Mỹ: Tín hiệu vui về lạm phát, nhà đầu tư "dòm ngó" cổ phiếu ngoại
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các hộ gia đình Mỹ đang phải chi nhiều tiền hơn mỗi tháng cho các hóa đơn tiền thuê nhà, tạp hóa và tiện ích.
Theo Cơ quan nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics, mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây, các số liệu cho thấy một hộ gia đình điển hình của Mỹ đã phải chi thêm 371 USD cho hàng hóa và dịch vụ trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, tin tốt là cú sốc về chi phí sinh hoạt dường như đang hạ nhiệt và tiền lương đang bắt đầu bắt kịp.
Moody's Analytics cho hay, vào thời điểm lạm phát đạt đỉnh vào tháng 6, một gia đình Mỹ điển hình phải chi thêm 502 USD/tháng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 12/2022, các hộ gia đình phải chi tiêu thêm 82,60 USD/tháng cho chỗ ở và thêm 72,01 USD/tháng cho thực phẩm.
Giá trứng đã tăng gần 60% trong năm qua, ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1973, một phần do khủng hoảng nguồn cung vì dịch cúm gia cầm.
Theo Moody’s Analytics, những mặt hàng tăng giá theo từng tháng khác bao gồm các tiện ích (tăng 47,33 USD), chăm sóc sức khỏe (tăng 17,97 USD), giải trí (tăng 15,27 USD) và đồ uống có cồn (tăng 2,67 USD).
Một điểm sáng nhỏ là xăng. Một hộ gia đình điển hình đã tiết kiệm được 1,55 USD/tháng so với một năm trước.
* Giới quan sát cho hay, một số nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm cơ hội nắm giữ những cổ phiếu lợi nhuận tốt hơn ở thị trường nước ngoài trong những tháng tới, đánh cược rằng các cổ phiếu châu Âu và quốc tế khác sẽ giữ mức định giá hấp dẫn hơn sau một thời gian dài thị trường do Phố Wall thống trị.
Các nhà đầu tư nhận thấy, chứng khoán châu Âu đã được hưởng lợi khi mùa Đông ôn hòa đã giúp khu vực này ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng. Việc điều tiết giá hàng hóa cũng như Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế và đồng USD yếu hơn đã giúp nâng đỡ chứng khoán khu vực.
Ông Martin Schulz, người đứng đầu bộ phận chứng khoán quốc tế tại nhà quản lý đầu tư Federated Hermes, cho biết nhìn chung, nhà giao dịch hiện có nhiều tiền hơn để theo đuổi các cơ hội kiếm lời tốt hơn bên ngoài nước Mỹ - điều đã không xảy ra trong vài năm qua.
Chứng khoán Mỹ từ lâu đã thống trị các thị trường chứng khoán quốc tế. Chỉ S&P 500 đã tăng hơn 460% từ mức thấp ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 3/2009 cho đến hết năm ngoái. Con số này vượt trội so với mức tăng 170% của chỉ số STOXX tại châu Âu trong cùng thời gian đó.
Đáng chú ý, khoảng thời gian trên phần lớn trùng với thời điểm lãi suất chạm đáy - một bối cảnh có lợi cho các chỉ số chứng khoán Mỹ vốn tập trung nhiều vào cổ phiếu công nghệ so với các chỉ số chứng khoán ở châu Âu.
Lĩnh vực công nghệ chiếm 26% trong nhóm chỉ số S&P 500 trong khi chỉ chiếm khoảng 7% trong STOXX 600 vốn tập trung nhiều hơn vào cổ phiếu tài chính và công nghiệp.
Nhưng sân chơi đã “cân bằng” đáng kể trong năm ngoái, khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất để chống lại lạm phát phi mã.
Lãi suất cao hơn có xu hướng gây áp lực lên định giá cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao khác, trong khi có khả năng mang lại lợi ích cho các ngân hàng và các cổ phiếu giá trị vốn có tỷ trọng lớn ở châu Âu.
(theo CNN, Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận