Lãi vay ăn mòn lợi nhuận Nhôm Sông Hồng
CTCP Tập Đoàn Nhôm Sông Hồng Shalumi (HNX: NSH) cho biết lãi suất cho vay của các ngân hàng cao hơn cùng kỳ khiến lãi vay tăng cao là nguyên nhân chính làm cho lãi ròng của Công ty giảm 34%, còn gần 471 triệu đồng trong quý 2/2023.
Trong quý 2/2023, doanh thu thuần của NSH giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, xuống 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu, giảm 6% xuống 278 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp tăng 49% lên hơn 16 tỷ đồng.
Dù vậy, chi phí lãi vay cao gấp 2.1 lần cùng kỳ lên hơn 11 tỷ đồng đã ăn mòn lợi nhuận, kéo lãi ròng của NSH giảm 34% so cùng kỳ, còn vỏn vẹn 471 triệu đồng.
Theo NSH giải trình, lãi suất cho vay của các ngân hàng tại thời điểm quý 2/2023 cao hơn cùng kỳ khiến lãi vay tăng cao, làm giảm lợi nhuận trong kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, với doanh thu thuần giảm 5% so cùng kỳ xuống 511 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay tăng 94% lên hơn 20 tỷ đồng, khiến lãi ròng của Công ty giảm 42% xuống hơn 1 tỷ đồng.
Đánh giá về những khó khăn phải đối mặt trong năm 2023, NSH cho biết tình hình chiến tranh trên thế giới làm diễn biến kinh tế thế giới bất định, khó dự đoán. Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu đầu vào của Công ty đều phải nhập khẩu, tình hình lạm phát toàn cầu tăng lên mức cao nhất, Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ và hạn chế dự án bất động sản, lãi suất ngân hàng tăng vọt trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tạo ra môi trường kinh doanh đầy biến động khó khăn. Khó khăn sẽ tăng thêm nếu thị trường bất động sản không được tháo gỡ khó khăn một cách mạnh mẽ.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ luôn là bài toán khó khăn nhất với các doanh nghiệp ngành nhôm. Tác động từ sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới (suy thoái, lạm phát, khủng hoảng tài chính kéo dài,...) ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh tế nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, nhôm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam vẫn còn nhiều và tâm lý người tiêu dùng Việt Nam thích gắn mác xuất xứ “Nhôm nhập khẩu” cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm nhôm trong nước.
Mặt khác, việc chuyển dịch đầu tư vốn FDI từ Trung Quốc về Việt Nam để mở nhà máy sản xuất nhôm nhằm chuyển dịch môi trường sản xuất, phát triển thị trường tại Việt Nam và tráng men xuất khẩu sẽ gây thêm khó khăn cho thị trường Việt Nam xuất khẩu nếu bị chống phá giá hàng xuất xứ của Việt Nam sang Mỹ và các nước EU.
Ngoài ra, đặc thù của nhà máy sản xuất nhôm là cần vốn lưu động lớn, nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao.
Theo NSH, những nguyên nhân trên dẫn đến giá thành sản phẩm còn khá cao, gây khó trong việc cạnh tranh về giá bán trên thị trường khiến khả năng cạnh tranh bị hạn chế.
Dù vậy, Công ty vẫn tự tin đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với 1,250 tỷ đồng doanh thu thuần và 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 14% và gấp 2.4 lần thực hiện năm 2022. So với kế hoạch, NSH mới chỉ thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và 14% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Tính đến cuối quý 2/2023, NSH có tổng tài sản gần 813 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Sự sụt giảm tài sản đến từ khoản tiền và tương đương tiền và phải thu ngắn hạn lần lượt giảm 42% và 22%, xuống còn hơn 2 tỷ đồng và 59 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản là hàng tồn kho hơn 586 tỷ đồng (chiếm 72%), tăng 2%; trong khi tài sản cố định hơn 134 tỷ đồng, giảm 5%.
Nợ phải trả chủ yếu là nợ vay ngắn hạn gần 493 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận