Luật Xây dựng sửa đổi: Cần đánh giá thấu đáo rồi sửa toàn diện
Chiều 18 9, tại phiên Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu băn khoăn: Sau khi luật này ban hành, chúng ta có khắc phục được một số tồn tại hiện nay không?
Một số ví dụ đã được nêu lên để bàn thảo.
Thứ nhất, hiện nay rất nhiều công trình vi phạm quy định của pháp luật vẫn đang tồn tại mà không xử được, chỉ phạt cho tồn tại.
Thứ hai, các nhà chung cư mặt đường cơi nới như chuồng cọp thì Luật này có xử lý được hay không.
Thứ ba, quy hoạch giải phóng mặt bằng sinh ra những nhà siêu mỏng thì Luật này có xử lý được không. Thứ tư, làm gì để phải tháo dỡ, di chuyển nhà tập thể quá niên hạn…
Sau khi nêu nhiều bất cập đang tồn tại hiện nay, ông Phúc cho rằng, nếu có điều kiện, có thời gian, Ban soạn thảo hãy suy nghĩ, tổng kết, đánh giá tác động cho thấu đáo rồi sửa Luật toàn diện.
Luật Xây dựng hiện hành đã có hiệu lực từ 2015. Sau 4 năm đi vào thực hiện, đến nay Bộ Xây dựng đã ban hành 37 văn bản hướng dẫn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Chúng tôi cho rằng việc sửa đổi là cần thiết, nhưng nếu cần thiết phải xác định những cái cấp bách để sửa đổi vì vướng các luật khác, nếu sửa đổi để giải quyết tổng thể những vấn đề thì phải tổng kết rất kỹ và đề nghị xem lại báo cáo tổng kết để đảm bảo chất lượng của sửa đổi”, bà Nga đề nghị.
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, qua thảo luận và ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về phạm vi sửa đổi và mục tiêu sửa đổi của dự án luật hiện còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị cần rà soát tập trung vào các vấn đề cần thiết, cấp bách phải giải quyết ngay để giải quyết những vấn đề bức xúc như vấn tháo gỡ cho môi trường, trong quản lý xây dựng và những vấn đề nâng cao chất lượng xây dựng, kỷ luật xây dựng. Đồng thời, đề nghị vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu là thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, vì vấn đề xây dựng hiện nay có liên quan đến rất nhiều nội dung, không những chỉ là vấn đề tháo gỡ môi trường đầu tư xây dựng, trong quản lý xây dựng mà vấn đề chất lượng xây dựng và cảnh quan môi trường xây dựng, an toàn xây dựng, nâng cao môi trường sống…
Tuy nhiên, ông Hiển cho biết việc lựa chọn phương án để trình ra Quốc hội thì Chính phủ sẽ lựa chọn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà lại dự án luật này các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột với các luật hiện hành như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường… và các dự án luật sẽ sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể của dự án luật liên quan đến vấn đề như về phân loại cấp độ xây dựng, về Ban quản lý xây dựng; về công trình xây dựng mang tính cấp bách; dự án đô thị; các nội dung tăng cường về kỷ luật xây dựng, có thêm những chế tài để tăng cường kỷ luật xây dựng hơn nữa, tránh những tồn tại, hạn chế như thời gian vừa qua.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến các ý kiến thảo luận cũng như ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; hoàn chỉnh hồ sơ và trình ra Quốc hội theo đúng thời gian của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải sớm trước 20 ngày so với khai mạc của Quốc hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận