Mỗi ngày, Chứng khoán VPS thu hơn 16 tỷ đồng tiền môi giới
Thị phần chiếm 1/5 toàn sàn, VPS thu về 961 tỷ đồng tiền phí môi giới trong quý I/2024, đây cũng là mảng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động với 61%.
Trên thị trường chứng khoán, CTCP Chứng khoán VPS là công ty dẫn đầu về thị phần môi giới trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM và cả thị trường phái sinh. Cụ thể, trên thị trường cơ sở, thị phần môi giới quý I/2024 của VPS chiếm 20,29% trên sàn HoSE và 24,7% trên sàn HNX. Đối với thị trường phái sinh, VPS cũng chiếm tới 58,9% thị phần trong quý I.
Cùng với đà phục hồi tốt của thị trường trong quý đầu năm, mảng môi giới của công ty tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ lên mức 961 tỷ đồng. Trong quý I/2024 có tổng cộng 58 phiên giao dịch, như vậy bình quân mỗi ngày VPS thu về gần 16,6 tỷ đồng tiền phí môi giới. Đây cũng là mảng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động với 61%.
Hoạt động cho vay của VPS cũng khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 395 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ. Tại ngày 31/3/2024, dư nợ cho vay của VPS ở mức hơn 11.941 tỷ đồng, tăng 341 tỷ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt mức kỷ lục ở mức 11.157 tỷ đồng, tăng 9,2 tỷ so với đầu năm.
Trong khi đó, mảng tự doanh lại đi xuống khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lại giảm 80% so với cùng kỳ từ 668 tỷ đồng xuống còn 133 tỷ đồng, chủ yếu do cổ tức, tiền lãi phát sinh và lãi bán các tài sản tài chính giảm. Điểm sáng là khoản lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm tới 95% so với cùng kỳ xuống còn 29 tỷ đồng, tương ứng giảm 559 tỷ đồng.
Tính chung trong quý I/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VPS đạt 1.570 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các chi phí, nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế 631 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 505 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.
So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán VPS đã thực hiện được hơn 42% sau 3 tháng đầu năm.
Tính đến thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của công ty ở mức 25.575,4 tỷ đồng, tăng 4.113 tỷ so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khoản mục tiền và tương đương tiền tăng gấp hơn 2,2 lần từ 2.783 tỷ đồng đầu năm lên 6.236 tỷ đồng cuối quý I/2024.
Danh mục FVTPL của VPS có giá trị 6.411 tỷ đồng, cao hơn 14% so với đầu năm. Trong đó, công cụ thị trường tiền tệ 5.749 tỷ đồng, trái phiếu chưa niêm yết 343 tỷ đồng và trái phiết niêm yết 286,5 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng ghi nhận 1.171 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Thời điểm cuối quý I/2024, nợ phải trả của VPS tăng 27% so với đầu năm lên 17.077 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn tăng 28% lên 16.066 tỷ đồng và vay dài hạn giữ nguyên mức 386 tỷ đồng.
Ngày 25/4 sắp tới, Chứng khoán VPS sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều kế hoạch quan trọng.
Cụ thể là phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Theo đó, công ty dự kiến phát hành hơn 18,8 triệu cổ phiếu, giá trị phát hành tương ứng theo mệnh giá là hơn 188 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của VPS sẽ tăng từ 5.700 tỷ đồng lên 5.888 tỷ đồng. Thời gian thực hiện theo quyết định của HĐQT.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, VPS dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền đối với 50 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức phát hành năm 2017 và 203 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức phát hành năm 2018, cùng tỉ lệ 6%.
Số tiền chi trả tương ứng là 30 tỷ đồng và gần 122 tỷ đồng. Đối với các cổ đông phổ thông, VPS không thực hiện chi trả cổ tức năm 2023.
Ngoài ra, VPS sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua một số nội dung khác như Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc công ty, đều chỉnh tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100%....
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận