Khó khăn tiếp tục bủa vây Codupha (CDP) sau cơn sốt cổ phiếu dược
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong kinh doanh nhưng cổ phiếu CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã chứng khoán CDP – UPCoM) lại bất ngờ tạo sóng trên thị trường chứng khoán.
Sau khi Bộ Y tế công bố Codupha nằm trong danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin, cổ phiếu CDP bật tăng mạnh nhờ kỳ vọng có thể hưởng lợi từ việc được phép nhập khẩu Vắc xin. Tuy nhiên, đây chỉ là kỳ vọng của giới đầu tư, thực chất đây chỉ là hoạt động đa dạng hoá nguồn cung vắc xin và không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu như ngày 25/5, cổ phiếu CDP giao dịch vùng giá 8.600 đồng/cổ phiếu thì tới ngày 8/6 đã là 24.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 179% trong 10 phiên, sau đó cổ phiếu bắt đầu giảm và tính tới ngày 11/6 đang giao dịch vùng giá 15.800 đồng/cổ phiếu, tức giảm 34,2% trong 3 phiên nhưng vẫn tăng hơn 83,7% so với ngày 25/5.
Như vậy, chỉ trong giai đoạn ngắn với 13 phiên giao dịch, giá cổ phiếu CDP đã biến động khá mạnh và sau đó quay trở điều chỉnh trở lại khi nhà đầu tư nhận thấy doanh nghiệp thực sự không hưởng lợi như kỳ vọng.
Lợi nhuận của Codupha trên đà lao dốc và chưa có điểm dừng
Codupha hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thuốc, không có nhà máy sản xuất nên nguồn hàng là yếu tố quyết định. Ngoài ra, 70% doanh thu đến từ việc đấu thầu tại các cơ sở y tế.
Được biết, kể từ thời điểm năm 2015 khi CTCP Dược phẩm Bến Tre (Mã chứng khoán DBT – sàn HOSE) trở thành cổ đông chiến lược sau cổ phần hoá và sở hữu 25,16% vốn điều lệ, doanh nghiệp trải qua nhiều năm tình hình kinh doanh không khởi sắc khi doanh thu và lợi nhuận có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đó.
Cụ thể, nếu như doanh thu năm 2016 là 3.211,7 tỷ đồng, tới năm 2020 chỉ còn 2.957,1 tỷ đồng, giảm gần 8%; lợi nhuận năm 2016 là 21,4 tỷ đồng, năm 2020 chỉ còn 18,7 tỷ đồng, giảm tới 12,9%.
Trong khi đó, lạm phát liên tục gia tăng từ 2016 tới nay, đồng nghĩa với giá trị tiền tệ bị trượt giá theo thời gian. Đặc biệt, năm 2020, Codupha ghi nhận doanh thu giảm 1,2% và lợi nhuận giảm 27,2% so với thực hiện trong năm 2019 và đây cũng là năm lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc Codupha trình đại hội đồng cổ đông năm 2021, lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2020 do các nguyên nhân chính:
Hiện nay, Codupha chủ yếu nhập khẩu hàng từ thị trường châu Âu, tuy nhiên các nước trong khu vực này đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, việc phong toả quốc gia diễn ra trên quy mô lớn dẫn đến quá trình vận chuyển và sản xuất gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn ưu tiên sử dụng thuốc trong nước sau đó mới đến xuất khẩu, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung vốn đang suy giảm.
Bước sang quý I/2021, tình hình kinh doanh của Codupha có dấu hiệu giảm mạnh hơn. Cụ thể, trong quý đầu năm, doanh thu giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái về còn 521,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 81,9% về còn 0,8 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 0,59% về chỉ còn 0,15%.
Codupha cho biết trong quý I/2021 khi tình hình dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp gặp khó khăn về tìm kiếm nguồn hàng mới. Việc thiếu nguồn hàng đã ảnh hưởng trong công tác đấu thầu và khả năng cạnh tranh trong đấu thầu giá thuốc tại các sở y tế.
Có thể thấy, trong giai đoạn trước đại dịch từ 2016 - 2019, tình hình kinh doanh của Codupha có dấu hiệu khó khăn nhưng tốc độ giảm của doanh thu không quá lớn. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 và đặc biệt quý I/2021, tình hình kinh doanh có dấu hiệu lao dốc mạnh do chịu tác động tiêu cực từ đại dịch dẫn đến thiếu nguồn hàng, cũng như việc đấu thầu tại các cơ sở y tế dẫn tới tình hình kinh doanh lao dốc và chưa có điểm dừng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, công tác thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam kéo dài cũng ảnh hưởng tiêu cực tới Codupha. Cụ thể, sau khi cổ đông nhà nước là Tổng công ty Dược Việt Nam có phương án thoái vốn năm 2017, vốn điều lệ của các công ty con không được thay đổi cho tới khi hoàn tất công tác thoái vốn, tuy nhiên thực tế tới tháng 6/2021 việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất và chưa có thông tin về thời điểm triển khai.
Với mức vốn điều lệ 182 tỷ đồng so với quy mô doanh thu dao động 3.000 tỷ đồng/năm là quá nhỏ. Tính tới 31/3/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 817,2 tỷ đồng, chiếm 38% tổng nguồn vốn. Như vậy, với mức vốn điều lệ có quy mô nhỏ và không được phép tăng vốn, trong khi nhu cầu tài trợ cho tồn kho hàng hoá, buộc doanh nghiệp phải huy động vốn vay và chủ yếu là vay ngắn hạn dẫn tới chi phí tài chính tăng cao liên tục và biên lợi nhuận ròng suy giảm.
Dấu hỏi gắn bó của cổ đông chiến lược
Ngoài là cổ đông chiến lược của Codupha, Dược phẩm Bến Tre cũng có tham vọng thực hiện các thương vụ M&A các công ty cùng ngành khi liên tục đầu tư vào các công ty dược.
Trong đó, tháng 3/2017 Dược phẩm Bến Tre sở hữu 51,84% vốn tại CTCP Dược phẩm Yên Bái (Ypharco); tháng 4/2017 sở hữu 51% vốn tại CTCP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco). Trong năm 2019, Công ty này tiếp tục tăng sở hữu lên 82,15% tại CTCP Dược phẩm Yên Bái.
Tuy nhiên, mới đây giới đầu tư bất ngờ nhận được thông tin Dược phẩm Bến Tre đã thoái toàn bộ gần 4,4 triệu cổ phiếu Biopharco, tương ứng 51,06% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 6/5 và chính thức không còn sở hữu tại Biopharco.
Ngoài ra, ngày 14/5/2021, Dược phẩm Bến Tre cũng thông báo chấm dứt hoạt động của chi nhánh CTCP Dược phẩm Bến Tre – Hiệu thuốc Trung tâm Khu vực II do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, công ty cơ cấu lại hoạt động kinh doanh.
Trước đó, năm 2015, Dược phẩm Bến Tre cũng đã bán ra 60% vốn tại Công ty TNHH Dược phẩm Anh Mỹ với giá chuyển nhượng 38,5 tỷ đồng, đây là liên doanh giữa Dược phẩm Bến Tre và Meyer Pharmaceuticals Ltd, Hong Kong.
Xét về tình hình kinh doanh của Dược phẩm Bến Tre từ năm 2015 - 2020, doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh đi xuống khi trung bình 5 năm lợi nhuận giảm 4,5%. Đặc biệt, lợi nhuận năm 2020 giảm tới 44,4% về chỉ còn lại 14,26 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận tiếp tục thu hẹp theo thời gian, nếu năm 2015 là 4% thì tới năm 2020 chỉ còn 1,7%.
Bước sang quý I/2021, Dược phẩm Bến Tre báo cáo doanh thu giảm 27,6% về còn 147,3 tỷ đồng và lỗ 0,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi gần 6 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2021, tài sản của Dược phẩm Bến Tre chủ yếu là tồn kho và khoản phải thu đạt 545,6 tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng tài sản. Trong khi đó, lượng tiền và đầu tư tài chính chỉ đạt 88,5 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng tài sản. Ngược lại, doanh nghiệp lại đang có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 411,32 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng nguồn vốn.
Như vậy, Dược phẩm Bến Tre từ năm 2015 tới nay kinh doanh đi xuống khi lợi nhuận giảm trung bình 4,5% trong 5 năm, lượng tiền mặt khiêm tốn và đặc biệt nợ vay lớn đang là áp lực lên tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại Codupha, hoạt động kinh doanh trong nhiều năm trở lại tiếp tục trên đà lao dốc và đặc biệt việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra chậm và kéo dài.
Với việc đang đẩy mạnh tái cơ cấu sau nhiều năm kinh doanh đi xuống, giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi liệu Dược phẩm Bến Tre có tiếp tục theo đuổi tham vọng tại Codupha hay không, hay sẽ thực hiện thoái vốn như cách đã làm với Công ty TNHH Dược phẩm Anh Mỹ trước đây và CTCP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang như hiện tại.
Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất hiện nay của Codupha là mức định giá cổ phiếu đang cao ngất ngưởng sau khi trải qua chuỗi tăng điểm nóng. Thông thường, nhóm cổ phiếu dược là ngành phòng thủ với hoạt động kinh doanh ổn định, nhà đầu tư dựa trên tỷ lệ cổ tức. Được biết, với mức cổ tức 9%/năm, tương ứng với mức lợi tức thực sự hiện nay chỉ là 5,7% thì thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tại một số Ngân hàng thương mại cổ phần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận