Khi kỳ lân bật bãi: Thị trường Việt có quá khốc liệt?
Với sự rời đi của Gojek, số kỳ lân đã bật bãi khỏi Việt Nam trong hơn 1 năm qua đã lên con số 4. Khá nhiều nguyên nhân đứng sau, từ câu chuyện nền kinh tế đi xuống, người dùng thắt chặt chi tiêu, cho đến những vấn đề vĩ mô khác. Tuy vậy, có những ý kiến cho rằng thị trường Việt dường như đã bão hòa ở một số mảng khiến sức cạnh tranh trở nên khủng khiếp hơn. Khi ấy, những tay chơi “hụt hơi” sẽ nhanh chóng bị xóa sổ.
Kỳ lân (unicorn) - tên gọi dành cho những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, cũng là cột mốc mà rất nhiều startup khao khát đạt được. Mức định giá ấy cho thấy tiềm năng của doanh nghiệp, cả về khả năng tăng trưởng, nguồn vốn dồi dào, cũng như cơ hội lấn sân quốc tế.
Nhưng trở thành kỳ lân không bảo chứng cho thành công. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến không ít những kỳ lân phải bật bãi. Điển hình năm 2023, có đến 3 kỳ lân lần lượt nói lời chia tay sau một thời gian kinh doanh không thành công.
Khi các kỳ lân lần lượt bật bãi
Thực tế, 2023 được xem là năm tương đối khắc nghiệt với giới startup toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng, với phát súng đầu tiên là Zoomcar – startup cho thuê xe tự lái tới từ Ấn Độ.
Thành lập từ năm 2013, nhưng đến đầu năm 2022, Zoomcar mới tiến vào Việt Nam với quyết tâm chinh phục thị trường 100 triệu dân. Dịch vụ chính của ZoomCar chuyên cho thuê ô tô để người dùng tự lái. Ô tô trên nền tảng cung cấp bởi các đối tác chủ xe, theo hợp đồng ăn chia hoa hồng trên từng chuyến đặt xe.
Zoomcar là cái tên đầu tiên rời Việt Nam trong chuỗi "kỳ lân bật bãi" diễn ra trong hơn 1 năm qua
Giai đoạn đầu, Zoomcar tích cực khuyến mãi, giảm giá, đồng thời thực hiện các chính sách dễ dàng cho như giao xe tận nơi miễn phí, không cần tiền cọc, không giữ bản cứng giấy tờ tùy thân. Tháng 01/2023, Zoomcar công bố số liệu với hơn 100 ngàn người dùng, thu hút sự tham gia của hơn 3,000 chủ xe.
Nhưng rồi chỉ 4 tháng sau, kỳ lân Ấn Độ tuyên bố ngừng hoạt động tại Việt Nam, chính thức dừng cuộc chơi từ 24/05/2023. Lý do đưa ra là "điều kiện thị trường kinh doanh nói chung và dịch vụ cho thuê xe tự lái nói riêng có nhiều khó khăn và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới". Đây là thông báo khá bất ngờ vì trước đó 3 tháng, Công ty còn đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần lượng xe trong năm 2023.
Nối gót Zoomcar, Atome – kỳ lân “mua trước - trả sau” (Buy Now, Pay Later) từ Singapore cũng thông báo rời thị trường Việt chỉ sau 1 năm chinh phục đất nước hình chữ S. Thực tế, các thông số của Atome không tệ nếu so với một tay chơi mới gia nhập, khi đã thuyết phục được 100 đối tác gia nhập trong 1 năm hoạt động. Tuy nhiên, do “đóng góp từ Atome Việt Nam còn nhiều hạn chế”, Doanh nghiệp quyết định dừng cuộc chơi từ tháng 07/2023.
Cuối năm 2023, một kỳ lân nữa rời đi trong sự tiếc nuối là Baemin – nền tảng giao đồ ăn từ Hàn Quốc. Thông báo từ Delivery Hero, công ty mẹ của ứng dụng này, Baemin chính thức rút khỏi Việt Nam kể từ 0h ngày 08/12/2023, ghi rõ: “Quyết định rời khỏi Việt Nam này được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự canh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”.
Và mới đây nhất, đến lượt Gojek - ứng dụng gọi xe, chuyển phát và giao thực phẩm của Indonesia - nói lời chia tay, chính thức dừng hoạt động tại thị trường 100 triệu dân từ ngày 16/09/2024.
Baemin và Gojek đều đã nói lời chia tay với thị trường Việt Nam. Ảnh: Internet
Kỷ nguyên cạnh tranh đầu tiên Grab-Gojek bước vào hồi kết?
Grab và Gojek, cả hai đều niêm yết chưa quá lâu. Grab niêm yết tại Mỹ vào năm 2021, thì năm 2022 Gojek IPO ngay trên sân nhà Indonesia.
Trước khi IPO, tập đoàn mẹ GoTo kịp sát nhập một kỳ lân thương mại điện tử của Indonesia là Tokopedia. Tưởng như mọi chuyện sẽ đi đúng hướng, nhưng những gì Gojek làm được không thể hiện điều đó. Sự rời đi của Gojek tại Việt Nam được xem như hồi kết cho giai đoạn 1 của sự cạnh tranh giữa Grab và Gojek, mà theo như tác giả Jon Russell từ Asia Techreview đánh giá là “thể hiện mặt tệ hại khi đưa ra những lựa chọn phi logic cả về cạnh tranh, truyền tải câu chuyện hay chi tiền” của kỳ lân xứ vạn đảo.
Russell nhận định, Việt Nam ban đầu là một lựa chọn hợp lý để mở rộng thị phần tại Đông Nam Á. Sở hữu thị trường 100 triệu dân, cơ cấu dân số trên 50% dưới 30 tuổi là những hấp lực đưa Gojek vào Việt Nam vào tháng 8/2018 dưới tên gọi GoViet. Ngoài ra, một phần cũng để lấp đi khoảng trống Uber để lại, và tăng sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
GoTo đã xem Việt Nam là bước tiến đầu tiên trên con đường mở rộng thị phần của Gojek, bên cạnh Singapore, Thái Lan và Philippines. Giờ đây, Gojek chỉ trụ được ở Singapore, nhiều khả năng sẽ khó rời đi trong tương lai gần vì thị trường này vẫn đang có lời. Nhưng với bối cảnh thị trường gọi xe tỏ ra khó dự đoán, đây cũng không phải chuyện có thể nói trước được.
Thực tế, quá trình mở rộng của Gojek đã có những dấu hiệu trục trặc từ lâu. Tháng 7/2021, AirAsia mua lại GET – mảng kinh doanh gọi xe của Gojek tại Thái Lan, qua thương vụ trị giá 50 triệu USD. Tại Philippines, Doanh nghiệp chưa từng đặt nền móng vì không xin được giấy phép. Coins.ph, startup mảng fintech mà Gojek đã mua tại Philippines với giá gần 100 triệu USD vào năm 2019 cũng chưa mang lại đóng góp gì, để rồi bị bán cho công ty vận hành bởi cựu CEO của Binance sau đó 2 năm.
Trở lại với Việt Nam. Ban đầu, số liệu cho thấy Gojek đã có một phép thử khá mạnh dành cho Grab, bất chấp việc Grab thường phản bác rằng đối thủ đã mạnh tay chi tiền để giảm giá và thu hút người dùng. Phản bác này có cơ sở, bởi sau nhiều năm hoạt động, Gojek chỉ đứng thứ 4 thị trường với thị phần khiêm tốn. Số liệu từ DecisionLab, Gojek chiếm 18% thị phần mảng gọi xe trong quý 2/2024, xếp sau Grab, Be, hay thậm chí là “tay chơi mới nổi” như Xanh SM và các hãng xe truyền thống.
Nguồn: DecisionLab
Trong mảng giao đồ ăn, Gojek cũng không khá hơn. Thống kê từ Momentum Works năm 2023, Gojek nắm 3% GMV (tổng giá trị hàng hóa), thấp hơn cả Baemin. Bản thân GoTo khi thông báo rời Việt Nam cũng cho biết thị trường Việt chỉ chiếm 1% tổng giao dịch trong quý 2/2024, và việc đóng cửa sẽ không gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Tập đoàn.
Trận chiến “đốt tiền”
Bức tranh năm 2018 rất khác. Gojek đã bị cuốn vào cuộc chiến gọi vốn cùng Grab để chuyển từ vị thế thống trị Indonesia sang các nước lân cận, lấp đầy khoảng trống Uber để lại.
Gojek khi đó chọn Việt Nam làm bước đệm để thách thức “trùm thị trường” là Grab. Đây thực tế cũng là lựa chọn khả dĩ nhất, bởi Gojek đã không thành công tại Thái Lan, và cũng chưa thể hoạt động tại Philippines. Tại Việt Nam, Gojek tăng khuyến mãi, giảm giá cước để tăng thị phần, vô tình thúc ép Grab phải làm điều tương tự. Từ đây, cuộc chiến “đốt tiền” diễn ra, mà người hụt hơi trước sẽ là kẻ bị trừng phạt.
Gojek đến Việt Nam trong sự tham vọng rồi phải rời đi vì... hụt hơi. Ảnh: Asia Tech Review
Xét trên góc độ đầu tư, các khoản chi của Gojek từng cho quả ngọt. Tiềm năng mở rộng thị phần ra các nước lân cận đã giúp họ trở thành kỳ lân vào năm 2016, rồi gọi vốn thành công 2 tỷ USD vào năm 2019 – thời điểm được định giá khoảng 9.5 tỷ USD. Họ thậm chí có đủ vốn để khởi động các dự án khác, từ giải trí đến đầu tư.
Chia sẻ với Asia Tech Review, Gojek đã tin rằng việc xâm chiếm thị trường vốn đang bị Grab thống trị vẫn mang đến những thông điệp tích cực, qua đó giúp Gojek giữ vị thế là một kỳ lân đa thị trường và hỗ trợ kêu gọi vốn, thay vì giậm chân ở thị trường duy nhất là Indonesia.
Nhưng thời gian trôi đi, thời thế cũng đổi khác. Là một công ty đại chúng, Gojek dần phải cắt bỏ những bộ phận dư thừa và nặng nề, như con tàu vũ trụ tách bỏ các bộ phận không cần thiết khi đã bay ra ngoài không gian. Tokopedia, mảng thương mại điện tử của Gojek, đã bị bán cho TikTok vào cuối năm 2023 qua một thương vụ trị giá 1.5 tỷ USD.
Sau đó, Công ty tiến vào giai đoạn cắt giảm chi phí, nhằm tìm kiếm con đường có lợi nhuận. Tương tự, đối thủ của họ là Grab cũng từng bước cắt giảm các khoản chi. Và dù hồi đầu năm 2024, cả hai bên từng khẳng định đang hướng đến “EBITDA điều chỉnh” dương (adjusted EBITDA, hay thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình điều chỉnh) năm nay, nhưng con đường ấy với Gojek tỏ ra khắc nghiệt hơn.
Thực tế, những trận chiến “đốt tiền” khó lòng mang đến thành quả lâu bền. Sự cạnh tranh khốc liệt khiến thị trường trăm triệu dân trở thành miếng bánh “không dễ xơi” với các startup bị cuốn vào trận chiến này. Niklas Östberg, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Delivery Hero, chia sẻ với Reuters hồi tháng 08/2023 rằng ông đánh giá triển vọng tích cực đối với thị trường châu Á, ngoại trừ ở Việt Nam, nơi ông cho rằng hoạt động kinh doanh (mảng giao đồ ăn) “không bao giờ có lãi”, âu cũng vì câu chuyện đốt tiền mà ra.
Trận chiến giữa Grab và Gojek tại Việt Nam đã bước vào hồi kết, và kẻ hụt hơi là Gojek. Chuyện sẽ xảy ra tiếp theo với thị trường gọi xe, có lẽ chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Châu An (Tổng hợp)
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường