24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lưu Duy Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khơi thông dòng vốn ngoại, tăng tính cạnh tranh cho thị trường

Việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần đủ tiền sẽ giúp gia tăng dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tăng tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán.

Tiền đề cạnh tranh cho các công ty chứng khoán

Non-prefunding là triển khai nghiệp vụ giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024. Đây là quy định gỡ vướng giúp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền, được đánh giá là một nút thắt quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Như vậy, từ ngày 2/11 tới đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được công ty chứng khoán cấp cho hạn mức giao dịch trước và thực hiện thanh toán sau khi giao dịch khớp lệnh. Việc này giúp nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí chuyển đổi ngoại tệ và quản lý dòng tiền tốt hơn khi thực hiện giao dịch tại thị trường Việt Nam, vì tiến gần hơn với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Non-prefunding của Việt Nam là mô hình không có đối tác bù trừ trung tâm nên rủi ro đảm bảo thanh khoản sẽ được chuyển hết đến các công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch. Lý do là công ty chứng khoán phải đảm bảo mọi giao dịch phải được thanh toán đúng chu kỳ T+2.

Theo Chuyên gia của Công ty chứng khoán DNSE, quy định Non-Prefunding sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị tiền thay vì việc bị giữ đủ 100% từ ngày đặt lệnh đến ngày thực sự sở hữu cổ phiếu. Đồng thời, công ty chứng khoán chịu nhiều trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán. Công ty chứng khoán được quyền chủ động đánh giá rủi ro và chấp nhận rủi ro đối với khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Thông tư số 68/2024/TT-BTC sẽ mang lại 3 lợi ích chính cho thị trường chứng khoán. Thứ nhất là thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần đến các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài và thứ ba là giúp cải thiện thanh khoản thị trường.

‘Để đạt được 3 mục tiêu trên, việc xử lý thông tin trên thị trường sẽ yêu cầu nhanh và chính xác hơn”, chuyên gia DNSE nhận định.

Đối với các công ty chứng khoán, để có được lợi thế trong cuộc đua “hấp dẫn” nhà đầu tư ngoại, cần phải đảm bảo cạnh tranh về quy mô vốn lớn, tỷ lệ ứng trước và giá phí dịch vụ thấp.

Sẵn sàng vào cuộc

Đại diện Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, hạn chế rủi ro thanh toán trong việc triển khai cơ chế Non-prefunding, HSC đã xây dựng quy trình nhận diện, đánh giá rủi ro thanh toán cho từng nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư nước ngoài theo tiêu chí chấp nhận rủi ro có thể chịu được. Từ đó, Công ty sẽ xác lập việc cung cấp hạn mức Non-prefunding áp dụng từng khách hàng hiện hữu cũng như khách hàng mới (chưa có lịch sử giao dịch tại HSC) theo từng tiêu chí cụ thể và được kiểm soát rủi ro tốt nhất.

Hiện HSC cùng với các công ty chứng khoán khác, ngân hàng lưu ký và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đang rà soát và thực hiện các bước cuối cùng để hoàn thiện quy chế giao dịch và thanh toán bù trừ áp dụng cho mô hình Non-prefunding, bao gồm cả quy trình thanh toán ngoài biên độ khi áp dụng theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC.

Khơi thông dòng vốn ngoại, tăng tính cạnh tranh cho thị trường
Phục vụ khách hàng tổ chức nước ngoài sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho hay, để triển khai nghiệp vụ Non-prefunding, Công ty đã và đang chuẩn bị về quy trình nghiệp vụ, con người, hệ thống, cơ chế quản trị rủi ro và nguồn vốn.

Theo đó, về phía quy trình, tối thiểu là các quy trình nghiệp vụ nội bộ về nhận, giao dịch, xử lý lệnh Non-prefunding, quản trị rủi ro phải được ban hành. Ngoài ra, SSI còn có quy trình làm việc với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có nhu cầu giao dịch lệnh Non-prefunding, quy trình phối hợp với các ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản lưu ký tiền và chứng khoán để thực hiện lệnh Non-prefunding.

Theo ông Hải, cơ chế đặt lệnh Non-prefunding đối với các Sở giao dịch chứng khoán không có sự thay đổi, nhưng cơ chế xử lý lệnh Non-prefunding tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam là quy trình nghiệp vụ mới và đang được Tổng công ty dự thảo, lấy ý kiến các thành viên thị trường.

“Chúng tôi đào tạo nhân viên môi giới phục vụ nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài thêm về nghiệp vụ Non-prefunding, đồng thời bổ sung chức năng mới cho hệ thống giao dịch lệnh Non-prefunding, quản trị rủi ro đặc thù cho loại giao dịch này để có thể tự động hóa tối đa, tăng khả năng phục vụ khách hàng. Công ty cũng chuẩn bị nguồn vốn để có hạn mức dành cho các lệnh Non-prefunding, đáp ứng tối đa nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hải chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả