Một công ty lên kế hoạch xóa âm vốn chủ gần ngàn tỷ trong 2 năm
Ngày 26/03, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) đã giải trình nguyên nhân âm vốn chủ và ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. VST cũng đưa ra phương án khắc phục, nổi bật là kế hoạch không còn âm vốn chủ khi kết thúc năm 2025.
Sau khi nhận được thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về trạng thái của cổ phiếu VST trên hệ thống giao dịch UPCoM vào ngày 21/03, kèm theo các quyết định duy trì diện cảnh báo và hạn chế giao dịch, VST đã có văn bản giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.
Về trường hợp duy trì diện hạn chế do vốn chủ bị âm 906 tỷ đồng trong BCTC kiểm toán năm 2023, VST cho biết chịu tác động bởi kết quả kinh doanh thua lỗ từ năm 2012-2020.
Cụ thể, lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 còn âm 1,592 tỷ đồng, chủ yếu do chịu ảnh hưởng của giai đoạn thị trường vận tải biển suy thoái mạnh từ cuối năm 2008 đến 2020, kéo theo lượng cung tàu vượt nhiều so với nhu cầu vận chuyển, giá nhiên liệu thường xuyên duy trì mức cao, đặc biệt là chi phí tài chính liên quan đến trả lãi vay các tàu mua, đóng mới trước kia và chênh lệch tỷ giá quy đổi giữa USD và VND quá lớn.
VST cho biết đã nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản vay quá hạn thanh toán, giúp hoạt động kinh doanh ổn định và tốt lên. Tuy nhiên, VST cũng nhấn mạnh về các khủng hoảng cục bộ khu vực, nổi bật là xung đột Nga-Ukraine, dải Gaza, Biển Đỏ… làm các hoạt động thương mại suy giảm, ảnh hưởng phần nào đến kết quả kinh doanh.
Những nỗ lực của VST đang cho thấy hiệu quả khi liên tiếp có lãi trở lại trong những năm gần đây, lần lượt 215 tỷ đồng năm 2022 và 558 tỷ đồng năm 2023. Qua đó, góp phần khắc phục một phần lãi sau thuế chưa phân phối từ âm 2,148 xuống còn âm 1,592 tỷ đồng.
Còn trường hợp duy trì diện cảnh báo do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên. Thực tế, VST đã bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ năm 2020, tức đã 4 năm liên tiếp, liên quan đến khả năng hoạt động liên tục, do lợi nhuận lũy kế âm và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.
Lý giải cho vấn đề này, Công ty cho biết đây là đặc điểm chung của các doanh nghiệp vận tài biển trong thời gian tái cơ cấu và đang phấn đấu giảm lỗ tối đa, tìm kiếm cơ hội tái cơ cấu tài chính để bù đắp phần lỗ, đựa lợi nhuận về mức cân bằng. Công ty cũng cho biết thêm đã đạt thỏa thuận tái cơ cấu tài chính với các ngân hàng và dự kiến được miễn giảm nghĩa vụ trả nợ trong năm 2024 và 2025.
Ngoài liên quan đến khả năng hoạt động liên tục trong 4 năm liền, VST còn bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản phạt hơn 29.3 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) chưa được Công ty ghi nhận. Theo VST, đây là khoản phí phạt phát sinh sau khi ngân hàng bán và chuyển giao khoản nợ cho Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), theo đó Công ty không có nghĩa vụ trả khoản phạt này cho DATC theo thỏa thuận hai bên đã ký kết.
Về lộ trình khắc phục các tình trạng nêu trên, VST cho biết sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và bù đắp một phần lỗ lũy kế sau khi kết thúc năm tài chính 2024. Đồng thời với việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng, theo hướng xóa lãi sẽ giúp Công ty có lãi và dần bù đắp hết số lỗ lũy kế.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024 dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua vào ngày 28/03, VST đặt mục tiêu sản lượng vận chuyển hơn 1.1 triệu tấn, giảm 9% so với thực hiện năm 2023; doanh thu gần 638 tỷ đồng, giảm 42%; lãi trước thuế hơn 162 tỷ đồng, giảm 71%. Nhìn chung, kế hoạch đặt ra thấp hơn đáng kể so với thực hiện năm 2023.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của VST
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VST
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận