Luật Điện lực sửa đổi 'giải vây' cho nhiều dự án năng lượng tái tạo?
Với việc có nhiều quy định mới liên quan đến năng lượng tái tạo, chuyên gia đánh giá Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết thế bế tắc của các dự án sau
Nhiều quy định mới liên quan năng lượng tái tạo
Quốc hội vừa thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Đây là dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đối với việc phát triển nguồn năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Một trong những nội dung mới trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Luật Điện lực (sửa đổi) nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong việc đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện Quy hoạch điện VIII, hướng tới mục tiêu net zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Bằng cách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Luật mới góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.
Luật Điện lực sửa đổi xây dựng hành lang pháp lý cho các dự án năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, đối với việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quy định của Luật Điện lực (sửa đổi) nêu rõ các bước khảo sát dự án, bao gồm việc nghiên cứu tiềm năng và đánh giá tác động môi trường, từ đó tạo cơ sở cho việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi được bổ sung, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh, qua đó thu hút các nguồn vốn chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.
Cùng đó, luật quy định các cơ chế như tư nhân hóa lưới điện truyền tải, cũng như hợp đồng BOT cho LNG và điện gió ngoài khơi mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này không chỉ tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn đặt nền móng cho một hệ thống năng lượng ổn định, hiệu quả.
Ngoài ra, Luật Điện lực (sửa đổi) còn khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng được quy định rõ ràng, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình. Quy trình tháo dỡ công trình thuộc các dự án năng lượng tái tạo cũng được đưa vào, đảm bảo tính bền vững và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.
Sớm hóa giải cơn "khát" điện
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc sửa đổi Luật Điện lực trong bối cảnh đất nước đang "khát điện" được đánh giá là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.
Theo các chuyên gia, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để hiện thực hóa nội dung Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo ông Phong, luật khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay như thiếu quy định rõ ràng, để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nhất là chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi,...
Do đó, với các quy định mới của Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn.
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận - đánh giá cao việc Quốc hội sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) bởi câu chuyện thiếu điện với Việt Nam đang là câu chuyện nhãn tiền.
Theo ông Thịnh, dự báo về tình hình cung ứng điện năm 2025 là rất thách thức khi tăng trưởng điện năng lên tới 11,3%. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhiều dự án điện hiện gặp bế tắc trong việc thiếu cơ chế chính sách để triển khai.
Để nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung của luật, các chuyên gia này cho rằng Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp, tổ chức liên quan có căn cứ triển khai các dự án mới sau thời gian dài im ắng, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Kiến nghị ban hành 7 nghị định, 27 thông tư hướng dẫn
Bộ Công Thương vừa gửi tờ trình tới Thủ tướng về việc xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2025.
Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024 có nhiều nội dung mới, mang tính đột phá. Luật có nhiều nội dung quan trọng, có ảnh hưởng rộng rãi đến hoạt động điện lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư và công tác quản lý.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật. Theo dự thảo do Bộ Công Thương xây dựng sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền phổ biến nội dung của luật, xác định nội dung, tiến độ công việc cần hoàn thành để thi hành luật thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên cả nước.
Để triển khai Luật Điện lực sửa đổi hiệu quả, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành 7 nghị định, bộ trưởng ban hành 27 thông tư hướng dẫn, trong đó tập trung các nội dung về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn; nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh căn cứ lập, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện... Bộ Công Thương cũng kiến nghị sẽ ban hành các quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Điện lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường