Lăng kính chứng khoán 15/5: Thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên
Nếu nhà đầu tư giải ngân, nên chọn những cổ phiếu đang trong quá trình tích luỹ, chưa có dấu hiệu tiền vào, hoặc chưa phục hồi quá mạnh sẽ là lựa chọn khá an toàn.
Thị trường tuần qua đã đón nhận những thông tin tích cực nhờ số liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt xuống còn 4,9%, thấp hơn so với dự báo là 5%, điều này củng cố cho kịch bản Fed có thể ngừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6.
Nhờ đó, tâm lý nhà đầu tư trong nước đã có sự cải thiện và dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường sau khi đã rút ròng trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Chỉ số VN-Index diễn biến sôi động với bốn trên năm phiên tăng điểm. Lực cầu gia tăng đã giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh 2,6% lên mức 1.066,9 điểm.
Tâm lý tích cực lan tỏa giúp chỉ số HNX-Index tăng lên mức 215,1 điểm, tăng 3,5% so với tuần trước đó và UPCoM-Index tăng lên mức 80,1 điểm, tăng 3,2% so với tuần trước đó.
Thanh khoản tăng mạnh cùng giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn tăng 14,1% so với tuần trước đó lên mức 13.128 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại giảm bán ròng trên sàn HoSE với giá trị bán ròng đạt 145 tỷ đồng, giảm 71% so với tuần trước đó.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam và ông Nguyễn Phương Hiếu - Chuyên viên tư vấn đầu tư, khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt đều cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cho mục tiêu dài hạn trở lại.
PV: Trong những phiên gần, dòng tiền thường tập trung vào cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, trong khi nhóm vốn hoá lớn lại gây áp lực lên thị trường khiến VN-Index chỉ dao động trong biên độ hẹp. Ông có thể lý giải hiện tượng này?
Việc nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tích luỹ thời điểm hiện tại là việc cần thiết để tạo ra một chỉ số VN-Index dao động trong biên độ ổn định.
VN-Index có trạng thái đi ngang với thanh khoản duy trì như hiện tại là điều kiện rất thuận lợi để nhóm midcap/penny (cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ) có thể tranh thủ phục hồi sau nhịp rơi rất sâu năm 2022, cũng như để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và thu hút dòng tiền tiềm năng.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn tiếp tục đi lên trong nửa đầu tháng 5, và nhiều khả năng sẽ gặp áp lực điều chỉnh trong nửa cuối của tháng. Thanh khoản có thể có sự cải thiện, nhưng chưa ở mức cao. Dòng tiền tiếp tục tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Đây chưa phải thời điểm nhóm vốn hóa lớn hút dòng tiền trở lại.
Tuy nhiên dòng tiền hiện nay không thể nhiều và dồi dào như thời kỳ bơm tiền 2020-2021, do đó nếu để ý, đa phần các cổ phiếu thường chỉ có tiền vào 5-7 phiên, thậm chí chỉ 1-2 phiên sau đó sẽ rời sang nhóm ngành/cổ phiếu khác, khiến cổ phiếu điều chỉnh, trừ một vài cổ phiếu thực sự có câu chuyện đặc biệt để giữ chân dòng tiền.
Vì vậy, việc "đánh" theo dòng tiền, tức là "đua lệnh" khi nhận thấy cổ phiếu bùng nổ thanh khoản giai đoạn này vẫn khá rủi ro so với việc giải ngân từ trước và ngồi đợi dòng tiền vào để có lợi nhuận.
Có thể thấy, các rủi ro từ thế giới đã giảm, còn trong nước thì khả năng cao NHNN sẽ có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cơ bản 6 tháng cuối năm, việc này có khả năng thực thi ngay trong tháng 6.
Ngoài ra cũng có thể kỳ vọng các chính sách hỗ trợ tăng thanh khoản thị trường bất động sản sẽ gỡ khó cho bất động sản trong thời gian tới. Thị trường phải đến đầu năm 2025 mới phục hồi trở lại.
Dù vậy, trước mắt thì những ách tắc dòng vốn tín dụng có thể đỡ bớt hơn so với áp lực hiện tại. Do đó, tâm lý nhà đầu tư có thể tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm. Thị trường sẽ có sự bền vững hơn, rõ ràng hơn.
PV:Khối ngoại sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới, thưa ông? Nhà đầu tư nên lựa chọn giải ngân vào nhóm ngành nào lúc này?
Với kịch bản tích cực, quý II/2023 sẽ là đỉnh lãi suất, vì vậy áp lực "redeem" từ các quỹ của Mỹ cũng sẽ giảm, và dòng tiền khối ngoại sẽ được huy động để vào lại thị trường Việt Nam.
Rủi ro hiện tại nằm ở thị trường Đông Á, đặc biệt là 3 nước đang có nền kinh tế suy yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trường hợp nếu xảy ra vấn đề, thì các quỹ của các quốc gia này sẽ rút tiền về lại nước cơ sở, và VN-Index sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, theo tôi, trong thời gian tới, mặc dù tạm thời vẫn chưa xảy ra tình trạng khối ngoại bán ròng, tuy nhiên nhà đầu tư cũng không nên quá lạc quan và cần quan sát kỹ tình hình thế giới. Trường hợp nền kinh tế thế giới có diễn biến xấu thì phải lập ra các kế hoạch đầu tư để bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Về việc chọn nhóm ngành để đầu tư, thị trường luôn đi theo dòng tiền, và dòng tiền hiện nay đang có dấu hiệu phân bổ đều các nhóm ngành, do đó đa phần tất cả các nhóm ngành trên thị trường đều có tiềm năng.
Vì vậy, nếu giải ngân, việc lựa chọn những cổ phiếu đang trong quá trình tích luỹ, chưa có dấu hiệu tiền vào, hoặc chưa phục hồi quá mạnh sẽ là lựa chọn khá an toàn giai đoạn hiện tại, đồng thời đây đều là những cổ phiếu của những doanh nghiệp "lành mạnh".
Cuối năm 2023 là đầu chu kỳ hồi phục của thị trường chứng khoán, thông thường dòng tiền có tính đầu cơ cao sẽ tập trung ở các mã giảm sâu thời điểm trước đó.
Nhà đầu tư có thể lưu ý đến nhóm bất động sản với yếu tố hỗ trợ tốt mang tính chu kỳ, tâm lý nhà đầu tư, các chính sách hỗ trợ. Các nhóm còn lại mà nhà đầu tư có thể quan tâm là vận tải, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Để tích sản cổ phiếu hiệu quả, nhà đầu tư trong 6 tháng cuối năm nên tăng tỉ trọng trở lại, chấp nhận rủi ro cao hơn, nhưng không nên dùng đòn bẩy khi áp lực vẫn còn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận