Lợi nhuận Becamex đi lùi, muốn huy động 2.000 tỷ từ kênh trái phiếu
Chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận của Becamex, công ty dự tính sẽ huy động 8.750 tỷ đồng từ kênh trái phiếu và đi vay để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, MCK: BCM) công bố BCTC quý I/2022 cho thấy một quý kinh doanh không mấy khả quan.
Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.433 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Trong kỳ, các mảng kinh doanh chính của Becamex gồm kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư và bán hàng hóa đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ 2021, nhờ đó tổng doanh thu tăng nhẹ 2%, lên hơn 1.433 tỷ đồng.
Giá vốn được tiết giảm đến 25% giúp biên lãi gộp doanh nghiệp tăng từ 41% lên 57%, dẫn đến lãi gộp tăng 41%, lên gần 821 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu từ hoạt động tài chính và từ công ty liên doanh, liên kết đều lần lượt giảm 28% và 38%.
Trong khi đó, các chi phí của doanh nghiệp ghi nhận tăng đồng loạt như chi phí lãi vay tăng 74% lên 265,7 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 29% lên 164,9 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 15% lên 110,6 tỷ đồng.
Kết quả đem đến là dù lãi gộp tăng mạnh nhưng lãi sau thuế quý I/2022 của Becamex vẫn giảm 14% so với cùng kỳ, còn 391 tỷ đồng.
Phía Becamex lý giải, nguyên nhân là do lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm trong kỳ; đồng thời chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng trong kỳ dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế giảm so với quý I/2021.
Becamex đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2022 với tổng doanh thu đạt 9.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.888 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 98% so với kết quả thực hiện năm 2021.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Becamex mới hoàn thành được 14,8% chỉ tiêu doanh thu và 13,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Becamex ghi nhận hơn 49,5 nghìn tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản có tới gần 21.538 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng hơn 600 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Phần lớn hàng tồn kho của Becamex nằm ở sản xuất, kinh doanh dở dang (19.030 tỷ đồng).
Lượng tiền và tiền gửi của Becamex tăng 32% do công ty tăng mạnh các khoản tiền gửi ngân hàng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn lại giảm 25%, chủ yếu do giảm các khoản phải thu khách hàng.
Nợ phải trả của Becamex cuối quý I/2022 nhích nhẹ lên 31.973,86 tỷ đồng; riêng vay nợ ngắn hạn và dài hạn còn 3.365 tỷ đồng và 12.387,4 tỷ đồng. Dù nợ vay ngắn hạn giảm đến 21% nhưng tổng nợ vay của Công ty chỉ giảm 5% do các khoản nợ dài hạn vẫn chiếm đa số.
Đáng chú ý, về các khoản nhận tiền trước của Becamex, dù không còn ghi nhận hơn 860 tỷ đồng từ CTCP Sao Hỏa Toàn Quốc nhưng bù lại Công ty nhận được khoản tiền cọc ứng trước thi công công trình 2.310 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng dự án Công ty TNHH Nội thất Gỗ Phú Đỉnh.
Trong biên bản và nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022, Becamex dự tính sẽ vay thêm 8.750 tỷ đồng trong thời gian tới. Trong đó, vay ngắn hạn 5.000 tỷ đồng; Vay trung dài hạn 1.750 tỷ đồng để rót vào các dự án KCN Cây Tường, KCN Khoa học Công nghệ, các khu dân cư tại Bàu Bàng, đầu tư hạ tầng KĐT mới và các khu tái định cư liên hợp, các dự án giao thông QL13, DT746, DT743, Mỹ Phước - Bàu Bàng...
Bên cạnh đó, Becamex dự tính thu về 2.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022. Nếu kế hoạch này thành công, Becamex sẽ sử dụng 1.100 tỷ đồng đầu tư dự án KCN Bàu Bàng mở rộng, 300 tỷ đồng đầu tư dự án Khu văn hoá - Thương mại - Dịch vụ - Nhà ga trung tâm thành phố mới Bình Dương, 600 tỷ đồng đầu tư dự án Toà nhà Văn phòng - Thương mại - Dịch vụ WTC thành phố mới Bình Dương.
Hiện nay, Becamex đang vay 11.130 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Nếu kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2022 của Becamex thành công, số nợ vay thông qua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sẽ đạt mức khoảng 13.000 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu BCM giảm 6,4% về mức 80.500 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận