Kịch bản khả quan, VN-Index tiến về 1.440 điểm
Theo dự báo của giới phân tích, ở kịch bản khả quan với tăng trưởng EPS khoảng 33%, VN-Index sẽ đạt mốc 1.440 điểm trong năm nay.
Nền kinh tế Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. GDP quý III/2021 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, hơn 6,17%. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tốc độ hồi phục trong quý IV phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích ứng an toàn với dịch của các tỉnh thành phố kinh tế.
Mirae Asset dự phóng tăng trưởng GDP quý IV/2021 của Việt Nam đạt 4%, với các động lực chính là dòng vốn FDI và đầu tư công được đẩy mạnh. Trong năm 2022, khi tỉ lệ tiêm vaccine kì vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm “sống chung với COVID” của các tháng trước đó, Mirae Asset cho biết họ tin rằng Việt Nam sẽ đạt mức hồi phục 5,7% trong kịch bản cơ sở và 6,2% trong kịch bản khả quan.
Trong đó, các động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 bao gồm dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; đầu tư công được đẩy mạnh và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Mặc dù triển vọng kinh tế quý III/2021 khá ảm đạm, tuy nhiên mức tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết vẫn được kỳ vọng ở mức 33% trong năm 2021 ở kịch bản khả quan và 26% trong kịch bản xấu.
Mirae Asset cho biết họ giữ nguyên dự phóng mức dao động VN-Index cho quý IV, với kịch bản cơ sở là 1.350 điểm, kịch bản khả quan là 1.440 điểm.
Trong khi định giá thị trường có phần kém hấp dẫn với tầm nhìn đến cuối năm 2021, thì nhà đầu tư có phần e dè với các rủi ro ngắn hạn về việc kiểm soát dịch bệnh sau khi nới lỏng giãn cách, rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao sau dịch, cũng như các rủi ro bên ngoài liên quan đến việc khối ngoại rút vốn nếu Mỹ ngưng nới lỏng tiền tệ, và việc các chính sách mới của Trung Quốc có tác động đáng kể đến giá hàng hóa toàn cầu.
Mức kỳ vọng tăng trưởng EPS 2022 khoảng gần 23%, tương đương mức P/E dự phóng cuối 2022 khoảng gần 13x. Nhờ dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào và việc thực hiện nới lỏng giãn cách đã bắt đầu từ tháng 10, các công ty sẽ dần tái khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, với sự hỗ trợ của các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Như vậy, Mirae Asset mức định giá của thị trường từ đầu tháng 10/2021 vẫn hấp dẫn với tầm nhìn đến 2022. Các cơ hội mở ra khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu, bao gồm các cổ phiếu vật liệu xây dựng (như thép, đá, xi măng, nhựa đường), và xây dựng được hưởng lợi nhờ đầu tư công được đẩy mạnh. Ngoài ra, các công ty thiên về xuất khẩu, cũng như ngành cảng biển, logistic sẽ được hưởng lợi nhờ triển vọng xuất khẩu lạc quan. Nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ thu hút đầu tư nước ngoài FDI vẫn tốt và nhu cầu chuyển đổi số sẽ giúp cho ngành công nghệ thông tin được hưởng lợi trong dài hạn.
Khi so sánh với các thị trường chứng khoán trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy mức hấp dẫn hơn. Tính đến hết tháng 9/2021, VN-Index có tỉ suất sinh lời vượt trội so với nhiều thị trường khác trong năm nay, với mức tăng gần 22% (xếp sau Ấn Độ với mức tăng gần 24%). Dù đã tăng giá đáng kể, Mirae Asset cho rằng mức định giá P/E 16,3x cho mức ROE 16% vẫn tương đối hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường khác trong khu vực, cũng như khi so sánh với chỉ số MSCI các thị trường mới nổi, cận biên và phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận