Kỷ luật Đô đốc: Đất vàng về tay cháu gái Út trọc dễ như trở bàn tay
Dưới hình thức góp vốn thực hiện dự án, Công ty Yên Khánh do cháu của Út “trọc” làm chủ đã thâu tóm lô ‘đất vàng’ 3.531 m2 tại số 7-9 Tôn Đức Thắng do Công ty Hải Thành (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) quản lý.
Kịch bản thâu tóm ‘đất vàng’ dễ như trở bàn tay
Cuối năm 2009, UBND TP.HCM có Quyết định số 5977/QĐ-UBND về cho Công ty Hải Thành (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) được chuyển mục đích sử dụng 3.531 m2 đất tại số 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1 để đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ.
Theo đó, Công ty Hải Thành góp vốn bằng quyền sử dụng đất thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (Công ty Yên Khánh Hải Thành).
Tháng 3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00244 cho Yên Khánh Hải Thành với thời hạn sử dụng đất 49 năm (tính từ ngày 25/11/2009, thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư).
Khu đất tại số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng được UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại Quyết định duyệt giá số 3251/QĐ-UBND với mục đích sử dụng đất là đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại, hệ số sử dụng đất là 9, mật độ xây dựng là 50%, tầng cao xây dựng 28 tầng (đối với khu đất tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng, chiều cao tối đa 113m), tầng cao xây dựng 15 tầng (đối với khu đất tiếp giáp đường Ngô Văn Năm, chiều cao tối đa 61m).
Công ty Yên Khánh Hải Thành được thành lập vào ngày 23/3/2009 do bà Vũ Thị Hoan (SN 1985) làm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật. Công ty này có vốn điều lệ là 320 tỷ đồng do hai cổ đông sáng lập gồm: Công ty Hải Thành góp 32 tỷ đồng (10%) và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) góp 288 tỷ đồng (90%).
Tháng 8/2017, Yên Khánh Hải Thành có sự thay đổi nhân sự. Cụ thể, ông Trần Hoài Nam lên làm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật thay bà Vũ Thị Hoan và cơ cấu cổ đông gồm: Công ty Hải Thành góp 32 tỷ đồng, Vũ Thị Hoan góp 16 tỷ đồng và Công ty Yên Khánh góp 272 tỷ đồng.Thế nhưng, hơn 8 năm trôi qua, dự án “đất vàng” số 7-9 Tôn Đức Thắng vẫn đắp chiếu, hiện được chủ đầu tư quây tôn để làm bãi đỗ xe.
Chuyển nhượng ra ngoài bất thành
Từ khi được cấp phép, dự án luôn im hơi lặng tiếng. Dư luận chỉ biết nhiều đến dự án này khi có thương vụ gần 1.000 tỷ đồng bất thành giữa Sabeco và Yên Khánh Hải Thành năm 2016. Tháng 3/2016, Sabeco thông qua Nghị quyết số 13 và 15 trong đó có nội dung hợp tác đầu tư, thương thảo để triển khai thực hiện chủ trương mua sàn văn phòng để làm trụ sở Tổng công ty tại khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng.
Sau đó, Sabeco và Công ty Yên Khánh Hải Thành đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc mua sàn văn phòng thời hạn sử dụng ổn định trong 49 năm tại dự án “đất vàng” số 7 - 9 Tôn Đức Thắng. Với mức giá thuê tối đa 3.000 USD/m2, diện tích dự kiến khoảng 10.000 - 15.000 m2. Dự kiến Sabeco có thể sẽ phải bỏ ra số tiền gần 1.000 tỷ đồng để thuê văn phòng trong 49 năm.
Thế nhưng, sau đó Sabeco đã quyết định rút lui khỏi dự án trên và chấp nhận bồi thường thiệt hại vì phá vỡ hợp đồng cho Yên Khánh Hải Thành.
Tại thời điểm tháng 8/2018, lô đất này đang cầm cố tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô.
Cháu gái Út trọc bị bắt, ngân hàng rao bán nợ xấu
Cách đây ít ngày, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang rao bán khoản nợ hơn 450 tỷ đồng có tài sản đảm bảo của là quyền thu phí BOT cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Khoản nợ này có tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Được biết, tài sản đảm bảo hiện đang trong quá trình thi công và ngân hàng đang khởi kiện khách hàng tại TAND Quận 1 để yêu cầu thanh toán khoản nợ.
Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM – Trung Lương thực hiện. Dự án được động thổ từ tháng 10/2015, do chủ đầu tư là CTCP Tập đoàn Yên Khánh, với quy mô đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền giải phóng mặt bằng).
Ngân hàng cũng yêu cầu tổ chức được lựa chọn là tổ chức/bên mua nợ phải nộp đủ 100% số tiền mua/bán nợ chậm nhất sau đúng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc đàm phán và ký hợp đồng bán nợ (dự kiến sau 5 ngày làm việc kể từ ngày 18/4/2019).
Tháng 11/2018, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã thực hiện các quyết định và lệnh bắt tạm giam bà Vũ Thị Hoan – cháu ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), nguyên giám đốc Công ty Yên Khánh về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài dự án BOT cao tốc TP.HCM – Trung Lương, công ty Yên Khánh còn được biết đến với nhiều dự án BOT đình đám khác như cao tốc Việt Trì, Trung Lương – Mỹ Thuận, “thâu tóm” nhanh chóng quyền thu phí cao tốc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận