Khí chất người lính của nữ doanh nhân thắng kiện nhà thầu Trung Quốc
Bước ra từ chiến tranh, người nữ chiến sĩ Quân y thuở nào vẫn phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ, lập nên những chiến tích đặc biệt trên mặt trận thương trường. Đó là bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện lạnh (REE).
Có một điều khá đặc biệt ở Việt Nam, ngày lễ kỷ niệm thành lập Quân đội 22/12 được tổ chức tại rất nhiều doanh nghiệp. Đó là vì, rất nhiều doanh nhân ngày hôm nay vốn là người lính bước ra từ chiến trường. Trong chiến tranh, họ cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trở về thời bình, họ lại vẫn là chiến sĩ trên mặt trận mới, mặt trận kinh tế.
Nam giới thì rất nhiều vị, có thể kể tên như các ông Phan Văn Quý - Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Công ty TNHH Âu Lạc... Nhưng đặc biệt, có một nữ chiến sĩ Quân y, nay trở thành tỷ phú với những chiến tích đặc biệt trên thương trường, đó là Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh, bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Từ trọng trách đưa Xí Nghiệp quốc doanh cơ điện lạnh thành “ông kẹ” trên sàn chứng khoán
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968 khi mới chỉ 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư đoàn 9, Chiến khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức), bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được ông Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc Xí nghiệp đề nghị “kế vị”.
Bà Mai Thanh gắn bó với sự tiên phong của Xí nghiệp. Năm 1992, Xí nghiệp của bà Mai Thanh một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn xung phong thực hiện cổ phần hóa và đến năm 1993 thì trở thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Đây là tiền đề cho sự ra đời của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) ra đời từ đó.
Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động, với sự mạnh dạn của bà, REE tiếp tục tạo ra nhiều cột mốc khi là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên….
Nhờ sự dẫn dắt người lính quân y thuở nào, REE liên tục gặt hái nhiều thành tựu. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần REE đạt 3.565 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 66% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.242,2 tỷ đồng, giảm 4,5% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và đã hoàn thành 84,8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Sau quá trình tái cơ cấu, REE đầu tư mạnh vào các công ty sản xuất và kinh doanh điện, than và nước sạch qua các thương vụ M&A.
Tính đến hiện tại, REE đang nắm hơn 7.765 tỷ đồng tài sản thuộc lĩnh vực hạ tầng điện, nước, chiếm 43,3% tổng tài sản. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, mảng này ghi nhận đạt gần 758 tỷ đồng, chiếm 61% tổng lợi nhuận của REE.
Tính riêng mảng nước sạch, REE đầu tư liên kết vào 4 nhà máy nước sạch với tổng công suất thiết kế là 1,2 triệu m3/ngày. Đó là 3 nhà máy nước liên kết tại TP HCM, gồm: Nắm 42,07% nhà máy B.O.O Thủ Đức, nắm 40% Thủ Đức III (SWIC) và 32% vốn Tân Hiệp II (TH2W). Công ty còn sở hữu 35,95% vốn nhà máy nước sông Đà (thuộc Viwasupco).
Tại TP HCM, REE đầu tư một số công ty phân phối nước sạch như: Nắm 44,17% vốn CTCP Cấp nước Thủ Đức (mã TDW), nắm 20,05% CTCP Cấp nước Gia Định (mã GDW) và và 20,02% vốn CTCP Cấp nước Nhà Bè (mã NBW).
Trên sàn chứng khoán, mã REE của CTCP Cơ điện lạnh đã tăng trưởng 23,02% trong khi phiên giao dịch của năm 2019 chỉ còn 1 tuần nữa sẽ kết thúc. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua giao dịch chủ đạo là giằng co, không rõ xu hướng, cổ phiếu REE đã trở thành kênh sinh lời tốt cho nhà đầu tư. Ngoài ra, mã này cũng đang nằm trong nhóm VN30, nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TTCK Việt. Chốt phiên 20/12, vốn hóa REE đạt gần 11.100 tỷ đồng.
Đến chiến tích thắng kiện nhà thầu Trung Quốc
Tuy vậy, một trong những chiến tích đặc biệt nhất của bà Nguyễn Thị Mai Thanh là giúp Công ty Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH) thắng kiện tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc.
Cụ thể, REE mua cổ phần VSH đúng thời điểm doanh nghiệp vướng vụ kiện tụng với tổ hợp nhà thầu Trung Quốc liên quan đến vấn đề thi công tại Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (TKT).
Nguyên nhân do nhà thầu Trung Quốc không thực hiện đúng tiến độ thi công như đã cam kết, buộc VSH phải đình chỉ hợp đồng và tịch thu khoản bảo lãnh.
Dự án đã được tiến hành khởi công từ năm 2009, nhưng do chậm tiến độ, đã đội vốn từ giá trị đầu tư ban đầu là 5.744 tỷ đồng, đến năm 2015 điều chỉnh lên đến 7.408 tỷ đồng.
Nhưng sau đó phía đối tác Trung Quốc dừng công việc do cho rằng chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, còn VSH ngược lại cho rằng nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công.
Sau đó, nhà thầu Trung Quốc kiện VSH lên Trung tâm quốc Việt Nam (VIAC) và tháng 4/2019 được VIAC tuyên thắng kiện, buộc VSH phải thanh toán và bồi thường 2.163 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi nhà thầu Trung Quốc có chiến lược khởi kiện bài bản thì VSH tỏ ra khá lúng túng dẫn đến phát sinh chi phí pháp lý rất lớn. Tại thời điểm này, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn tại VSH.
Vì vụ kiện tụng của Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, SCIC đã thoái hết vốn tại VSH cho REE. Để sở hữu 21,01% tại công ty này, REE đã bỏ ra gần 700 tỷ đồng, trở thành thành cổ đông lớn thứ 2 sau EVN Genco 3, đồng thời chịu trách nhiệm giải quyết luôn vụ kiện tụng tại Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.
Khi đó bà Mai Thanh cho biết: “Phía Trung Quốc có khả năng thắng kiện khá cao, nhưng REE cũng quyết tâm không chịu thua vì đã tìm ra được các chứng cứ mới để lập luận nhà thầu này đã có những vi phạm pháp luật khi đầu tư tại Việt Nam”.
Với sự quyết tâm và nỗ lực từ bà, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 14/11/2019 đã có quyết định về việc huỷ hoàn toàn phán quyết trọng tài ngày 10/4/2019 của Hội đồng trọng tài buộc VSH phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỷ đồng cho tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc.
Bản thân bà Mai Thanh cũng chia sẻ lý do chấp nhận đầu tư vào VSH dù phải đương đầu với khó khăn. Theo đó, các nhà máy điện của VSH hoạt động khá hiệu quả, với tổng công suất 136 MW, nhưng sản lượng sản xuất điện đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ KWh/năm. Với mục tiêu mua cổ phần tại VSH, REE nhắm đến Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, công trình thủy điện cấp 1 với công suất 220 MW, khi đưa vào sử dụng, có thể sản xuất ra sản lượng điện bình quân là 1,094 tỷ KWh/năm.
Một điểm đặc biệt khác của Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum là tính hiệu quả về mặt sản xuất. Bởi nếu như các nhà máy thủy điện khác mất đến 2-3 m3, hay thậm chí Thủy điện Thác Mơ sử dụng 10 m3 nước để sản xuất ra 1 KWh điện thì Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum có địa hình với độ dốc lớn nên chỉ cần 1 m3 nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường