menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

KIDO tính gì ở sân F&B?

Trong khi các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đang khá lao đao vì dịch bệnh Covid-19 tác động thì KIDO lại ra mắt thương hiệu Chuk Chuk và liên tục có những ký kết với đối tác nặng ký. KIDO có tính toán gì đặc biệt chăng?

Một tuần sau khi ký kết với Sơn Kim Group để mở chuỗi F&B mang thương hiệu Chuk Chuk tại hệ thống cửa hàng GS25, KIDO Group (HOSE: KDC) tiếp tục ký hợp tác chiến lược với Central Retail nhằm đưa Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại GO!, Big C và Tops Market của Central Retail.

KIDO tính gì ở sân F&B?
Ký kết giữa KIDO và Central Retail được kỳ vọng sẽ giúp chuỗi Chuk Chuk tiến nhanh và vươn ra các nước

Những bước tiến dồn dập

Ngay sau buổi ký kết, KIDO sẽ khai trương hơn 10 cửa hàng Chuk Chuk tại các Trung tâm thương mại thuộc hệ thống của Central Retail trong trước Tết Nguyên đán này và dự kiến sẽ đạt 300-400 cửa hàng vào năm 2022.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KIDO Group, mục đích của các hợp tác ký kết là để Chuk Chuk tiến nhanh hơn và mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm hoàn toàn mới.

KIDO tính gì ở sân F&B?
Sang năm 2022,KIDO dự kiến mở 300-400 cửa hàng Chuk Chuk

DHL Express từng dự đoán, thương mại điện tử, F&B, logistics, sản xuất là những ngành có thể sẽ bứt phát mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Tại Việt Nam, F&B đã chịu những thiệt hại nặng nề vì đại dịch. Báo cáo của HSBC cho biết, trong tháng 8/2021, khả năng đi lại của người dân TP HCM giảm gần 90%, khiến doanh số bán lẻ giảm mạnh 51% so với cùng kỳ 2020. Giới F&B đã phải "ngủ đông" nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, giống nhận định của DHL Express, nhiều chuyên gia Việt Nam cũng đánh giá, đây sẽ là một trong những ngành bứt phá mạnh nhất ngay khi Việt Nam chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Bởi ai cũng có nhu cầu ăn uống, nhất là khi ăn uống ngày nay đã gắn với nhiều nhu cầu khác như giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, bàn công việc hay giải trí.

Bên cạnh đó, theo Euromonitor, ngành F&B tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn khi doanh thu năm 2020 ghi nhận 700,000 tỷ đồng và có thể đạt quy mô gấp đôi trong 2 năm tới. Đặc biệt, dù chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 nhưng các "ông lớn" trong ngành vẫn có khả năng lội ngược dòng.

Trong bức tranh đó, KIDO lên kế hoạch mở rộng chuỗi Chuk Chuk ra miền Bắc và sẽ vươn sang thị trường Thái Lan cũng như các nước khác trong khu vực. Trước đó, khi bắt tay với Sơn Kim Group, KIDO dự tính đến cuối 2022, Chuk Chuk sẽ có mặt tại tất cả các cửa hàng của GS25 và 3-5 năm tới, Công ty có thể mở rộng chuỗi thương hiệu này sang Hàn Quốc, các nước châu Á.

Sơn Kim được biết đến là Tập đoàn đa ngành, không chỉ nổi bật trong ngành bán lẻ mà còn hoạt động khá sôi động trong những mảng khác, nhất là bất động sản. Bên cạnh sở hữu chuỗi GS25 và nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Vera, Jockey, nhà hàng Jardin Des Sens, Mama Sens, Sơn Kim Group còn sở hữu nhiều dự án bất động sản hạng sang như "biệt thự trên không" Serenity Sky Villas, Indochine Park Tower, The Metropole Thủ Thiêm...

Về phần Central Retail cũng rất đình đám. Tại Việt Nam, Central Retail đang sở hữu danh mục thương hiệu bán lẻ đa dạng từ GO!, Big C và Tops Market đến Hello Beauty, Look Kool, Big C, Robins, Bip Bip, Kubo, Nguyễn Kim, Lanchi Mart.., với hơn 290 cửa hàng, 39 trung tâm thương mại đặt tại nhiều tỉnh thành phố trên toàn quốc. Ở quy mô này, Central Retail đang phục vụ hơn 175,000 khách hàng Việt mỗi ngày. Trong 5 năm tới, Central Retail có kế hoạch sẽ mở 73 trung tâm thương mại ở Việt Nam. Đây đều là những bệ phóng giúp KIDO đến gần hơn với người tiêu dùng hơn.

Tìm sự khác biệt

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng coi trọng yếu tố trải nghiệm hơn cả giảm giá , khuyến mãi, theo khảo sát của Vietnam Report. Các cửa hàng F&B giờ đây không còn là nơi ăn uống bình thường mà trở thành điểm tụ họp, gặp gỡ, giao lưu, tận hưởng, trải nghiệm của người dân. Vì thế, khách hàng, đặc biệt là giới trẻ ưa thích các không gian rộng rãi, trang trí bắt mắt, nghệ thuật cùng nhiều tiện ích phục vụ. Theo ông Trần Lệ Nguyên, Chuk Chuk ra đời để thỏa mãn các nhu cầu này. Điểm khác biệt của Chuk Chuk so với các thương hiệu F&B khác là Công ty có thể linh hoạt điều chỉnh khẩu vị theo từng vùng miền, thậm chí ở từng quốc gia.

Giá cả luôn là điều trăn trở và là vũ khí cạnh tranh của các chuỗi F&B. Ông Trần Lệ Nguyên tự tin Chuk Chuk có nhiều cơ sở để cạnh tranh về giá. Thứ nhất, các nguyên liệu như trái cây, trà.. sử dụng đều là nguyên liệu thuần Việt, có thể mua trong nước và được kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Thứ hai, KIDO cũng đã hoàn tất các quy trình, tiêu chuẩn nên việc thiết lập các chuỗi Chuk Chuk sẽ nhanh và tiết kiệm chi phí hơn.

Bản thân KIDO cũng là nhà sản xuất dẫn dầu dẫn đầu về kem (với 43,4% thị phần cùng hệ thống Cool chain trải dài khắp cả nước) và đứng thứ 2 ngành dầu tại Việt Nam. Công ty đang tiến sâu vào sản xuất các loại bánh ngọt cũng như đã lập liên doanh Vibev với Vinamilk để sản xuất nước giải khát mà những sản phẩm đầu tiên đã ra đời mang thương hiệu Oh Fresh. Vị thế sản xuất này cho phép KIDO mở rộng và đa dạng sản phẩm ở chuỗi Chuk Chuk. Với liên doanh Vibev, KIDO còn đặt tham vọng nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi một khi Vibev có thể đạt khả năng sản xuất 150 triệu chai/năm sau 5 năm vận hành.

KIDO tính gì ở sân F&B?
Với liên doanh Vibev, KIDO đặt tham vọng giữ vị trí số 1 trong ngành nước tươi

Rủi ro nào cho KIDO?

KIDO đang đi những bước khác biệt so với nhiều tên tuổi cùng ngành. Các chuyên gia cho rằng, đây là những bước đi phù hợp với xu hướng tương lai của ngành F&B. Theo FMCG Gurus, đó là các xu hướng: Chú ý đến sức khỏẻ thể chất và tinh thần; Muốn trải nghiệm và khám phá; Quan tâm đến chế độ ăn uống lành mạnh và tự nhiên; Quan tâm tới môi trường và ưu tiên lựa chọn sản phẩm địa phương; Khao khát tương tác, kết nối.

Đặc biệt, các doanh nghiệp F&B không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số. Cũng như các ông lớn trong ngành F&B rất chịu chi cho đầu tư công nghệ, KIDO cũng ký kết với FPT để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện hệ thống thông tin quản trị (MIS), tập trung toàn bộ dữ liệu (Big Data) và ứng dụng chuyển đổi số (Digital Transformation).

Rủi ro nếu có cho Chuk Chuk nói riêng và KIDO nói chung là những trật nhịp về xu hướng ẩm thực, như mô hình trà sữa (Ten Ren, Toocha..), sữa đậu nành (Soya Garden, Mr Bean..)... một thời đình đám nay im ắng. Tuy nhiên, với tiêu chí chỉ tập trung nước ép trái cây, trái cây lên men và những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, ông Trần Lệ Nguyên tin tưởng các sản phẩm của KIDO sẽ luôn được đón nhận.

Một rủi ro khác là dịch bệnh Covid-19 chưa biết bao giờ chấm dứt có thể cản trở quá trình mở rộng của Chuk Chuk. Đây là rủi ro khó kiểm soát và KIDO chưa vội đặt những mục tiêu xa hơn năm 2022 cho mình trong mảng F&B.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

62.40

+0.20 (+0.32%)

Biểu đồ mã KDC
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại