menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Thái

Lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận thù lao hơn 200 triệu đồng mỗi tháng

Dù lợi nhuận của Đạm Cà Mau “bốc hơi” gần 80% nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn nhận thù lao lên đến hơn 200 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Lợi nhuận giảm, thu nhập lãnh đạo tăng

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - HoSE: DCM) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả kinh doanh ảm đạm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trái ngược với mức lợi nhuận sụt giảm thì mức thu nhập của ban lãnh đạo Đạm Cà Mau lại tăng đáng kể so với cùng kỳ.

Theo đó, Hội đồng quản trị Đạm Cà Mau có 7 thành viên, trong đó Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Nguyên và ông Văn Tiến Thanh – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc có mức tổng thu nhập mỗi người là 1,5 tỷ đồng. Đây là những cá nhân có thu nhập cao nhất trong ban lãnh đạo Đạm Cà Mau.

Mức thu nhập này tăng hơn 500 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng, ông Nguyên và ông Thanh nhận thù lao hơn 260 triệu đồng.

Lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận thù lao hơn 200 triệu đồng mỗi tháng
​Mức thu nhập của ban lãnh đạo Đạm Cà Mau 6 tháng đầu năm 2023.

3 thành viên HĐQT và 5 Phó Tổng Giám đốc của công ty có mức thu nhập ngang nhau, mỗi người đều nhận 1,26 tỷ đồng, tương đương mỗi người nhận về 210 triệu đồng/tháng; còn 2 thành viên HĐQT không chuyên trách nhận 243 triệu đồng/người trong 6 tháng đầu năm 2023, tương đương thu nhập là 40,5 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, kế toán trưởng là ông Đinh Như Cường và Trưởng Ban Kiểm soát là bà Phan Thị Cẩm Hương được trả 1,15 tỷ đồng/người, tương đương mỗi người nhận thù lao 191 triệu đồng/tháng. 3 Kiểm soát viên là ông Đỗ Minh Đương, ông Trần Văn Bình và Lê Cảnh Khánh nhận thu lao lần lượt là 905 triệu đồng, 802 triệu đồng và 4,7 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm.

Trên báo cáo tài chính, mức thu nhập của ban lãnh đạo trái ngược với kết quả kinh doanh của công ty. Theo đó, tính riêng trong quý II/2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.291 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm chủ yếu do giá bán phân bón giảm mạnh với giá bán bình quân ure quý 2/2023 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn bán hàng tăng hơn 5% và chi phí bán hàng tăng 56% so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận gộp đạt 370 tỷ đồng, giảm 72%. Kết quả, Đạm Cà Mau lãi sau thuế quý II/2023 đạt 289 tỷ đồng, giảm 71 so với quý II/2022.

Năm nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 68% so với kết quả năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng, công ty hoàn thành 44,7% kế hoạch doanh thu và 37,5% kế hoạch lợi nhuận.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Đạm Cà Mau kỳ vọng giá ure sẽ giảm từ mức đỉnh của năm 2022 và công ty sẽ tận dụng nhu cầu trong nước phục hồi do giá urê ở mức hợp lý.

Công ty cũng đặt mục tiêu mở rộng mảng NPK và đa dạng hóa sản phẩm bao gồm phân bón hữu cơ, khí công nghiệp, hóa chất như một phần trong triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Ban lãnh đạo còn cho rằng triển vọng 6 tháng cuối năm 2023 là không chắc chắn do phụ thuộc vào giá nông sản và điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, công ty đang cố gắng tăng sản lượng bán phân bón để bù đắp cho sự sụt giảm trong giá bán.

Dự kiến giá urê sẽ chạm đáy vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7/2023 trước khi phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Lãnh đạo công ty cho biết giá urê quốc tế trung bình hiện là 285-290 USD/tấn và có thể tiếp tục giảm 15-20 USD/tấn trước khi tăng trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng của ngành phân bón năm 2023, SSI Research ước tính lợi nhuận của Đạm Cà Mau giảm 73% về 1.178 tỷ đồng. Trong đó riêng quý II được ước tính có kết quả thấp hơn quý I và đây có thể là mức lợi nhuận thấp nhất nếu xét về giá trị tuyệt đối.

Hơn 10.000 tỷ đồng gửi ngân hàng

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau ở mức 15.599 tỷ đồng, tăng thêm 1.433 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ 6.812 tỷ đồng lên 8.372 tỷ đồng.

Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của Đạm Cà Mau ở mức 2.108 tỷ đồng, giảm 0,7% so với mức 2.124 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm.

Trong cơ cấu tài sản, Đạm Cà Mau có 2.140 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó cỏ hơn 2.100 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Ngoài ra, công ty còn 8.370 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng (tăng 1.500 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng tiền đi gửi ngân hàng của Đạm Cà Mau đạt gần 10.500 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận giảm 121 tỷ đồng trong nửa năm, xuống còn 2.300 tỷ đồng.

Tính đến 30/6, tổng nợ phải trả của công ty là 4.519 tỷ đồng, tăng 1.003 tỷ đồng so đầu năm 2023. Biến động chủ yếu mục dự phòng phải trả ngắn hạn, tăng từ 679 tỷ đồng lên 1.293 tỷ đồng.

Đạm Cà Mau có 11.079 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, trong đó bao gồm 3.335 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết tháng 6/2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại