Khi Trần Phú Cable bắt đầu 'chơi'...chứng khoán
Bớt đi những tiếng nói đối lập, nhóm cổ đông cầm quyền ở Trần Phú Cable có thêm không gian, dư địa để phát triển doanh nghiệp, tìm kiếm lợi nhuận. Khoản đầu tư nhạy bén vào cổ phiếu REE cùng hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản VNDirect là minh chứng cho hướng đi mới của nhà sản xuất cáp điện này.
CTCP Cơ điện Trần Phú (Trần Phú Cable) vừa công bố BCTC bán niên 2021 với doanh thu thuần đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới 33% khiến lợi nhuận gộp giảm đáng kể, từ 181 tỷ đồng về 150 tỷ đồng, tương đương biên độ 17%.
Nhờ tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính, Trần Phú Cable vẫn báo lãi 76,2 tỷ đồng, chỉ giảm 8% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm 2021, Trần Phú Cable đặt kế hoạch doanh thu 2.650 tỷ đồng, lợi nhuận 184 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, nhà sản xuất dây cáp điện hàng đầu Việt Nam mới hoàn thành lần lượt 48% và 41% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm.
Giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá đồng thế giới tăng cao khiến các doanh nghiệp dây cáp điện bị ảnh hưởng đáng kể thời gian qua.
Không riêng Trần Phú Cable, một doanh nghiệp đầu ngành khác là Cadivi cũng ghi nhận giá vốn bán hàng tăng hơn 31% so với cùng kỳ, dẫn tới lãi sau thuế sụt giảm 15% về còn 165,7 tỷ đồng.
Đi kèm với kết quả kinh doanh suy giảm, dòng tiền của Trần Phú Cable cũng hụt đi đáng kể, với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 353 tỷ đồng (cùng kỳ dương 234 tỷ đồng), lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 42 tỷ đồng (cùng kỳ dương 164 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp này gia tăng vay nợ tài chính với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 162 tỷ đồng (cùng kỳ âm 89 tỷ đồng).
Mặc dù đã giảm khá mạnh, số dư tiền và tương đương vẫn ở mức khá tích cực, 292 tỷ đồng, tương đương 12% tổng tài sản.
Dù gặp một số ý kiến phản đối, song ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Trần Phú Cable vào cuối tháng 6 vừa qua đã thông qua không chia cổ tức với lý do tích lũy vốn để mở rộng đầu tư sản xuất các sản phẩm thiết bị trung thế, cáp siêu nhiệt, tự sản xuất đồng, làm nhựa và hướng tới sản xuất cao thế, với tổng mức đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án bất động sản 41 Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) được xây dựng trên trụ sở nhà máy cũ liên doanh với CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản, Trần Phú Cable cho biết đã thành lập Ban quản lý dự án, đồng thời đang trong quá trình xin gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh thiết kế của dự án.
Ở một diễn biến đáng chú ý, trong bối cảnh có nguồn tiền nhàn rỗi, Trần Phú Cable bắt đầu tham gia vào lĩnh vực chứng khoán. Tại ngày 30/6/2021, doanh nghiệp này đang có số dư tài khoản 216,5 tỷ đồng tại Công ty Chứng khoán VNDirect, đồng thời sở hữu 2,47 triệu cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh, với giá thị trường 143 tỷ đồng, lãi 9 tỷ đồng so với giá gốc.
Khoản đầu tư gần 400 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn cổ phần, vào lĩnh vực chứng khoán tính tới cuối tháng 6/2021 cho thấy tham vọng không nhỏ của Trần Phú Cable. Tính theo giá chốt phiên 1/9, khoản lãi của 2,47 triệu cổ phiếu REE lên tới hơn 30 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận đáng nể 22%, cho thấy góc nhìn kinh doanh nhạy bén của CEO Đặng Quốc Chính, cũng như đội ngũ cố vấn cho doanh nhân này.
Thu về một mối
Trần Phú Cable có số vốn cổ phần 156,8 tỷ đồng, gồm UBND TP Hà Nội nắm giữ 38,88%, ông Đặng Quốc Chính (26,17%) và pháp nhân cùng nhóm CTCP Du lịch Lâm Đồng (24,96%).
Đáng chú ý là sự xuất hiện của bà Bùi Thị Hương Ly với 5,02%. Tỷ lệ sở hữu của nữ doanh nhân này cập nhật đến này 15/7 đã lên tới 9,595%. Bà Hương Ly, như Nhadautu.vn đã đề cập, hiện là nhân viên phòng Tài chính kế toán của chính Trần Phú Cable. Trước đó, bà có nhiều năm công tác với vị trí nhân viên kế toán tại CTCP Phân phối KTG Miền Bắc - một thành viên trong KTG Group của anh em doanh nhân Đặng Quốc Chính.
Ở chiều ngược lại, cựu Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Sơn - thuộc nhóm cổ đông đối lập, thường xuyên bỏ phiếu phủ quyết trong các ĐHĐCĐ của Trần Phú Cable, đã thoái toàn bộ 5,79% cổ phần trong quý 2.
Như vậy, nhóm cổ đông của Tổng giám đốc Đặng Quốc Chính đã sở hữu tới 60,385%, UBND TP. Hà Nội có 38,88%, cổ đông khác chỉ còn 0,735%. Một khi nhà nước thoái vốn, doanh nhân sinh năm 1954 sẽ đứng trước cơ hội lớn để sở hữu trọn vẹn "viên ngọc" Trần Phú Cable.
Giả thiết này không phải là không có cơ sở. Dù vẫn là công ty đại chúng (có 126 cổ đông vào ngày 3/6/2021), tuy nhiên nội dung quan hệ cổ đông và thông tin tài chính trên website của Trần Phú Cable (https://www.tranphucable.com.vn) không còn được công khai và cần đăng nhập mật khẩu, dù cho Trần Phú Cable thuộc đối tượng phải công bố thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận