Mua cổ phiếu nào chào tháng 11?
Các CTCP khuyến nghị mua FMC do chiến lược kinh doanh mở rộng chiều rộng lẫn chiều sâu giúp đón đầu cơ hội từ EVFTA, mua PLC nhờ hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công, nắm giữ DGC do kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.
Mua FMC với giá mục tiêu 35,400 đồng/cp
Theo CTCP Phú Hưng (PHS), lũy kế 9 tháng đầu năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 16.6% so với cùng kỳ, đạt gần 3,206 tỷ đồng, hoàn thành 76.9% kế hoạch doanh thu năm 2020. Trong khi đó, lãi sau thuế lại giảm nhẹ 3.4%, xuống còn 162 tỷ đồng.
FMC cho biết do chi phí giá vốn tăng cao và năm nay tôm nuôi bị tác động không nhỏ vì dịch bệnh nên hệ số thức ăn cao làm giảm biên lợi nhuận gộp của FMC. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp đạt 8.6% giảm so với mức 11% hồi cùng kỳ, với lợi nhuận gộp đạt 274 tỷ đồng (giảm 9.3% so với cùng kỳ).
Theo PHS, trong năm 2019, FMC đã đạt được mức thuế 0% trong vụ kiện bán phá giá tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ (POR13). Điều này tạo ra nền tảng tốt cho việc thỏa thuận không làm hồ sơ bán phá giá tôm vào thị trường này trong giai đoạn từ 01/02/2019 - 31/01/2020 (POR 15). Mới đây, MPC, một đối thủ của FMC, bị cáo buộc trộn tôm Ấn Độ vào nguyên liệu sản xuất tôm xuất khẩu sang Mỹ. Việc này nhiều khả năng sẽ làm suy yếu uy tín của MPC trên thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho FMC gia tăng thị phần và mở rộng cơ sở khách hàng tại thị trường này.
Hiện nay tiêu thụ tôm tại thị trường EU chiếm 29% trong tỷ trọng xuất khẩu của FMC. Hiệp định EVFTA đưa mức thuế xuất khẩu tôm về 0% hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi thế cho FMC mở rộng xuất khẩu sang EU. Nhằm nắm bắt cơ hội từ EVFTA, FMC đã mở rộng vùng nuôi và có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mới. Năm 2020, FMC đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm tại khu đất kế bên khu nuôi tôm TaNa Farm tại Sóc Trăng, có diện tích hơn 81 hecta. Bên cạnh đó, FMC cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến Thủy Sản Sao Ta tại Sóc Trăng với công suất 15,000 tấn/năm, tương đương 88% công suất chế biến năm 2019.
Ngoài ra, việc gia tăng tỷ lệ tự chủ nguồn tôm nguyên liệu sẽ góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của FMC. Đến năm 2021, FMC phấn đấu đạt tỷ lệ 30%. Trong khi, các đối thủ chính như MPC có tỷ lệ tự chủ thấp hơn FMC, ở mức 10% và Stapimex hoàn toàn thu mua bên ngoài. Hơn nữa, do quỹ đất phát triển vùng nuôi tôm không còn nhiều, nên việc mở rộng vùng nuôi gia tăng tỷ lệ tự chủ sẽ là thách thức của các doanh nghiệp chế biến tôm lớn trong tương lai.
PHS ước tính doanh thu thuần của FMC năm 2020 đạt 3,922 tỷ đồng (tăng 5.7% so với thực hiện năm trước), hoàn thành 94.1% kế hoạch đặt ra và lãi sau thuế ước đạt 196 tỷ đồng (giảm 14.7%) với biên lãi gộp ở mức 10.4%.
Qua đó, PHS khuyến nghị mua FMC với giá mục tiêu 35,400 đồng/cp.
Mua PLC với giá mục tiêu 26,100 đồng/cp
Theo CTCK Mirae Asset, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất: dầu nhờn, nhựa đường, hóa chất, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt. Trong đó, mảng nhựa đường của PLC ước tính chiếm thị phần 30% toàn quốc.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lãi ròng của PLC lần lượt đạt 3,915 tỷ và 124 tỷ đồng, giảm 10% và tăng 9.3% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng nhựa đường tăng trưởng 26% doanh thu nhưng mảng dầu mỡ nhờn, hóa chất, dịch vụ khác đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. Mảng dầu mỡ nhờn đang ghi nhận áp lực cạnh tranh khá lớn khi hàng loạt thương hiệu mới nhập khẩu từ nước ngoài tham gia thị trường dầu nhờn ở Việt Nam tạo áp lực cạnh tranh lớn. Sự phát triển của kênh thương mại điện tử cũng tạo áp lực cạnh tranh mạnh về giá khiến cho nhiều thương mại dầu nhờn mới tham gia thị trường có thể giành được thị phần.
Trong năm 2020, Mirae Asset dự báo doanh thu và lãi ròng của PLC lần lượt đạt 5,246 tỷ đồng và 179 tỷ đồng, giảm 15% và tăng 24% so với cùng kỳ. Năm 2021, dự báo doanh thu và lãi ròng lần lượt đạt 5,593 tỷ đồng và 215 tỷ đồng. Động lực chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của PLC sẽ đến từ mảng nhựa đường.
Ngoài ra, việc hưởng lợi trực tiếp từ sóng đầu tư công năm 2021 dự báo sẽ giúp cải thiện đáng kể doanh thu mảng nhựa đường, đóng góp chính cho đà tăng trưởng mạnh năm 2021.
Qua đó, Mirae Asset khuyến nghị PLC tích cực với giá mục tiêu 26,100 đồng/cp.
Nắm giữ DGC với giá mục tiêu 45,000 đồng/cp
Theo CTCK VCBS, doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đạt 4,653 tỷ đồng (tăng 27.7% so với cùng kỳ, thực hiện được 76% kế hoạch năm) và lãi sau thuế hợp nhất đạt 704.8 tỷ đồng (tăng 77.5%, đạt 101% kế hoạch năm).
Thời điểm hiện tại DGC vẫn chưa thể khởi công Khai trường 25 do còn vường mắc một số giấy tờ, có thể tới cuối năm mới bắt đầu khởi động. Theo kế hoạch ban đầu, DGC sẽ bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ từ quý 4/2020 và bắt đầu khai thác từ tháng 03/2021, thời gian khai thác 5.5 năm.
Trong quý 3/2020, DGC đã tiến hành góp 1,000 tỷ đồng vào công ty TNHH MTV Đức Giang – Nghi Sơn để thực hiện dự án Đức Giang – Nghi Sơn. Hiện tại dự án này đang trong quá trình san nền, chuẩn bị mặt bằng để thi công. Đây là dự án khá tham vọng của DGC, sản xuất Xút lỏng và các dẫn xuất từ Clo trong giai đoạn 1– các mặt hàng hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu khá nhiều và các loại xút rắn, PVC, soda… trong giai đoạn 2.
DGC cũng là đơn vị đầu tiên trong nước sản xuất thành công Chloramin B – chất khử trùng phổ biến sử dụng trong các dịch bệnh. Theo VCBS đánh giá, sản phẩm này sẽ đóng góp không nhiều vào cơ cấu doanh thu trong thời gian sắp tới.
Theo VCBS, các mặt hàng phân bón khả năng cao sẽ có thuế VAT sẽ được áp 0% hoặc 5% so với hiện tại là đối tượng không chịu thuế. Hiện tại các mặt hàng VAT không chịu thuế VAT nên tất cả các nguyên vật liệu đầu vào có thuế VAT sẽ không được khấu trừ. Tuy nhiên, theo VCBS, mục đích của việc áp thuế lần này là không chỉ giúp các doanh nghiệp phân bón trong nước mà còn hỗ trợ nông dân không phải chịu giá phân bón tăng lên nên việc áp thuế VAT sẽ không ảnh hưởng nhiều tới DGC.
Qua đó, VCBS khuyến nghị nắm giữ DGC với giá mục tiêu 45,000 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận