24HMONEY đã kiểm duyệt
20/12/2022
Lọc tìm cơ hội từ mở cửa kinh tế Trung Quốc
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính, các chuyên gia đánh giá việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, trong đó nhóm ngành liên quan đến hàng hóa thiết yếu sẽ được hưởng lợi.
Trung Quốc đang nỗ lực mở cửa nền kinh tế trở lại, ông dự báo như nào về tiến trình này?
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với không chỉ nền kinh tế thế giới mà còn với cả nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên theo tôi, quá trình mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể diễn ra nhanh được, vì việc đóng cửa do COVID-19 đã dẫn đến rất nhiều nhà máy, cán bộ công nhân viên phải hoạt động sản xuất tại chỗ hoặc ngừng hoạt động.
Khi mở cửa trở lại, sẽ cần chuẩn bị tất cả các nguồn lực. Như vậy, ít nhất đến quý I/2023 Trung Quốc mới có thể mở cửa hoàn toàn để hòa nhập chung với nền kinh tế thế giới.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bristol, Anh: Thị trường Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh trong thời gian vừa qua do kỳ vọng việc mở cửa sẽ diễn ra sớm. Song cần lưu ý, khi mở cửa số ca nhiễm COVID ở Trung Quốc lại tăng mạnh, lúc này chính quyền Trung Quốc sẽ phải cân đối giữa hai vấn đề là mở cửa và vấn đề người bệnh tăng.
Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế nước này nhanh chóng tăng trưởng trở lại và tác động tích cực đến kinh tế thế giới, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Trần Minh Tuấn: Việc Trung Quốc - một công xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-Covid đã dẫn tới nguồn cung hàng hóa trên thị trường bị khan hiếm và dẫn đến tình trạng lạm phát do chi phí tăng trong suốt giai đoạn vừa qua.
Chính vì thế, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, lượng cung hàng cho nền kinh tế thế giới sẽ nhiều hơn và áp lực về giá sẽ giảm đi, lạm phát do chi phí đẩy ở các nước châu Âu và Mỹ sẽ thấp xuống. Điều này giúp các nước Mỹ và Châu Âu sẽ có những chính sách mềm mại hơn đối với chính sách tiền tệ của họ.
TS.Hồ Quốc Tuấn: Có rất nhiều động thái của Chính phủ Trung Quốc, từ việc tăng hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ
bất động sản và đặc biệt là phát hành lượng lớn trái phiếu mới để tăng xây dựng, đầu tư hạ tầng. Như vậy, Trung Quốc đang hướng tới thúc đẩy kinh tế và nếu tăng trưởng ở nước này được đẩy lên sẽ tác động tích cực đối với kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại?
Ông Trần Minh Tuấn: Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc đạt đến 150 tỷ USD một năm. Kim ngạch nhập khẩu hàng năm tăng trưởng tới 17%, kim ngạch xuất khẩu hàng năm cũng tăng trưởng đến 13,5% đối với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch của Trung Quốc sang Việt Nam hàng năm có tốc độ tăng trưởng 30%, song 9 tháng đầu năm vừa qua, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ chiếm 3%. Như vậy khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động rất tốt đến nền kinh tế của chúng ta.
Với bối cảnh trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến như nào trong thời gian tới?
Ông Trần Minh Tuấn: Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nó sẽ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong giai đoạn tới. Khi đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ dồi dào hơn, tạo nhiều điểm sáng trong năm 2023.
Những nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại?
Ông Trần Minh Tuấn: Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp bùng nổ nhu cầu về hàng hóa thiết yếu. Do vậy, nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản sẽ là những nhóm ngành có được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng đáng kể. Tiếp theo là nhóm ngành du lịch, du khách Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng mạnh khi các đường bay được nối trở lại. Bên cạnh đó, ngành vận tải cũng sẽ tăng trưởng khi lưu thông hàng hóa được thông suốt và tăng trưởng.
TS. Hồ Quốc Tuấn: Kinh tế Trung Quốc mở cửa sẽ tác động đến lợi ích của các doanh nghiệp FDI xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ đó tác động đến nhóm cổ phiếu liên quan đến bất động sản khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, những nhóm ngành về hàng tiêu dùng ở Việt Nam, nếu tận dụng được giai đoạn này để thâu tóm hoặc tiến hành tái cấu trúc sẽ được hưởng lợi rất lớn từ 2024 trở đi. Ngoài ra, đây cũng là một giai đoạn tốt để mua những cổ phiếu ngành xây dựng và nắm giữ dài hạn.
Bình luận