Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng
Mặc dù cạn room tín dụng, khó đẩy mạnh cho vay trong thời gian còn lại của năm 2022, song mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng.
Tăng mạnh lãi suất
Lãi suất tiết kiệm ở thị trường 1 (huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế) tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng.
Ngày 22/11, Techcombank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng thêm 0,3%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Mức lãi suất cao nhất đang được áp dụng lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
VPBank cũng tăng lãi suất thêm 0,3%, với lãi suất lên mức cao nhất ở mức 9,3%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trở lên; 12 tháng là 9,1 - 9,3%/năm… Đối với tiết kiệm Ptime Savings, lãi suất lên cao nhất là 11,1%/năm đối với tháng đầu tiên của kỳ hạn 36 tháng, tháng tiếp theo còn 9,25%/năm. Mức lãi suất 9%/năm hiện được xem là phổ biến ở nhiều ngân hàng. GP Bank tăng lãi suất lên mức cao nhất 9,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên. Sacombank cũng đã tăng lãi suất lên mức 9%/năm ở kỳ hạn 15 tháng.
Nhờ lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao, nên sau 2 tháng giảm liên tiếp, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại và vượt mốc 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo số liệu vừa cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,38%, của doanh nghiệp tăng 2,43%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 10 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng.
Chuẩn bị thanh khoản cuối năm
Thực tế, một số nhà băng ghi nhận sụt giảm tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm, như MB giảm 2% so với đầu năm, đạt 377.145 tỷ đồng; Bản Việt giảm 4%, xuống còn 43.386 tỷ đồng; KienLongBank giảm 18%, ghi nhận 42.225 tỷ đồng…
Thanh khoản gặp áp lực, nên 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã rút mạnh tiền khỏi NHNN. Tính đến ngày 30/9, tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính chỉ còn 176.163 tỷ đồng, giảm đến 48% so với đầu năm.
Thanh khoản gặp áp lực dẫn đến hệ quả là lãi suất vay qua đêm trong một vài tuần gần đây được đẩy lên rất cao. Lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm vượt 10% - mức cao nhất kể từ năm 2012. Theo nhận định của PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng rút tiền gửi về trước hết là do thanh khoản của họ trong thời gian gần đây gặp khó khăn, trong khi tín dụng tăng trưởng gấp đôi so với huy động.
Do áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, NHNN tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt. Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn ở mức hấp dẫn. Trong khi đó, xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc từ quý IV/2022, nên không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tăng thêm lãi suất cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 nhằm duy trì môi trường tỷ giá ổn định. Các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn để chuẩn bị tốt thanh khoản cho việc đẩy mạnh cho vay khi được mở room tín dụng đầu năm 2023.
Mới đây, NHNN có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó có vấn đề cấp room tín dụng. Theo đó, NHNN đang tính toán cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023 và khẳng định “sức khỏe” của ngân hàng chính là căn cứ đầu tiên để NHNN phân bổ room tín dụng. NHNN yêu cầu các đơn vị chức năng của NHNN tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi… để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Bộ phận Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, NHNN sẽ đẩy mạnh sử dụng công cụ tài khóa nhằm giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận