Kỳ vọng gì cho cổ phiếu ngân hàng năm 2023?
Tràn đầy hy vọng, hoang mang, chán chường rồi đến tuyệt vọng... đó có lẽ là những cung bậc cảm xúc mà các “chứng sĩ” đã trải qua trong năm 2022 khi đầu tư vào dòng cổ phiếu vốn được mệnh danh là cổ phiếu vua.
Cú sụp đổ ngỡ ngàng
Diễn biến VN-Index trong 10 năm trở lại đây
Trong khi kinh tế toàn cầu suy giảm, kéo thị trường chứng khoán thế giới ảm đạm vì tác động của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam lại liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới trước sự bất ngờ của nhiều người.
Bề nổi của tảng băng là vậy song phần chìm lại cho thấy thị trường thời điểm đó vận hành không dựa trên nền tảng vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp. Động lực chính thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ từ đợt giảm mạnh đầu tiên do COVID-19 là từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Vì lãi suất tiết kiệm giảm mạnh trong giai đoạn dịch bệnh, kết hợp với vùng định giá hợp lý của các cổ phiếu đã thôi thúc nhà
đầu tư tham gia vào thị trường, liên tục đẩy thanh khoản bùng nổ, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập các kỷ lục mới. Chính vì vậy, câu cửa miệng của “dân chơi” chứng khoán năm 2021 - “Hễ mua là thắng” vẫn còn “văng vẳng” như mới hôm qua.
Tâm lý hưng phấn đẩy VN-Index lập đỉnh 1,536.45 điểm trong phiên 10/01/2022, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, VN-Index nhanh chóng đổ sầm, tính đến phiên 30/12 chỉ còn 1,007.09 điểm trong sự bàng hoàng và sửng sốt của nhà đầu tư, tương đương giảm hơn 34% so với mức đỉnh kỷ lục.
Thị giá cổ phiếu “bank” bay màu
Có thể nói, 2022 là năm “đau thương” của thị trường chứng khoán nói chung và với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng nói riêng.
Từng có những phút giây huy hoàng trước sự hưng phấn của thị trường trong những phiên đầu năm, nhưng cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng “héo hon” theo sự lao dốc và bi quan của thị trường chung, với chỉ số ngành giảm 22% so với đầu năm, khép lại năm 2022 ở mức 507.29 điểm.
Trải qua chặng đường 1 năm, hầu hết thị giá các cổ phiếu ngân hàng đều “bay màu” với mức giảm mạnh từ 9-59%, chỉ còn 2 cổ phiếu ngân hàng tăng giá nhẹ là BID và VCB.
Dù khối lượng cổ phiếu ngân hàng vẫn gia tăng trong năm qua khi các nhà băng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vốn hóa toàn ngành ngân hàng vẫn sụt giảm do thị giá giảm sâu - giảm 10%, về còn 1.5 triệu tỷ đồng, tương đương giảm 158,806 tỷ đồng so với mức hơn 1.6 triệu tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Đáng chú ý, VBB là cổ phiếu có vốn hóa giảm mạnh trong năm qua với mức giảm 59% - từ 9,025 tỷ đồng xuống còn 3,726 tỷ đồng.
Lội ngược dòng vốn hóa giảm phải kể đến sự góp mặt của cổ phiếu VCB (+30%), SSB (+28%), VPB (+13%), LPB (+7%), NVB (+5%), BID (+4%).
Dòng tiền thờ ơ
Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong năm qua thu hẹp hơn 52 triệu cp/ngày, chỉ còn gần 136 triệu cp/ngày được chuyển giao, giảm 28% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch gần 3,476 tỷ đồng/ngày, giảm 43% so với năm trước.
STB đứng đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch bình quân gần 20 triệu cp, giảm 29% so với năm 2021, tương đương giá trị gần 493 tỷ đồng/ngày, giảm 31% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, các nhà băng có thanh khoản tụt dốc không phanh trong năm qua là PGB (-91%), NVB (-83%), SGB (-81%), VBB (-68%)…
Đáng mừng là vẫn có một số ngân hàng gia tăng thanh khoản trong năm như EIB (gấp 2.6 lần), VIB (tăng 71%), SSB (+7%), VPB (+9%).
Khối ngoại mua ròng hơn 8,880 tỷ đồng
Năm 2022, khối ngoại đã mua ròng gần 305 triệu cp ngành ngân hàng, trong khi năm 2021 bán ròng hơn 125 triệu cp. Bên cạnh đó, giá trị mua ròng cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022 đạt 8,886 tỷ đồng.
STB là nhà băng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng gần 187 triệu cp, giá trị tương đương 4,576 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB trong năm qua, giá trị bán ròng đạt 2,089 tỷ đồng.
Triển vọng nào cho năm 2023?
Theo báo cáo ngành mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng trải qua hai đợt sụt giảm giá mạnh sau các sự kiện Tân Hoàng Minh vào tháng 4 và Vạn Thịnh Phát liên đới với ngân hàng SCB vào tháng 9/2022. Hai đợt sụt giảm này đã đưa định giá ngành về mức thấp trong 10 năm qua. Mức định giá này phản ánh phần nào những rủi ro mà ngành ngân hàng đang và sẽ đối mặt trong giai đoạn tiếp theo.
Bước sang năm 2023, VDSC nhận định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu.
So với giai đoạn tái cơ cấu 2012-2013, khả năng ứng phó với rủi ro của ngành đã cải thiện hơn đáng kể do mức độ sở hữu chéo giữa các ngân hàng giảm mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao khi hầu hết các ngân hàng đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo chuẩn Basel II và tỷ lệ dự phòng nợ xấu cao. Do đó, dù đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn ngay sau khi kinh tế thế giới và trong nước khởi sắc, thay vì phải mất nhiều năm tái cơ cấu như trước đây. Qua đó, VDSC cho rằng, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn, tích lũy cổ phiếu ngân hàng và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận