Lời hứa của ông Nguyễn Quốc Cường và tương lai Quốc Cường Gia Lai
Lần thứ 2, ông hứa mọi hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai trong thời gian tới sẽ được bình thường trở lại.
Lời hứa của người mới ngồi "ghế nóng"
Ông Nguyễn Quốc Cường (còn gọi là Cường "Đô La") mới được Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) chọn làm Tổng giám đốc khoảng một tuần nay. Việc bổ nhiệm này diễn ra khi bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ông Cường - bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai.
Ngồi "ghế nóng" được ít ngày thì hôm 30/7 vừa qua, ông Cường tham gia cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên Quốc Cường Gia Lai, trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan tới các hoạt động của công ty. Vị tổng giám đốc 42 tuổi tỏ ra rành rọt, trả lời mọi câu hỏi của cổ đông một cách trực diện, không né tránh.
Chia sẻ với cổ đông, ông Cường có nhắc đến biến cố không may mắn vừa xảy ra với Quốc Cường Gia Lai (liên quan vụ việc của bà Loan - PV). Ông cảm ơn và trân trọng tình cảm của cổ đông khi gửi lời hỏi thăm, động viên; mong cổ đông đồng hành, sát cánh với công ty trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Cường hứa với cổ đông sẽ duy trì công ty hoạt động bình thường (Ảnh: Quang Anh).
Trong phiên họp này, 2 lần ông Cường bày tỏ sự cam đoan và quyết tâm vực dậy Quốc Cường Gia Lai sau sóng gió. Lần thứ nhất, ông cam đoan từ nay về sau, với vị trí tổng giám đốc, sẽ làm mọi thứ để bảo vệ quyền lợi cổ đông. Lần thứ 2, ông hứa mọi hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai trong thời gian tới sẽ được bình thường trở lại.
Hiện tại, ông Cường còn điều hành Công ty bất động sản C-Holdings, hoạt động chủ yếu tại Bình Dương. Khi được hỏi về việc cân bằng vai trò giữa 2 doanh nghiệp, ông Cường cho biết bản thân nhận nhiệm vụ tại Quốc Cường Gia Lai khá bất ngờ. Ông thừa nhận nếu bị hỏi kỹ về chiến lược phát triển công ty, ngay lúc này, ông chưa thể có câu trả lời thấu đáo. Ông cần thời gian rà soát lại tình hình Quốc Cường Gia Lai và sẽ cố gắng để hoàn thiện nhiệm vụ tại cả 2 doanh nghiệp.
Quốc Cường Gia Lai cần làm gì để "vượt bão"?
Thiếu vắng bà Nguyễn Thị Như Loan - người sáng lập, điều hành suốt hơn 3 thập kỷ, Quốc Cường Gia Lai vừa phải kiện toàn bộ máy nhân sự. Không chỉ bổ nhiệm ông Cường làm Tổng giám đốc, cổ đông công ty còn bầu ông Cường vào HĐQT thay bà Loan.
Ngoài ra, công ty cũng có thêm một thành viên HĐQT độc lập là bà Hà Thị Thu Thủy. Bà Thủy là Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lyn Property - công ty nơi em gái ông Cường làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Từ đó, danh sách HĐQT của Quốc Cường Gia Lai đầy đủ gồm 4 thành viên, gồm ông Lại Thế Hà, ông Nguyễn Quốc Cường, ông Lại Thế Hiển và bà Hà Thị Thu Thủy, nhiệm kỳ 2022-2027.
Bên cạnh vấn đề nhân sự, công ty cần xử lý bài toán tài chính. Công ty có một khoản tiền 2.882 tỷ đồng cần trả cho đối tác Sunny Island liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Từ năm 2016, Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island đã ký thỏa thuận ghi nhớ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TPHCM) với giá 2.882 tỷ đồng. Cuối năm 2017, Quốc Cường Gia Lai đã dùng 2.882 tỷ đồng tất toán nợ vay tại BIDV và phát triển các dự án bất động sản. Hai bên thống nhất số tiền trên sẽ được cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất, dự án đủ điều kiện được phép chuyển nhượng.
Tuy nhiên vừa qua, khi xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tòa án đã phán quyết Quốc Cường Gia Lai phải trả 2.882 tỷ đồng. Loạt tài sản bất động sản giá trị của doanh nghiệp này cũng bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Ông Nguyễn Quốc Cường thừa nhận sẽ thu xếp nguồn tiền để trả lại bà Trương Mỹ Lan và nhận về dự án. Phương thức thực hiện là thoái vốn 3 dự án thủy điện, xử lý hàng tồn kho, phát triển dự án Marina Đà Nẵng, tổng doanh thu đưa về khoảng 3.000 tỷ đồng. Ông Cường đánh giá phương án này khả thi. Nếu gặp khó khăn trong xử lý hàng tồn kho, Quốc Cường Gia Lai còn tính đến thoái vốn ở một số công ty khác.
Quốc Cường Gia Lai có nguồn tài sản khá lớn được tích lũy nhiều năm. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh nghiệp có hơn 7.033 tỷ đồng hàng tồn kho, không thay đổi nhiều so với cuối năm trước. Trong đó, hơn 6.525 tỷ đồng là bất động sản dở dang và hơn 465 tỷ đồng bất động sản hàng hóa. Báo cáo không thuyết minh cụ thể về các dự án tồn kho.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, tài sản bất động sản của công ty được thuyết minh cụ thể hơn. Với bất động sản dở dang (gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và chi phí khác), Quốc Cường Gia Lai có các dự án Khu dân cư Phước Kiển (TPHCM), dự án Lavida (TPHCM), Central Premium (TPHCM), Marina Đà Nẵng và một số dự án khác.
Bất động sản hàng hóa (đã xây dựng hoàn thành) gồm Chung cư Quốc Cường Gia Lai II - Lô A (TPHCM), Dự án DeCapella (TPHCM), Chung cư Giai Việt (TPHCM) và một số dự án khác.
Ngoài ra, công ty do ông Cường làm CEO có 3 nhà máy thủy điện gồm Thủy điện IA Grai 1, Thủy điện IA Grai 2 và Nhà máy Thủy điện Ayun Trung (Gia Lai). Trong phương án ông Cường đưa ra, Quốc Cường Gia Lai sẽ chuyển nhượng 3 nhà máy này, dự thu về khoảng 1.000 tỷ đồng vào quý III hoặc quý IV năm nay.
Đối với Marina Đà Nẵng, ông Cường đánh giá đây là dự án pháp lý hoàn chỉnh nhất trong các dự án của công ty. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm nay tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 và triển khai thủ tục, kịp bán hàng trong quý IV/2024 hoặc quý I/2025. Trong trường hợp không triển khai được Marina Đà Nẵng, công ty sẽ tiếp tục bán tài sản để thu hồi vốn.
Tính đến 31/3, Quốc Cường Gia Lai có tổng nợ phải trả hơn 5.100 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn hơn 9.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính hơn 570 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,13 lần.
Dù chưa có thời gian quá dài ngồi "ghế nóng" nhưng ông Cường nhận định, Quốc Cường Gia Lai có lượng tài sản tương đối tốt và không chịu áp lực về dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn. Ông cho rằng sức khỏe công ty rất tốt, chưa đáng lo ngại, nhiều quỹ đất có thể triển khai, tính thanh khoản cao và mong cổ đông tiếp tục đồng hành.
Tuy nhiên, "nước xa" liệu có cứu được "lửa gần" khi mà trước lúc có tiền trả cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và biến những lợi thế tài chính (theo nhận định của ông Cường) trở thành hiện thực thì Quốc Cường Gia Lai vừa có một quý lỗ nặng kỷ lục trong 10 năm qua? Cụ thể, quý II năm nay, công ty lỗ 17,3 tỷ đồng và nửa đầu năm cũng lỗ 16,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 14 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn chưa đầy 28 tỷ đồng tiền mặt.
Quốc Cường Gia Lai vẫn có hơn 7.000 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm 75% tổng tài sản. Trong đó phần lớn là tồn kho dở dang (gồm chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và chi phí khác). Lượng tồn kho này tồn tại đã lâu, đòi hỏi ông Cường cần có các giải pháp thực tế để giải phóng, đem lại dòng tiền hoạt động cho công ty thay vì chỉ nằm một chỗ, chiếm dụng nguồn tài sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường