menu
Khi nào cổ phiếu Vinamilk thoát xu hướng giảm?
Quách Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khi nào cổ phiếu Vinamilk thoát xu hướng giảm?

Cổ phiếu Vinamilk đã nằm trong xu hướng giảm suốt 7 năm liền. Kết quả kinh doanh công ty đang phục hồi sau nhiều năm chững lại và đi xuống.

Ngày 27/12 tới đây, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã: VNM) sẽ chốt danh sách cổ đông tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 2/2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 5%.

Với 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi khoảng 1.045 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này. Ngày thực hiện thanh toán là 28/2/2025.

Trước đó, “ông lớn” ngành sữa cũng vừa chi ra 5.100 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại của năm 2023 tỷ lệ 9,5% và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 tỷ lệ 15%. Ngày thanh toán 24/10.

Vinamilk có truyền thống chia cổ tức tiền mặt cao cho cổ đông, vào thời điểm đỉnh cao 2016 – 2017, tỷ lệ chi trả có thể lên đến 50 – 60% mệnh giá. Với năm 2023, doanh nghiệp chi trả tỷ lệ 38,5%, tương đương với số tiền chi ra khoảng 8.040 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ tức năm 2024 kế hoạch duy trì ở mức 38,5%. Như vậy, công ty sẽ tạm ứng trước 20% cho cổ đông trước khi mức chia chính thức được quyết định tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm tới.

Cổ phiếu VNM hiện giao dịch vùng giá 64.200 đồng/cp, giảm miệt mài từ mức đỉnh 144.600 đồng/cp thiết lập cuối năm 2017, tức giảm 56%. Đây là vùng giá thấp nhất của mã chứng khoán VNM trong 9 năm.

Khi nào cổ phiếu Vinamilk thoát xu hướng giảm?

Diễn biến cổ phiếu VNM. Nguồn: TradingView

Vinamilk đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào 2006. Trong suốt 11 năm đầu niêm yết, cổ phiếu ông lớn ngành sữa ghi nhận xu hướng đi lên bền vững. Có thể nói nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu Vinamilk ở bất kỳ thời điểm nào ở giai đoạn này cũng đều có lãi và kiên trì nắm giữ càng lâu càng lãi lớn. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh vào cuối 2017, VNM chìm trong xu hướng giảm giá 7 năm làm nản lòng nhiều nhà đầu tư. Vào giai đoạn 2017 – 2018, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu Vinamilk chiếm đến 59-60% nhưng hiện nay chỉ còn 51 – 52%.

Lợi nhuận dần phục hồi

Cổ phiếu VNM kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư được cho là kết quả kinh doanh chững lại và suy giảm nhiều năm nay.

Trong giai đoạn 2006 - 2017, công ty sữa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, đều đặn. Doanh thu từ 6.246 tỷ đồng lên 51.041 tỷ đồng và lợi nhuận từ 660 tỷ đồng lên 10.300 tỷ đồng, tức gấp lần lượt 8,2 lần và 15,6 lần. Tuy nhiên, những năm sau đó, doanh thu chững lại quanh mốc 60.369 tỷ đồng và lợi nhuận giảm xuống 8.874 tỷ đồng vào 2023.

Đi kèm với kết quả kinh doanh đi xuống thì tỷ lệ chia cổ tức cũng thu hẹp. Giai đoạn trước công ty vừa trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50 – 60% mỗi năm kèm thưởng cổ phiếu 20%. Lần gần nhất Vimamilk thưởng cổ phiếu là tháng 8/2020, đồng thời, tỷ lệ cổ tức cũng giảm về mức 38,5% trong 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, với lượng cổ phiếu hơn 2 tỷ đơn vị đang lưu hành, để có thể duy trì trả cổ tức 38,5% Vinamilk phải chi ra khoảng 8.040 tỷ đồng, nguồn hết hơn 90% lợi nhuận tạo ra mỗi năm. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc công ty khẳng định đây đã là mức chia cổ tức lớn nhất, không còn khả năng tăng thêm do phải cân đối với việc đầu tư phát triển.

Lãnh đạo Vinamilk đang kỳ vọng vào chu kỳ tăng trưởng mới sau đợt tái cấu trúc, thay đổi nhận diện thương hiệu vào tháng 7/2023. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay phần nào cho thấy hiệu quả của đợt tái cấu trúc.

Doanh thu 9 tháng đạt 46.306 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 40,2% lên 41,9% nhờ dịch chuyển tích cực trong cơ cấu bán hàng và chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu ổn định hơn. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 9,6% lên 7.306 tỷ đồng. Doanh nghiệp thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và 81% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Động lực tăng trưởng của Vinamilk đến từ thị trường nước ngoài khi đạt 8.349 tỷ đồng, tăng 15,7% trong khi nội địa chỉ tăng 1,1% đạt gần 13.000 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của thị trường nước ngoài cũng tăng từ 16% năm 2023 lên 18%.

Theo Chứng khoán VCBS, triển vọng kinh doanh của Vinamilk tiếp tục sáng nhờ chi tiêu ngành sữa phục hồi trở lại theo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Biên lợi nhuận cải thiện trong năm 2024 nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Sang năm 2025, giá nguyên liệu được dự báo tăng nhưng doanh nghiệp có thể chuyển chi phí vào giá bán.

Ngoài ra, sản phẩm thịt bò dự kiến ra mắt cuối năm 2024. VCBS cho biết sản phẩm chạy thử đã nhận được phản ứng tích cực, kỳ vọng đem về doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2025 và khoảng 3.000 tỷ đồng năm 2029.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
64.80 +0.50 (+0.78%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả