Khối tài sản của hai người giàu nhất Việt Nam tăng hàng nghìn tỷ đồng trong hôm qua
Với diễn biến giá cổ phiếu ngày hôm qua, tài sản ông Phạm Nhật Vượng hồi phục gần 2.798 tỷ đồng và tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng hơn 485 tỷ đồng.
Giằng co trong suốt toàn phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chính đều đóng cửa sát mốc tham chiếu trong ngày 9/9/2019. VN-Index tăng nhẹ 0,04 điểm lên 974,12 điểm và HNX-Index giảm nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,06% còn 100,85 điểm.
Thống kê cho thấy, độ rộng thị trường vẫn nghiêng rõ về phía các mã giảm. Trên quy mô toàn thị trường có tổng cộng 353 mã giảm giá, 34 mã giảm sàn so với 257 mã tăng và 48 mã tăng trần.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn đạt được trạng thái tăng nhẹ nhờ đóng góp lớn từ phía cổ phiếu VIC của Vingroup. Chỉ riêng VIC đã đóng góp tới 1,48 điểm cho chỉ số chính. Bên cạnh đó, VNM cũng đóng góp 0,87 điểm, PLX đóng góp gần 0,5 điểm, VJC, FPT, BID cũng đạt được trạng thái tăng.
Chiều ngược lại chứng kiến trạng thái giảm giá tại loạt cổ phiếu như TCB, HVN, GAS, VHM, NVL, BHN. Những mã này có ảnh hưởng khá đáng kể tới VN-Index nhưng nhìn chung, chỉ số vẫn chịu sự chi phối của hai mã đầu tàu là VIC và VNM.
Thanh khoản duy trì thấp trên cả hai sàn. Có tổng cộng 155,33 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng giá trị giao dịch là 3.800,89 tỷ đồng và hơn 16 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HNX tương ứng giá trị giao dịch 196,21 tỷ đồng.
Phiên hôm qua, VIC của Vingroup và VJC của Vietjet Air đều diễn biến tích cực. Cụ thể, VIC tăng giá 1.500 đồng, tương ứng 1,2% lên 122.600 đồng/cổ phiếu và qua đó chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 4 phiên liên tục của mã này.
Các quỹ, đứng đầu là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) vừa thông báo đã đầu tư 500 triệu USD (tương ứng 11.600 tỷ đồng) để sở hữu một số lượng cổ phần thiểu số tại Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và dịch vụ VCM (một công ty con của Vingroup, sở hữu 64,3% vốn điều lệ). VCM vừa mới được thành lập để sở hữu 100% vốn Vincommerce, đơn vị vận hành hệ thống 113 siêu thị Vinmart và hơn 1.900 cửa hàng Vinmart+.
Tương tự, VJC của Vietjet Air hôm qua tăng mạnh 2.400 đồng tương ứng 1,8% lên 132.800 đồng. Đây là phiên tăng giá đầu tiên của mã này trong 8 phiên đã qua (trước đó, VJC có 3 phiên giảm và 4 phiên đứng giá tham chiếu).
Cũng trong phiên này, tại cổ phiếu VJC, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đột biến với giá trị đạt 356,4 tỷ đồng, phần lớn thực hiện qua phương thức thoả thuận.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air là hai tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam hiện nay (theo Forbes). Với diễn biến giá cổ phiếu ngày hôm qua, tài sản ông Phạm Nhật Vượng hồi phục gần 2.798 tỷ đồng và tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng hơn 485 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 970 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Nếu ngưỡng điểm này bị xuyên thủng, chỉ số có thể lùi về kiểm định các vùng hỗ trợ sâu hơn như 955-960 điểm trong ngắn hạn. Dù vậy, BVSC hiện chưa đánh giá cao kịch bản này, đồng thời vẫn thiên về khả năng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Theo BVSC, tâm lý nhà đầu tư sẽ vẫn ở trạng thái thận trọng và chờ đợi các phản ứng rõ ràng hơn của thị trường trước các sự kiến sắp diễn ra như kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, cuộc họp của FED và kết quả review nâng hạng thị trường của FTSE.
BVSC cho rằng, chiến lược đầu tư trong ngày hôm nay (10/9) đó là tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 20-30% cổ phiếu. Với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ quanh 970 điểm và vùng 955-960 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận