24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khác biệt trích lập dự phòng nợ xấu giữa ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân

Trong khi những ngân hàng quốc doanh như Vietcombank và Vietinbank có mức trích lập dự phòng tăng từ 35 - 39%, thì nhóm ngân hàng tư nhân lại giảm tới 10,7% so với cùng kỳ.

Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research ) vừa thống kê kết quả kinh doanh quý 3/2020 của 13 ngân hàng lớn trong hệ thống (ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, LienVietPostBank, MB, Techcombank, TPBank, SHB, Sacombank, Vietcombank, VIB, VPBank) cho thấy tác động của dịch Covid-19 dần dần được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng.

Cụ thể, chi phí dự phòng trong quý 3/2020 của các ngân hàng đã tăng 18% so với quý trước đó, phần lớn trong số đó được sử dụng cho mục đích xóa nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3 vẫn tăng lên 1,77% so với mức 1,68% trong quý 2. Trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu vẫn ở mức 90,6% từ mức 90% của quý trước đó.

Ngoại trừ Techcombank có tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,6%, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại khác đều tăng từ 0,2% -0,7%. Tổng nợ xấu tại ngày 30/9/2020 là 91,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước đó.

Đáng chú ý, có sự khác biệt đáng kể giữa mức trích lập dự phòng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân. Trong khi những ngân hàng như Vietcombank và Vietinbank có mức trích lập dự phòng tăng từ 35 - 39%, thì nhóm ngân hàng tư nhân lại giảm tới 10,7% so với cùng kỳ.

Điều này tạo ra sự khác biệt đáng kể tới lợi nhuận của ngân hàng. Những ngân hàng trích lập dự phòng lớn, chẳng hạn như Vietcombank, công bố lợi nhuận trước thuế giảm 21% so với cùng kỳ, trong khi đa phần các ngân hàng khác đều báo lãi lớn. SSI Research dự báo, chi phí dự phòng của ngân hàng có thể tăng nhanh trong quý cuối năm nay.

Cũng trong quý 3, lãi dự thu trên bảng cân đối kế toán ngân hàng tăng 6,4% so với quý trước và chiếm 1,31% tổng tài sản sinh lãi. Nếu lãi dự thu tiếp tục tăng, chất lượng tín dụng sẽ trở thành một vấn đề thách thức lớn với các nhà băng.

Lũy kế 9 tháng 2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng mà SSI Research nghiên cứu đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức 26,9% của cùng kỳ năm 2019, hoạt động của ngành ngân hàng vẫn vượt trội so với các ngành khác.

SSI Research nhận định, tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 có thể đạt mức từ 9% -10% và NHNN có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quý 4/2020. Lợi nhuận của một số ngân hàng do đó cũng sẽ tiếp tục tăng với NIM được cải thiện.

Mặc dù vậy, việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận của các ngân hàng và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi. Các rủi ro chính bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính và dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
24.95 +0.10 (+0.40%)
18.20 -0.10 (-0.55%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả