Khối ngoại quay lại mua ròng hơn 28 ngàn tỷ đồng trên sàn HOSE trong năm 2022
Trong bối cảnh diễn biến các chỉ số thị trường tương đối tiêu cực của năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài (hay khối ngoại) đã mua ròng ở cả 2 sàn HOSE và HNX, sau khi bán ròng ở năm 2021.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, khối ngoại đã mua ròng 28,310 tỷ đồng trên sàn HOSE trong năm 2022, trái ngược với con số bán ròng 56,767 tỷ đồng năm 2021.
Chi tiết hơn, khối ngoại đã mua ròng 6 tháng trên sàn HOSE gồm các tháng 4, 5, 6, 8, 11 và 12 và bán ròng trong các tháng còn lại. Tháng có giá trị mua ròng nhiều nhất là tháng 11 với 15,839 tỷ đồng, trong khi tháng bị bán ròng nhiều nhất là tháng 3 với 4,006 tỷ đồng.
Tương tự với HOSE, sàn HNX cũng được khối ngoại mua ròng trong năm 2022 với 1,995 tỷ đồng, ngược lại với 2,545 tỷ đồng bán ròng trong năm 2021. Trong đó, khối ngoại đã mua ròng với giá trị lớn nhất là tháng 11, đến 780 tỷ đồng.
Động thái mua ròng trở lại của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2022 chứng kiến nhiều đợt giảm mạnh. VN-Index từ 1,525.58 điểm hồi đầu năm, hiện giờ chỉ còn 1,007.09 điểm vào cuối phiên sáng 30/12/2022, tương đương giảm gần 34%. HNX-Index cũng không khả quan hơn khi giảm gần 57%, từ mức 474 điểm xuống chỉ còn 205.31 điểm.
Tháng 11 được xem là tháng bùng nổ của khối ngoại khi giá trị mua ròng tại 2 sàn đều đạt mức cao nhất trong 12 tháng. Điều này diễn ra trùng với bối cảnh nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan bị buộc phải bán giải chấp theo yêu cầu từ công ty chứng khoán, dẫn đến lượng lớn cổ phiếu được đưa ra thị trường. Đa phần các công ty có lãnh đạo bị buộc bán giải chấp đều thuộc nhóm bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến “làn sóng” bán giải chấp là do nhà đầu tư lo ngại về với lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023 của các doanh nghiệp bất động sản.
Giải thích về động thái mua ròng của khối ngoại trong 2 tháng cuối năm nay, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), VinaCapital cho rằng, dòng vốn nước ngoài vừa qua được hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô và chính sách tiền tệ thế giới. Khi đồng USD giảm xuống trong bối cảnh tốc độ tăng lãi suất của Mỹ giảm dần và các nước khác tăng lãi suất nhanh hơn làm chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác nhỏ dần, nên dòng tiền rời khỏi Mỹ và chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại trước nay luôn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn, dựa trên những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của Việt Nam so với các nước lân cận. Những lợi thế về một dân số năng động (đông dân nhưng tỷ lệ tham gia lao động nữ cao, dư địa đô thị hóa, vay nợ hộ gia đình ở mức thấp), khả năng thu hút FDI… vẫn còn nguyên ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa rồi. Thậm chí những nút nghẽn như hạ tầng chưa phát triển hay năng suất lao động chưa cao cũng được cho là dư địa cho kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, TTCK dựa trên tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn, cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn nhà đầu tư (NĐT) Đài Loan (Trung Quốc) đánh giá quy mô thị trường sẽ còn tăng mạnh, số lượng và chất lượng NĐT cá nhân tham gia thị trường sẽ tăng. Quy mô thị trường và chất lượng NĐT thay đổi sẽ làm thị trường tăng trưởng bền vững và bớt biến động hơn.
“Cho nên, những biến động TTCK Việt vừa qua do tác động vĩ mô là rủi ro ngắn hạn và NĐT nước ngoài xem đó là cơ hội để tăng giải ngân trên thị trường Việt Nam ở một mức giá hấp dẫn, có một không hai trong lịch sử”, bà Phương cho biết.
Các cổ phiếu được khối ngoại “để mắt”
Trên sàn HOSE, top 10 cổ phếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thuộc nhiều nhóm ngành như ngân hàng, hóa chất, bất động sản…
Trong đó, STB và DGC là 2 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất năm. Trong khi STB đạt giá trị mua ròng hơn 4,576 tỷ đồng thì DGC chỉ có giá trị hơn một nửa với gần 2,994 tỷ đồng.
Tiếp đến là 2 cổ phiếu CTG và DPM, lần lượt nằm ở vị trí thứ 3 và thứ 4 với 2,993 tỷ đồng và 2,332 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu bất động sản là VHM và NLG lần lượt xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 với 2,185 tỷ đồng và 1,887 tỷ đồng.
MWG là cổ phiếu bán lẻ duy nhất góp mặt trong top 10 với vị trí thứ 8, giá trị mua ròng cả năm 2022 đạt hơn 1,450 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trên sàn HOSE trong năm 2022
Ở nhóm cổ phiếu bị bán ròng, khối ngoại tập trung chủ yếu tại nhóm bất động sản - xây dựng khi có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm này nằm trong top 10 cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, bao gồm NVL, VIC, CII, HPX và AGG.
Trong 5 cổ phiếu kể trên, HPX là cái tên ít được nhắc đến nhất trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cổ phiếu này lại nổi lên trong tháng 11 với việc lãnh đạo Công ty bị buộc phải bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu trong bối cảnh thị giá “chìm sâu” với chuỗi giảm sàn.
Không dừng lại ở đó, quỹ lớn nhất của Dragon Capital - Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng xác nhận đã bán ra hơn 26.5 triệu cp HPX, tương đương 8.73% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty, trong phiên 30/11/2022. Sau giao dịch, VEIL chính thức thoái sạch vốn và không còn là cổ đông của HPX.
Dù nhóm bất động sản góp mặt với nhiều cổ phiếu, cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất lại là HPG với giá trị gần 4,314 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trên sàn HOSE trong năm 2022
Tại sàn HNX, top 3 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất gồm PVS, IDC và PVI, đều có giá trị trên 200 tỷ đồng, đặc biệt là PVS với hơn 1,273 tỷ đồng. Trong khi đó, đứng vị trí thứ 4 là HUT, chỉ có 100 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX trong năm 2022
Ngược lại, các cổ phiếu bị bán ròng tại HNX lại không có nhiều cách biệt về giá trị, tất cả đều dưới mức 160 tỷ đồng. Cụ thể, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là THD có giá trị là hơn 158 tỷ đồng, hai vị trí xếp ngay sau là SHS và VCS lần lượt có giá trị là 153 tỷ đồng và 121 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX trong năm 2022
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận