Kiểm soát bất động sản mua đi bán lại nhiều lần tại nhiều tỉnh, thành phố
Các địa phương phía Nam yêu cầu kiểm tra, nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động giá của từng loại hình bất động sản. Đồng thời, kiểm soát việc mua đi bán lại trao tay nhiều lần, đặc biệt khu vực dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Kiểm soát tăng giá bất thường
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản. Theo đó, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản các doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch và môi giới. Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo thẩm quyền (nếu có).
Đồng Nai sẽ kiểm soát bất động sản mua đi bán lại trao tay nhiều lần.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung vào việc quản lý chặt việc xây dựng nhà ở trong các dự án phân lô, bán nền, tránh tình trạng người dân để đất trống, đầu cơ, mua bán trao tay, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường. Đồng thời, công bố thông tin về thị trường bất động sản nhằm tăng tính minh bạch, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo.
Sở Xây dựng cũng phối hợp cùng Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong đấu giá và ngăn chặn việc đấu giá quyền sử đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm tra, nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động giá của từng loại hình bất động sản. Đồng thời, kiểm soát việc mua đi bán lại trao tay nhiều lần, đặc biệt khu vực dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Tại tỉnh Bình Thuận, để ngăn ngừa đầu cơ thổi giá khi thị trường bất động sản hồi phục, Sở Xây dựng đã công khai danh sách 33 dự án bất động sản vẫn chưa đủ điều kiện giao dịch, gồm 17 dự án khu dân cư, khu đô thị và 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn không có dự án nào đủ điều kiện giao dịch kinh doanh bất động sản theo quy định. Các dự án này đa số đều sở hữu vị trí “đất vàng” tại TP. Phan Thiết và các huyện, thị liền kề.
Trước đó, 33 dự án này bị tỉnh Bình Thuận “tuýt còi” vì chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật liên quan.
Kiểm soát giới đầu cơ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, bảng giá đất vừa được UBND TPHCM ban hành đã được điều chỉnh phù hợp hơn với thị trường. Giá đất tại các quận tăng trung bình từ 2,36 đến 38,8 lần. Trong đó, quận 3 có mức tăng thấp nhất (2,36 - 9,72 lần), trong khi huyện Hóc Môn dẫn đầu với mức tăng 38,8 lần, tiếp theo là TP. Thủ Đức tăng 28,97 lần.
Mặc dù giá đất ở các khu vực này tăng đáng kể nhưng giá đất cao nhất cho đất ở, tại các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) đã được điều chỉnh giảm 15,2% so với dự thảo trước đó. Giá cao nhất hiện tại là 687 triệu đồng/m2, thấp hơn so với dự thảo mức 810 triệu đồng/m2 công bố trước đó.
TPHCM cần kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới đầu cơ, cò đất và một vài doanh nghiệp gây rối loạn thị trường.
Ông Châu cho rằng, bảng giá đất mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân và hộ gia đình khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như khi hợp pháp hóa quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nó chưa ảnh hưởng ngay đến thị trường bất động sản, vì các dự án hiện nay được định giá theo phương pháp thặng dư. Nhưng khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất để phát triển dự án nhà ở, người dân có thể muốn bán với giá cao hơn, tạo áp lực tăng giá nhà.
“Trước mắt, bảng giá đất điều chỉnh sẽ chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại hiện nay được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư nhưng sẽ tác động đến thị trường bất động sản ở “pha 2” khi doanh nghiệp bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cũng cảnh báo, các cơ quan chức năng cần kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới đầu cơ, cò đất và một vài doanh nghiệp có thể lợi dụng tình hình này để 'thổi giá' đất, gây rối loạn thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group cho biết, sau khi thị trường rục rịch có bảng giá đất mới, mặt bằng giá của phân khúc nền thổ cư, đất có sổ cũng đã ghi nhận tăng đột biến. Trong thời gian tới, phân khúc này sẽ trở nên khan hiếm, đặc biệt là đất nền có sổ, đất thổ cư tại các khu đô thị có dân cư hiện hữu, nơi có tỷ lệ tiêu thụ tăng hơn 30%. Đối với các dự án, ông cho rằng, trong ngắn hạn, dự án đã có đất, chỉ tính tiền sử dụng đất thì không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên về dài hạn, các chủ đầu tư đi mua quỹ đất mới, phải giải phóng, đền bù thì chi phí giá đất tăng, cấu thành vào giá bán và làm giá sản phẩm trên thị trường tăng lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường