Kinh tế thế giới tuần qua: Nhu cầu tại Mỹ thúc đẩy các quốc gia xuất khẩu
Các nhà bán lẻ Mỹ có lý do để lạc quan khi doanh số tháng 3/2021 tăng mạnh giữa lúc quá trình tiêm chủng vắc-xin được đẩy nhanh, số lượng việc làm tăng mạnh và người dân nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ.
Đà hồi phục của nền kinh tế thế giới cũng tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các quốc gia như Việt Nam và Indonesia. Sau đây là những diễn biến của nền kinh tế toàn cầu trong tuần qua.
Thế giới
Các chỉ báo sớm từ Bloomberg cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục trong tháng 3 và đầu tháng 4/2021. Các chỉ báo này dựa trên mức độ sử dụng thẻ tín dụng, du lịch và thông tin khác.
Các nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi đang trên đà tăng trưởng. Ở Trung Quốc, dữ liệu cho thấy một số yếu tố đang suy yếu trong tháng 3-4/2021.
Mỹ
Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 9.8% trong tháng 3/2021, mức tăng mạnh thứ hai kể từ khi dữ liệu được thu thập trong năm 1992. Điều này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng và người dân nhận được tiền cứu trợ từ Chính phủ.
Tháng 3/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 9 năm khi việc tái mở cửa kinh tế châm ngòi cho sự phục hồi trong hoạt động du lịch và đi lại, qua đó thúc đẩy giá xăng dầu, chi phí thuê xe hơi và lưu trú tại khách sạn.
Các dữ liệu mới nhất về chỉ số giá sản xuất (PPI) cho thấy mức tăng giá đột biến ở nhóm hàng qua xử lý. Chẳng hạn như nhiên liệu, hóa chất, thép và nhựa – những hàng hóa được sử dụng để sản xuất thành phẩm như ô tô và đồ gia dụng.
Châu Á
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh trong quý 1/2021 khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo. Nhờ đó, Trung Quốc sẽ cùng với Mỹ trở thành đầu kéo cho đà phục hồi toàn cầu trong năm 2021.
Theo Bloomberg Economics, nền kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ nhờ vào các gói kích thích khổng lồ và nhu cầu bị dồn nén. Các nhà xuất khẩu ở châu Á sẽ hưởng lợi, trong đó Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Nếu GDP Mỹ tăng trưởng 7.7% trong năm 2021 như dự báo của Bloomberg Economics, tăng trưởng của Việt Nam sẽ được cộng thêm hơn 1 điểm phần trăm.
Châu Âu
Thương mại hàng hóa giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) trong thời hậu Brexit đã phục hồi một phần trong tháng 2/2021 nhờ đà tăng của kim ngạch xuất khẩu ô tô và dược phẩm. Trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa từ Anh sang EU tăng gần 47% so với một tháng trước đó, trong khi nhập khẩu từ khối này tăng 7.3%, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy.
Các viện nghiên cứu hàng đầu của Đức đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 khi tình trạng phong tỏa kéo dài kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trong năm nay, núi nợ của Italy sẽ vượt kỷ lục ghi nhận trong thời hậu Thế chiến I.
Thị trường mới nổi
Các nhà kinh tế Brazil đã nâng kỳ vọng lạm phát và lãi suất cơ bản trong bối cảnh chỉ số CPI tăng đột biến gần đây.
Việc Ấn Độ áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 tại Maharashtra – bang chiếm 15% sản lượng quốc gia – được xem là bước kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.
Belarus đã nâng lãi suất cơ bản lên 8.5%, tăng chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2015 và gia nhập vào nhóm quốc gia nâng lãi suất trong năm nay như Nga, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận