Lạ lùng thị trường vàng: Chen mua khi giá tăng, 'ngó lơ' khi vàng lao dốc
Sáng 29/11, tại “phố vàng” Trần Nhân Tông, dù giá đang lên, dòng người xếp hàng dài chờ mua vàng từ sáng sớm vẫn không thể mua được, bởi tiệm ngừng bán ra. Còn trước đó, khi tiệm mở bán không giới hạn, giá lao dốc thì khách tới mua rất ít, vàng "ế".
Thời gian qua, thị trường mua bán vàng diễn ra sôi động. Nhiều khách hàng phản ánh nghịch lý khi giá vàng giảm mạnh, các cửa hàng mở bán không giới hạn nhưng lượng khách tới giao dịch không nhiều.
Ngược lại, khi giá vàng bất ngờ tăng lên, khách lại ùn ùn kéo đến, không ngần ngại xếp hàng chờ đợi dù nhân viên cửa hàng thông báo “không mở bán”. Điển hình tại các cơ sở vàng của Bảo Tín Minh Châu sáng 29/11, người dân đã xếp hàng từ sớm nhưng vẫn không thể mua được vàng.
Khách hàng xếp hàng chờ từ sáng sớm. Ảnh: Tiến Anh
Chia sẻ với PV VietNamNet, bà Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi xếp hàng chờ mua từ 7h. Từ sáng sớm, lượng người đến xếp hàng đã rất đông. Nhiều người còn tràn xuống lòng đường”.
Lúc 10h, nhân viên tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu (Trần Nhân Tông, Hà Nội) thông báo không bán ra vàng nhẫn tròn trơn và đề nghị khách hàng không tập trung phía trước cửa hàng. Không ít người bức xúc cho rằng, nếu tiệm vàng không bán, nên thông báo từ sớm để người dân không phải chờ đợi.
Theo phản ánh của chị Lan - một tiểu thương kinh doanh vàng, tình trạng chờ đợi mua khi vàng tăng, “ngó lơ” khi vàng giảm khá phổ biến trong thời gian gần đây. Khi giá vàng xuống thấp, nhiều cửa hàng rất ít khách ghé mua, dù mở bán với số lượng lớn, thậm chí không giới hạn.
“Khi giá vàng tăng, tình thế hoàn toàn đảo ngược, tiệm vàng mở bán giới hạn hoặc không bán ra, còn khách hàng đổ xô đến, xếp hàng dài chờ đợi để mua”, chị Lan chia sẻ.
Ông Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, khi người dân xếp hàng dài trước tiệm vàng tạo ra một không khí “nóng”, điều này khiến nhiều người dân có cảm giác như “lỡ mất cơ hội”. Chính tâm lý đó đã thôi thúc người dân ùn ùn đi mua vàng khi giá đi lên.
“Khi giá vàng giảm, mọi người thường có tâm lý chờ đợi thêm, không vội mua vì nghĩ còn xuống nữa. Nhưng khi giá tăng trở lại, họ lo ngại không kịp mua và sẵn sàng chi tiền dù giá cao”, ông Bình lý giải.
Nhân viên tiệm vàng cho biết, không thể chủ động trong việc mở bán khi giá vàng biến động mạnh, do phải chờ đợi sự điều chỉnh từ các nhà cung cấp, điều này phần nào khiến mua bán vàng trở nên khó đoán hơn.
Bà Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thừa nhận, thường đi mua vàng theo đám đông, "thấy nhiều người đi mình cũng sốt".
"Ba ngày trước, khi giá vàng giảm xuống 84 triệu đồng/lượng và cửa hàng mở bán không giới hạn, khi tới tiệm, nghe ngóng, thấy người mua thì ít, người bán thì nhiều nên tôi đành chờ đợi thêm. Tuy nhiên, sáng nay, vàng tăng khá mạnh nên tôi quyết định mua luôn vì lo sợ giá vàng có thể lập đỉnh mới. Nhưng chờ cả sáng vẫn không thể mua nổi chỉ vàng”, bà Hương chia sẻ.
Theo quan sát, phía ngoài tiệm vàng xuất hiện nhiều “cò vàng”, sẵn sàng trả chênh 500 nghìn đồng/lượng để mua lại vàng của người dân (chênh so với giá mua vào được niêm yết của tiệm vàng).
Nhiều “cò vàng” chia sẻ, mua vào với giá chênh 500 nghìn đồng/lượng và bán ra rẻ hơn 300 nghìn đồng/lượng.
“Khách hàng chỉ cần giao dịch với chúng tôi, kể cả bán hay mua vàng đều có lãi từ 300-500 nghìn đồng/lượng”, người này khẳng định.
Lý giải về việc bán vàng rẻ hơn 300 nghìn đồng/lượng so với tiệm vàng, “cò vàng” trên nói mua được vàng với giá thấp hơn từ 2-3 triệu đồng/lượng so với giá bán ra được niêm yết của tiệm vàng, nên việc giảm 300 nghìn/lượng bán trao tay vẫn có lãi, mà còn giữ mối giao dịch với khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường