menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hà My

"Mẹ - con" Vinafor (VIF) giằng co đất vàng

“Năm lần bảy lượt” Công ty cổ phần Lâm sản Hà Nội (Vinafor Hà Nội) muốn sửa điều lệ và tăng vốn, nhưng Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã VIF - sàn HNX) liên tục phủ quyết, hủy nghị quyết đại hội cổ đông (ĐHCĐ).

Tiến thoái lưỡng nan

Trong đơn kháng cáo mới đây gửi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Vinafor Hà Nội cho biết, tình hình tài chính Công ty vô cùng khó khăn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, công ty có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi các cổ đông.

“Việc Vinafor liên tục phủ quyết việc tăng vốn điều lệ nhưng không đưa ra giải pháp kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của Vinafor Hà Nội là không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc phát triển, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, đơn thư nêu.

Vinafor sở hữu 30% vốn điều lệ của Vinafor Hà Nội. Từ năm 2014 đến 2019, Vinafor Hà Nội liên tục có nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng bằng hình thức phát hành thêm 200.000 cổ phần chào bán cho các cổ đông hiện hữu.

Trên thực tế, năm 2016, Vinafor đã nộp tiền mua cổ phần, nhưng khi Vinafor Hà Nội thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ thì tổng công ty này không chấp nhận. Do đó, Vinafor Hà Nội chưa thể thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ của Công ty để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.

Trong 5 năm qua, Vinafor có 2 lần phủ quyết nghị quyết tăng vốn của Vinafor Hà Nội thông qua bản án năm 2017 và quyết định giải quyết vụ án kinh doanh thương mại năm 2020.

Theo quyết định năm 2020, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng tuyên hủy một phần Nghị quyết số 04/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 12/6/2019 của Vinafor Hà Nội với nội dung “Thông qua việc thực hiện tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ để Công ty có nguồn vốn kinh doanh, bù số lỗ lũy kế, đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án tại 67 Ngô Thì Nhậm”.

Vinafor Hà Nội kháng cáo bản án trên với lý do Công ty hoạt động chính trong mảng lâm nghiệp và diệt mối, nhưng từ năm 2009 đến nay nguồn thu dựa vào kinh doanh bất động sản.

Hiện nay, Công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản, pháp luật yêu cầu vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Vì vậy, việc tăng vốn là phương thức tất yếu để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nhưng trái lại, Vinafor từng nhiều lần phản đối vì cho rằng, Vinafor Hà Nội không đưa ra phương án tăng vốn (hình thức chào bán, số lượng cổ phần chào bán, thời gian chào bán…), không đăng ký tăng vốn là vi phạm pháp luật chứng khoán. Ngoài ra, mục đích tái cấu trúc tài chính để thực hiện dự án tại 67 Ngô Thì Nhậm khi khu đất đang có tranh chấp là không có căn cứ.

Quá trình tố tụng qua nhiều năm, Vinafor Hà Nội gặp vướng mắc về việc sửa đổi điều lệ. Theo Điều lệ năm 2010, tỷ lệ có quyền biểu quyết là 75%. Năm 2015, Vinafor Hà Nội thông qua việc sửa đổi, giảm xuống 65% nhưng nghị quyết này bị Vinafor phủ quyết và kiện ra tòa án.

Năm 2016, Vinafor Hà Nội tiếp tục sửa đổi tỷ lệ biểu quyết nhưng bất thành. Cơ quan tố tụng lấy Điều lệ năm 2010 để làm căn cứ hủy bỏ một phần Nghị quyết ĐHCĐ năm 2019 vì nội dung tăng vốn chỉ đạt tỷ lệ biểu quyết 69,71%.

Tranh chấp đất hậu cổ phần hóa

Mâu thuẫn dai dẳng giữa Vinafor Hà Nội và Vinafor liên quan trực tiếp đến khu đất vàng 67 Ngô Thì Nhậm. Vinafor Hà Nội nhiều lần xuất trình giấy tờ cho tòa án thể hiện Công ty là chủ sử dụng đất hợp pháp diện tích 1.798 m2 tại số 67 Ngô Thì Nhậm.

Mâu thuẫn dai dẳng giữa Vinafor Hà Nội và Vinafor liên quan trực tiếp đến khu đất vàng 67 Ngô Thì Nhậm.

Còn bản cáo bạch của Vinafor thể hiện, tổng công ty này có tài sản là 343 m2 sàn tầng 1 ngôi nhà 3 tầng trên diện tích đất 343 m2 thuộc diện tích 1.795,8m2 tại số 67 Ngô Thì Nhậm.

Khi Vinafor cổ phần hóa, theo biên bản bàn giao tài sản, từ năm 1999, hàng năm Vinafor vẫn đóng các loại tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp liên quan đến diện tích 343 m2 cho Vinafor Hà Nội để công ty này nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, vào năm 2014, Vinafor Hà Nội có văn bản gửi các bộ, ban ngành, UBND TP. Hà Nội và khởi kiện ra tòa án, đề nghị xem xét lại quyền sở hữu tài sản này. Từ năm 2018 đến 2020, Vinafor và Vinafor Hà Nội theo đuổi vụ kiện về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu đất trên.

Năm 2020, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có quyết định kháng nghị số 39/2020/KN-DS ngày 22/6/2020 đối với bản án phúc thẩm và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm.

Trong khi đó, tháng 9/2020, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm liên quan đến việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, trong đó nêu rõ, năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện thủ tục đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên cho Vinafor Hà Nội là có vi phạm.

Điều này phần nào giải thích cho động thái quyết liệt của Vinafor thời gian qua với tư cách cổ đông nhà nước nhằm bảo toàn vốn cho nhà nước.

Trong khi đó, theo luật sư Phan Thị Lam Hồng, việc tăng vốn là thiết thực và có ý nghĩa sống còn đối với Vinafor Hà Nội, phù hợp với quy định tại Điều 10 - Luật Kinh doanh bất động sản 2015, Điều 3 - Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2015 về điều kiện kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, nhưng Vinafor liên tục phủ quyết khiến Vinafor Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Dấu hỏi quản lý đất đai

Vinafor cổ phần hóa từ năm 2015, phần lớn lợi nhuận đến từ các công ty liên doanh, liên kết. Với khu đất 67 Ngô Thì Nhậm, mặc dù có vị trí đắc địa ở Hà Nội, nhưng nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để tranh chấp nên chưa thể triển khai dự án, gây lãng phí.

Hiện nay, một số cơ sở kinh doanh tận dụng tầng 1 của tòa nhà 3 tầng trên khu đất làm nơi buôn bán, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, phân phối xe điện, công ty chuyển phát nhanh…

Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của Vinafor ghi nhận giá trị đầu tư vào Vinafor Hà Nội là 6 tỷ đồng và không có biến động lãi, lỗ. Trên thị trường, những thông tin về Vinafor Hà Nội rất ít ỏi. Trong hồ sơ tố tụng có biên bản họp ĐHCĐ ngày 12/6/2019 của Vinafor Hà Nội ghi nhận, tại ngày 11/12/2018, Công ty lỗ lũy kế 39,9 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, vào giữa tháng 6/2021, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm yêu cầu hủy nghị quyết giữa Vinafor và Vinafor Hà Nội, nhưng sau đó tạm hoãn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại