Kỳ vọng Fed tăng lãi suất 7 lần năm 2022: ‘Việt Nam sẽ chịu những áp lực không thể chối bỏ’
Khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên mức gần 100%, thậm chí thị trường cũng đang tính đến khả năng Fed có 7 đợt nâng lãi suất trong năm nay. Việt Nam sẽ chịu những áp lực “không thể chối bỏ”
Kỳ vọng Fed tăng lãi suất 7 lần năm 2022, tác động tâm lý trong ngắn hạn
Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982. Cao hơn mức dự báo trước đó là 7,2%.
Ngay sau thông tin này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phá mốc 2% - cao nhất kể từ tháng 8/2019. Các nhà đầu tư tin rằng tình hình lạm phát nóng như thế này sẽ buộc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) phải hành động quyết liệt trong thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kỳ vọng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 3 cũng theo đó tăng lên mức gần 100%, từ mức chỉ 25% trước khi báo cáo lạm phát được công bố.
Thậm chí, các nhà kinh tế từ Goldman Sachs do Jan Hatzius dẫn đầu đưa ra một kịch bản rằng, Fed có thể tăng lãi suất liên tục 7 lần trong năm 2022 với mức tăng 0,25 điểm % mỗi lần.
Lạm phát Mỹ đột biến cao, thị trường tin chắc Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3, kỳ vọng tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022.
Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia SSI nhận định, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3. Tuy nhiên ảnh hưởng này có thể sẽ mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn. Vì đồng VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá 0,7% so với cuối năm 2021, trái ngược với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể.
"VND thể hiện sức mạnh của mình thông qua cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, chủ yếu nhờ vào yếu tố mùa vụ vào dịp Tết với lượng kiều hối tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể trước kỳ vọng tăng lãi suất của Fed", báo cáo đề cập.
Các chuyên gia tại đây cũng cho rằng, đồng VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).
VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).
Còn theo đánh giá của các chuyên gia tại Chứng khoán BSC, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2022 có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của VND. Tuy nhiên, có 3 yếu tố có thể giúp tỷ giá ổn định: Dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao 108 tỷ USD, kiều hối dự tính duy trì ở mức 17-18 tỷ USD, cán cân thương mại dự kiến sẽ xuất siêu khoảng 5,2-6,9 tỷ USD trong năm.
Những áp lực "không thể chối bỏ"
Đánh giá tác động tới Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, một đồng tiền lãi suất tăng lên đồng tiền đó lên giá. Nói một cách khác, khi Fed tăng lãi suất như đã kể trên, đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác.
Trong khi đó, VNĐ "cố tình" neo theo đồng USD vì vậy USD tăng giá VND cũng tăng theo. Một lý do khác nữa, nếu VND không tăng theo Mỹ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. Đồng nghĩa với việc VND không tăng giá so với USD nhưng tăng so với nhiều đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)..., khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối.
Như vậy tác động đầu tiên là làm VND tăng giá theo so với các đồng tiền khác và gây áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ.
Đặc biệt, đồng USD tăng giá có lợi cho Trung Quốc, và có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Tương tự như vậy, VND tăng giá sẽ có lợi cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và không có lợi cho hàng Việt Nam sang Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ là thị trường thương mại lớn của Việt Nam, vì vậy đây là bất lợi đối với Việt Nam trong trung hạn. Theo dự đoán của ông Nghĩa, tiến trình tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của Mỹ được đẩy nhanh và có thể kéo dài trong vài ba năm, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.
Fed tăng lãi suất, làm giảm hiệu quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng (Ảnh: TB)
Tác động thứ 2, theo ông Nghĩa đó là áp lực cho lãi suất tại Việt Nam tăng theo.
"Ngân hàng Nhà nước đang muốn giảm lãi suất, thậm chí không cho các ngân hàng thương mại chia cổ tức bằng tiền mặt để dùng lực lượng này giảm lãi suất. Nhưng áp lực này là áp lực không thể chối bỏ, tức là VND gắn với USD khi USD tăng lãi suất nhanh cũng đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất tại Việt Nam. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải chịu chi phí tài chính cho các khoản vay cao hơn", ông Nghĩa nói.
Ba, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 3 hoặc gia tăng tần suất tăng lãi suất trong năm 2022 cũng sẽ làm giảm hiệu lực của gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi kinh tế.
"Ví dụ trước đây, lãi suất cho vay ở mức khoảng 7%, hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng chỉ còn phải trả lãi suất 5%. Khi Mỹ đẩy nhanh tốc độ và liều lượng tăng lãi suất trong năm 2022, lãi suất cho vay chịu áp lực nên tăng lên 8-9%, hỗ trợ 2% lãi suất thì giảm còn 6-7%. Như vậy, Fed tăng lãi suất nhanh hiệu lực của gói hỗ trợ sẽ giảm rất nhiều,", TS Nghĩa dẫn chứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận