,8%. Giải trình về điều này, Coteccons cho biết do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định. Đồng thời, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp của Công ty.
Lãi sau thuế trong năm 2019 của Coteccons đánh mất con số hàng ngàn tỷ đồng, ghi nhận 710 tỷ đồng, giảm gần 53% so với năm 2018.
Tương tự hoạt động kinh doanh chính, doanh thu tài chính của năm nay cũng thu hẹp do Coteccons không còn trữ nhiều tiền gửi như các năm trước. Tiền gửi ngân hàng đến cuối năm hơn 3.240 tỷ đồng, giảm 17% so với cuối năm trước nhưng vẫn đang chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tài sản (20%).
Với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 891 tỷ đồng, Coteccons mới chỉ hoàn thành 68,5% mục tiêu 1.300 tỷ đồng đề ra đầu năm. Doanh nghiệp xây dựng này lãi ròng vỏn vẹn 710 tỷ đồng, chưa bằng một nửa năm 2018. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu cũng giảm còn 8.859 đồng, lần đầu sau nhiều năm thấp hơn mệnh giá cổ phần.
Đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của Coteccons xấp xỉ 16.200 tỷ đồng, giảm 620 tỷ đồng so với đầu năm. Hơn nửa tài sản của doanh nghiệp xây dựng này là các khoản phải thu. Tuy nhiên, so với đầu năm, số dư phải thu cũng đã thu hẹp đáng kể, từ 9.053 tỷ đồng xuống 8.798 tỷ đồng.
Hơn nữa, Coteccons cũng đang chiếm dụng khá nhiều vốn từ các nhà cung cấp và đối tác khác. Số tiền phải trả người bán và nhận trước từ người mua xấp xỉ 5.400 tỷ đồng, tương đương gần 1/3 nguồn vốn của doanh nghiệp này. Sau một năm kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Coteccons đến 31/12 đạt 1.030 tỷ đồng, thấp hơn mức tích lũy được cuối năm trước nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với vốn điều lệ của doanh nghiệp xây dựng này (792,5 tỷ đồng).
Năm 2019 cũng là một năm khó khăn đối với cổ đông của Coteccons khi giá cổ phiếu CTD giảm hơn 64% trong năm 2019. Từ vùng 156.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 01/2019 xuống chỉ còn 56.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 12/2019.
Chung hoàn cảnh với Coteccons, “người anh em” CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons cũng có một năm kinh doanh kém sắc. Doanh thu 2019 đạt 8.144 tỉ đồng, giảm 12%; lợi nhuận sau thuế 300 tỉ đồng, giảm 29%. Tính riêng quí IV, lợi nhuận ròng của Ricons cũng giảm khoảng 28%.
Ricons có mức lợi nhuận gộp biên tốt hơn so với Coteccons, khoảng 6%, tuy nhiên cũng giảm nhẹ so với năm ngoái.
Tổng tài sản cuối kì của Ricons ở mức gần 5.800 tỉ đồng, với cơ cấu có nhiều điểm tương đồng so với Coteccons. Chiếm tỉ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng, lên tới 63% tổng tài sản.
So với kế hoạch thận trọng ban đầu, năm 2019 Ricons vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu với tỷ lệ thực hiện lần lượt là 79,5% với doanh thu và hơn 75% với lợi nhuận ròng.
Về Ricons, Công ty là một trong những đơn vị trực thuộc Coteccons có tốc độ tăng trưởng cao, cùng với bức tranh tài chính cân đối nhờ không có nợ vay. Công ty có lợi thế từ chuỗi xây dựng khép kín từ cung cấp vật liệu xây dựng, cơ điện, tư vấn, thiết kế, thi công, môi giới và quản lý bất động sản; quan hệ tốt với các chủ đầu tư phát triển dự án BĐS lớn tại Việt Nam trong mảng dân dụng và là đối tác quen thuộc của các chủ đầu tư nhà xưởng đến từ Trung Quốc và Đài Loan.
Mặc dù thị trường bất động sản chững lại trước thay đổi chính sách cùng chi phí nguyên vật liệu biến động bất lợi, Ricons vẫn tăng trưởng đáng kể trong 3 quý đầu năm, riêng quý 4 sụt giảm mạnh kéo lùi chỉ số.
Nhà thầu số 2 thị trường là Công ty Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) cũng không khá khẩm hơn. Cả năm 2019, doanh thu của Hòa Bình tăng đạt 18.647 tỉ đồng; song lợi nhuận sau thuế ở mức 407,3 tỉ đồng, giảm 34,3% so với năm trước. Mức lợi nhuận này thậm chí còn có thể giảm sâu hơn nữa nếu Hòa Bình không ghi nhận một khoản lợi nhuận khác đột biến lên tới 120,8 tỷ đồng trong quý 4.
Hoạt động kinh doanh của các công ty xây dựng giảm sâu đến từ việc chậm tiến độ xây dựng tại một số dự án lớn, đồng thời công ty cũng không ký được thêm nhiều hợp đồng xây dựng dự án bất động sản mới từ đầu năm đến nay. Cuối năm 2019, các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình đạt 11.778 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 6.328 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác gần 1.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hoạt động xây dựng không thuận lợi, Hòa Bình có ý định chuyển hướng kinh doanh khi lập quỹ đầu tư bất động sản, chứng khoán. Cuối tháng 9/2019, Hòa Bình hợp tác với IBG giới thiệu Quỹ Đầu tư Hòa Bình Infinity, mục tiêu quản lý các nguồn quỹ, vốn và khởi tạo ra các công cụ quản trị tài chính hiệu quả theo đặc thù của ngành xây dựng để thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh và phát triển thị trường nước ngoài.
Trong quí IV/2019, GDP ngành xây dựng tăng trưởng cao, đạt 10,3% so với 9,8% cùng kì năm ngoái. Đây cũng là quí có mức tăng trưởng cao nhất trong năm, hai quí liền trước đó GDP ngành xây dựng chỉ đạt mức tăng trên 8%.
Tuy nhiên, số liệu về tiêu thụ xi măng, sắt thép tại các Hiệp hội lại cho thấy bức tranh tương phản. Theo Hiệp hội thép, sản lượng tiêu thụ thép trong nước hai tháng đầu quí IV là 3,2 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kì. Số này thấp hơn mức tăng của quí II và quí II là 20% và 8,4%.
Còn theo Hiệp hội xi măng, tiêu thụ xi măng trong nước đã có dấu hiệu chững lại từ nửa cuối năm. Tiêu thụ xi măng cho thị trường nội địa năm 2019 ước tính chỉ tăng 1% so với năm 2018 (năm 2017 và 2018 tăng lần lượt 3% và 9%).
Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi về tính thực chất đối với tăng trưởng GDP ngành xây dựng.
Sang năm 2020, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng được dự báo tiếp tục ảm đạm khi thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) nhận định, có thể phải đến quý 3/2020, thị trường bất động sản mới phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận