MSB có tân Giám đốc khối quản lý rủi ro
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE:MSB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm bà Lê Cẩm Thúy giữ chức vụ Giám đốc khối quản lý rủi ro thay cho ông Oliver Schwarzhaupt được HĐQT phân công đảm nhiệm chức vụ thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro của ngân hàng.
Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực kể từ ngày 7/3/2022. Bà Thúy tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh và đã có hơn 14 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong công tác quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng, trong đó hơn 12 năm làm việc trong lĩnh vực quản trị rủi ro của MSB.
Trước đó, bà Thúy đang giữ chức vụ Phó giám đốc khối quản lý rủi ro và được giao quản lý, phụ trách các mảng như quản trị rủi ro tích hợp, xây dựng mô hình công cụ và quản trị cơ sở dữ liệu rủi ro, quản lý rủi ro tín dụng các ngân hàng chuyên doanh, quản lý và thu hồi nợ bán lẻ tại khối quản lý rủi ro.
Ông Oliver Schwarzhaupt đã đảm nhiệm chức vụ Giám đốc khối quản lý rủi ro tại MSB từ năm 2011 – 2013 và được bổ nhiệm cương vị Phó tổng giám đốc MSB kiêm Giám đốc khối quản lý rủi ro từ tháng 8/2019. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức uy tín trên thế giới như: Giám đốc khối quản lý rủi ro tại Al Khalij Bank, Phó giám đốc khối quản lý rủi ro của Emirates NBD Group, Giám đốc đánh giá tiêu chuẩn tại Commerzbank AG, Giám đốc quản lý rủi ro tín dụng tại DZ Bank.
Với những kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực ngân hàng và quản lý rủi ro, ông Oliver tiếp tục được HĐQT MSB tin tưởng và giao đảm nhiệm chức vụ thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro của ngân hàng, với vai trò tham vấn cho HĐQT MSB về những chính sách quản lý rủi ro chung của ngân hàng.
Tại MSB, quản trị rủi ro là một trong những thế mạnh và cũng là trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng. MSB là một trong số những ngân hàng tiên phong hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II trước thời hạn hoàn toàn bằng nguồn lực nội bộ, trong đó trụ cột 1 và 3 đã hoàn tất triển khai từ tháng 6/2019 và trụ cột 2 được hoàn thành vào tháng 3/2020, tức sớm hơn gần 1 năm so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện ngân hàng đã hoàn thành Basel II phương pháp xếp hạng nội bộ IRB với rủi ro tín dụng và Basel III đối với rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản, đồng thời ngân hàng cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế IFRS, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Việc triển khai Basel II và Basel III không chỉ thể hiện MSB tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước mà còn là công cụ hỗ trợ quản trị đắc lực, giúp thiết lập các thước đo, chuẩn mực trong việc đảm bảo an toàn hoạt động, thay đổi phương thức kinh doanh, tăng sự minh bạch và tính cạnh tranh cho MSB.
Năm 2021, hệ số CAR của MSB đạt 11,52% (tính toán theo tiêu chuẩn Basel II), tăng tích cực so với chỉ số CAR năm 2020 ở mức 10.6%. Nợ xấu của MSB giảm còn 1,15% từ mức 1,62% của năm 2020. Đây là những con số phản ánh được thành quả trong nỗ lực quản trị rủi ro của ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2021 đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế giúp MSB có sự điều chỉnh về định hướng chiến lược trên cơ sở quản trị rủi ro hiệu quả để đạt mục tiêu kinh doanh và phát triển an toàn, bền vững.
Kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.088 tỷ đồng theo số liệu hợp nhất, vượt 55% so với mục tiêu 3.280 tỷ đồng đặt ra từ đầu năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng hơn 15% so với cuối năm 2020 đạt trên 203 nghìn tỷ đồng. MSB cũng là 1 trong 3 ngân hàng có số dư Casa lớn nhất trên thị trường, Top 10 ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cao nhất trong năm 2021, đồng thời là ngân hàng duy nhất có tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tính bằng lần cho năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận