menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Hưng

Loạt dự án ở TP HCM sẽ khởi động nhờ cơ chế mới

Cầu, đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ... kỳ vọng sớm được triển khai nhờ cơ chế mới cho làm dự án BOT trên đường hiện hữu, BT trả chậm.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam, bảy năm trước TP HCM thông qua chủ trương xây cầu, đường Nguyễn Khoái bắc qua kênh Tẻ, nối quận 7, 4 và 1. Công trình có tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng (về sau tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô) nhằm mở trục đường mới ra vào khu trung tâm, giảm tải cho cầu kênh Tẻ. Tuy nhiên, sau 7 năm, dự án vẫn còn trên giấy dù luôn trong nhóm các công trình ngành giao thông thành phố muốn ưu tiên đầu tư.

Cách đây ba năm, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất thành phố cho thực hiện công trình này trong giai đoạn 2021-2025. Nhưng do ngân sách chưa thể cân đối, kế hoạch trên đã phải dừng để ưu tiên vốn cho các dự án quan trọng khác chuyển tiếp từ giai đoạn trước.

Loạt dự án ở TP HCM sẽ khởi động nhờ cơ chế mới

Phối cảnh cầu, đường Nguyễn Khoái nối ba quận 7, 4 và 1. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP HCM

Cầu, đường Nguyễn Khoái chỉ là một trong hàng loạt dự án hạ tầng cấp bách nhưng suốt nhiều năm TP HCM chưa thể triển khai do thiếu vốn. Ở cửa ngõ phía Đông, quốc lộ 13 (12.200 tỷ đồng) hàng chục năm qua cũng chưa thể mở rộng để đồng bộ với phía Bình Dương, hay cầu đường Bình Tiên dài hơn 3 km nối quận 6, 8 và Bình Chánh, tổng vốn 2.400 tỷ đồng khởi động từ 12 năm trước đến nay vẫn chưa thể khởi động...

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng, Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM vừa được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách khơi thông nguồn lực đầu tư, là cơ hội để các công trình hạ tầng cấp bách sớm triển khai. Trong đó, với việc áp dụng trở lại hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) cho dự án mới, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu, thành phố có thể huy động nhà đầu tư làm các công trình mà nhiều năm qua ngân sách chưa thể cân đối.

Cụ thể, cầu, đường Nguyễn Khoái là một trong những dự án đang được ngành giao thông thành phố dự tính làm theo hình thức BT, có thể triển khai ngay giai đoạn từ nay đến năm 2025. Ngoài dự án này, 5 công trình trọng điểm khác cũng dự kiến đầu tư theo phương thức trên, gồm: cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè sang Cần Giờ với tổng kinh phí khoảng 12.500 tỷ đồng; nút giao Bốn Xã (quận Bình Tân), tổng vốn hơn 1.700 tỷ.

Ba dự án còn lại gồm: mở rộng đường Ung Văn Khiêm kết hợp xây nút giao Đài Liệt Sỹ (Bình Thạnh), mở rộng đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương. Tổng kinh phí đầu tư các công trình này ước tính hơn hơn 6.600 tỷ đồng.

Loạt dự án ở TP HCM sẽ khởi động nhờ cơ chế mới

Xe ùn ứ trên quốc lộ 13 gần cầu Bình Triệu, cuối năm 2021. Ảnh: Gia Minh

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước, các dự án BT sẽ áp dụng phương án trả chậm bằng ngân sách, tức doanh nghiệp làm xong ở giai đoạn này và được thanh toán vào kỳ sau. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý cùng các phương thức thanh, quyết toán khi thực hiện dự án theo hợp đồng BT. Những chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án từ đầu. Đây là giải pháp tăng tính chủ động, linh hoạt khi xây dựng kế hoạch vốn của thành phố.

Với nhóm dự án thực hiện theo hình thức BOT, TP HCM sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các trục giao thông chính, kết nối vùng và quốc lộ đi qua địa bàn. Trong đó, ba dự án lớn đang được xem xét triển khai theo loại hợp đồng trên, gồm: mở rộng quốc lộ 13, cầu, đường Bình Tiên. Dự án còn lại là đường trên cao số 5, dài 21,5 km với mức đầu tư dự tính hơn 15.400 tỷ đồng.

"Để chốt chọn công trình nào đầu tư trước thành phố sẽ lấy ý kiến đồng thuận của người dân cũng như tính giải pháp đảm bảo hiệu quả", ông Bằng nói và cho biết ngoài các chính sách trên, cơ chế cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nhà ga metro, nút giao Vành đai 3, sẽ là đòn bẩy cho phát triển hạ tầng giao thông thành phố sắp tới.

Trước đó, trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giao thông ở thành phố được bố trí hơn 52.700 tỷ đồng. Mức này chiếm chưa đến 20% tổng nhu cầu. Con số trên cũng tương đương giai đoạn 5 năm trước đó, dù nhu cầu đầu tư, phát triển của đô thị hơn 10 triệu dân đã tăng lên nhiều lần.

Loạt dự án ở TP HCM sẽ khởi động nhờ cơ chế mới

Cầu Sài Gòn 2 (bên phải) - một trong dự án TP HCM đã thực hiện thành công theo hình thức BT. Ảnh: Gia Minh

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, nói vốn đầu tư công thời gian qua hạn chế, trong khi các hình thức thu hút nguồn lực bên ngoài lại thiếu đa dạng là lý do nhiều dự án trọng điểm chậm trễ triển khai, ảnh hưởng nhu cầu phát triển. Nghị quyết mới với nhiều chính sách quan trọng về đầu tư là tiền đề tạo đột phá cho hạ tầng giao thông, không chỉ TP HCM mà tác động cả khu vực xung quanh.

Theo ông, thông qua các hình thức BT, BOT, thành phố sẽ có thêm cơ hội tăng tốc đầu tư hoàn thiện các trục đường huyết mạch nhiều năm chậm trễ vì thiếu vốn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng trong kế hoạch thực hiện, thành phố nên ưu tiên các công trình thực sự cấp bách để đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như lợi ích của người dân. "Quá trình triển khai thành phố cần đảm bảo sự minh bạch, kèm theo các cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý chặt để tránh tiêu cực như từng xảy ra ở một số dự án áp dụng loại hợp đồng trên", ông Trình nói.

Đồng quan điểm, TS Chu Công Minh, Đại học Bách khoa TP HCM, cũng cho rằng BOT và BT vốn là hai hình thức đã khá phổ biến, thành phố đã từng áp dụng tại nhiều dự án trước đây. Các phương án này, ngoài giúp huy động nguồn lực đầu tư, thành phố còn thêm cơ hội nắm bắt kinh nghiệm, năng lực quản lý và điều hành từ các đơn vị tư nhân. "Khi bỏ tiền đầu tư, doanh nghiệp phải tìm giải pháp sớm hoàn thành dự án để thu hồi vốn nên tiến độ sẽ được đẩy nhanh", ông Minh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo các dự án hạ tầng thành phố đang tính triển khai theo hợp đồng BOT và BT đều có tổng mức đầu tư rất lớn nên cũng kèm nhiều rủi ro như: chậm giải phóng mặt bằng, người dân phản ứng, ảnh hưởng khả năng thu hồi vốn...Vì vậy, trong thỏa thuận giữa thành phố và nhà đầu tư cần có rõ ràng, cụ thể để đảm bảo dự án hiệu quả, hài hòa lợi ích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả