Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Các chuyên gia khuyến nghị sớm cập nhật cách áp dụng lương tối thiểu vùng sau khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, thời điểm điều chỉnh và áp dụng có thể từ 1/1/2026.
Nghị định 74 năm 2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được áp dụng theo 4 vùng, gắn liền với đơn vị hành chính cấp huyện. Trước đó vào tháng 2, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, đánh giá và đề xuất điều chỉnh phân vùng. Đây là cơ sở để Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp bàn phương án tăng lương năm 2025 trước khi trình Chính phủ.
Theo kế hoạch, Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và bỏ cấp huyện sẽ được Quốc hội thông qua trước ngày 30/6. Nghị định 74 cũng quy định các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia tách đơn vị hành chính sẽ tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu trước khi thay đổi cho đến khi Chính phủ ban hành quy định mới. Doanh nghiệp hoạt động ở nơi được lập mới từ một hoặc nhiều địa bàn có lương tối thiểu khác nhau thì được áp dụng mức cao nhất
Nguyên thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đề xuất sau khi hoàn tất việc sáp nhập, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng cập nhật lại các vùng lương theo địa giới hành chính mới trước khi họp bàn về mức tăng và thời điểm tăng lương. Điều này giúp các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh việc chi trả lương, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động.
Ông Huân cũng lưu ý rằng việc phân chia 4 vùng lương hiện hành nhằm đảm bảo mặt bằng tiền lương chi trả cho người lao động không thấp hơn mức tối thiểu. Mặc dù trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu do mở rộng sản xuất và cạnh tranh nhân công, nhưng vẫn cần có hướng dẫn mới.
Theo ông Huân, bỏ cấp huyện sẽ dẫn đến mở rộng địa lý của cấp xã, phường. Do đó, các doanh nghiệp đang hoạt động ở địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng 2 (4,41 triệu đồng/tháng) có thể chuyển lên vùng 1 (4,96 triệu đồng/tháng) hoặc ngược lại. Sự thay đổi trong việc chi trả tiền lương sẽ làm biến động quỹ lương của doanh nghiệp. "Sau khi bỏ huyện, chỉ còn cấp tỉnh và xã thì các vùng nên cập nhật theo địa giới xã, phường", ông Huân gợi ý.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc rà soát kỹ lưỡng điều kiện kinh tế xã hội và mức sống của từng địa phương trước khi cập nhật phân vùng, bởi việc sáp nhập có thể ảnh hưởng đến việc một địa phương được xếp vào vùng lương nào, đặc biệt ở những khu vực "giáp ranh" giữa hai vùng lương.
Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội dự đoán rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2025 có thể không kịp thực hiện vào ngày 1/7 mà có khả năng lùi đến ngày 1/1/2026. Thời điểm đầu năm thường phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đã được áp dụng cho nhiều lần điều chỉnh trước đây. Tỷ lệ tăng có thể bằng hoặc cao hơn 6% do kinh tế ghi nhận tăng trưởng tốt, doanh nghiệp mở rộng sản xuất và mức tăng cũ đã được áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm điều chỉnh vùng lương tối thiểu dựa trên cơ sở hành chính cấp xã sau khi sáp nhập.
Theo ông, Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến họp bàn phương án tăng lương tối thiểu vào tháng 7 tới. Thời điểm đề xuất tăng có thể được áp dụng vào đầu năm 2026. Bộ phận nghiên cứu về mức sống tối thiểu vừa được thành lập với sự tham gia của đại diện cơ quan thống kê, công đoàn..., để thực hiện các khảo sát về chi phí sinh hoạt và đời sống của người lao động, từ đó có thêm dữ liệu làm cơ sở cho phương án tăng lương.
Lương tối thiểu tháng hiện hành vùng I là 4,96 triệu đồng; vùng 2 đạt 4,41; vùng 3 là 3,86 và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương tối thiểu giờ tại bốn vùng lần lượt là 23.800 đồng, 21.200 đồng, 18.600 đồng và 16.600 đồng. Năm 2024, địa bàn một số vùng được cập nhật do thay đổi địa giới hành chính hoặc điều kiện hạ tầng, thị trường lao động. Nhiều địa phương được điều chỉnh lên vùng lương cao hơn giúp thu hút lao động, tạo sự cân đối về giá nhân công với khu vực lân cận.
Theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính, 63 tỉnh, thành sẽ giảm còn một nửa; 10.035 đơn vị hành chính cấp xã giảm 60-70%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường