Kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu Bia Hà Nội-Thanh Hóa đang thế nào?
Chỉ 2 trong số 10 phiên gần đây, cổ phiếu THB có phát sinh giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và khối lượng cũng chỉ vỏn vẹn 1.200 cổ phiếu.
Ngày 27/10, đóng cửa phiên giao dịch, giá cố phiếu Công ty Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Mã cổ phiếu: THB) ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch toàn phiên là 200 cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, cổ phiếu THB đã thường xuyên duy trì tình trạng này. Thống kê, trong 10 phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu THB chỉ phát sinh giao dịch trong ngày 25 và 27/10 với khối lượng giao dịch 1.200 cổ phiếu.
Tương tự, trong khoảng thời gian 1 tháng qua, THB chỉ 7 phiên có phát sinh giao dịch, với tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch là hơn 4.000 cổ phiếu. Xét trong vòng 6 tháng trở lại đây, tổng khối lượng cổ phiếu THB giao dịch cũng chỉ vỏn vẹn khoảng 80.000 cổ phiếu, một con số rất khiêm tốn với khoảng 5,13 triệu cổ phiếu đang được nắm giữ bởi các cổ đông ngoài Nhà nước và với cổ phiếu có thị giá thấp như THB.
Về diễn biến thị giá cổ phiếu THB, tính từ đầu năm, sau khi tạo đỉnh mức 17,27 nghìn đồng/cổ phiếu ngày 22/3, giá cổ phiếu THB đã lao dốc xuống 12.200 đồng/cổ phiếu và vừa mới hồi phục lên mức 12.500 đồng/cổ phiếu theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10.
Việc một doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có thương hiệu trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc thù, có thể nói là "béo bở", thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như bia rượu, thì những diễn biến trên của cổ phiếu THB được cho là đáng tiếc so với tiềm năng của công ty.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin và qua đánh giá từ chuyên gia tài chính, thì số lượng cổ phiếu THB đang "thực sự" lưu hành, cùng kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều "nghi ngại" đã khiến nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu này.
Theo đó, về thành phần các cổ đông đang sở hữu THB, theo báo cáo quản trị bán niên 2022, ngoài số cổ phần tương đương 55% mà Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (HABECO) hiện đang nắm giữ, thì tổng số cổ phiếu THB mà các lãnh đạo của Bia Thanh Hóa cùng người nhà đang năm giữ khoảng 1,4 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 12,2%.
Cụ thể, ông Nguyễn Kiên Cường, Tổng Giám đốc cùng người nhà nắm 137,2 nghìn cổ phiếu THB; ông Lương Xuân Dũng, thành viên HĐQT cùng người nhà nắm 130 nghìn cổ; ông Lê Nguyên Hùng, Phó Giám đốc nắm 13,4 nghìn cổ; người nhà ông Phùng Sỹ Hữu, Kế toán trưởng nắm 13,5 nghìn cổ phiếu, cùng một số thành viên khác liên quan ban lãnh đạo công ty nắm giữ số lượng không đáng kể đến vài nghìn cổ phiếu.
Ngoài ra, theo tìm hiểu một cố đông lớn hiện đang nắm giữ 790 nghìn cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 6,91%. Cùng với đó một số nhà đầu tư yếu tố nước ngoài cũng đang nắm giữ khoảng 6,29% cổ phiếu THB.
Như vậy có thể thấy, lượng lớn cổ phiếu THB đang trong tình trạng "đóng băng", khi ngoài số cổ phần liên quan yếu tố nhà nước 55% được nắm giữ bới HABECO, thì những thành viên lãnh đạo công ty đang nắm giữ cùng một số cổ đông lớn đã chiếm tới hơn 80% và rất ít có giao dịch. Điều này khiến số cổ phiếu thực sự giao dịch ngoài thị trường của THB trở nên đậm đặc, giao dịch hạn chế, ít hấp dẫn với các nhà đầu tư tiềm năng.
Tiếp đó, về sản xuất kinh doanh, từ năm 2019 tới nay, doanh thu của Bia Thanh Hóa thường ghi nhận con số dao động trong khoảng từ 1.200 tỷ đến 1.500 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận tương ứng đều rất thấp. Cụ thể, năm 2019 Bia Thanh Hóa ghi nhận doanh thu 1.174 tỷ và 15,4 tỷ lợi nhuận; năm 2020 là 1.414 tỷ đồng và 3,07 tỷ đồng lợi nhuận và năm 2021, bia Thanh Hóa đã ghi nhận hơn 1.308 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ cũng chỉ ở mức 5,6 tỷ đồng.
Trong kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, Bia Thanh Hóa cũng ghi nhận kêt quả tương đối bết bát khi liên tiếp ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3 tháng liên tiếp. Để xử lý các khoản lỗ này, trong năm, THB đã phải bán thanh lý tài sản ở công ty con đề có thể ghi nhận chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dương.
"Qua phân tích các số liệu có thể thấy số cổ phiếu THB thực sự được đem ra giao dịch trên sàn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn số cổ phiếu này đang được các nhà đầu tư lớn nắm giữ, từ đó không tạo được nguồn cung hàng đủ lớn, thường xuyên để kích thích sự sôi động đối với giao dịch của THB.
Có thể về khía cạnh cung cầu, khi nguồn cung khan hiếm sẽ kích thích giá THB tăng, tuy nhiên, phân tích trong trường hợp này, kết quả kinh doanh và khả năng quản trị chi phí của đội ngũ lãnh đạo THB cũng không được tốt khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.
Bằng chứng nhiều năm qua THB liên tục ghi nhận doanh thu nghìn tỷ, điều này thể hiện tiềm năng rất lớn nhưng lợi nhuận lại rất thấp có khi chỉ vài tỷ, thậm chí như kết quả trong 9 tháng đầu năm 2022, ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm. Tất cả những yếu tố trên đã cộng hưởng gây nên tình trạng giao dịch hiện tại của THB", ông Đàm Quang Tiến, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset chia sẻ quan điểm.
Theo thông tin công bố, Bia Hà Nội hiện nắm 55% cổ phần của Bia Hà Nội- Thanh Hóa. Trong khi đó, Bộ Công Thương nắm 81,79% cố phần của bia Hà Nội.
Liên quan việc thoái vốn, Bộ Công thương đã trình Chính phủ về kế hoạch thoái vốn Nhà nước, và đang chờ quyết định cụ thể.
Kết quả kinh doanh của Bia Hà Nội Thanh Hóa nói riêng và của Công ty mẹ Bia Hà Nội (Habeco), cùng những diễn biến giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ là một trong những cơ sở căn cứ quan trọng, để xác định giá trị cổ phần mà Nhà nước thu được khi tiến hành thoái vốn trong thời gian tới.
Việt Phương
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường