Kéo dài thời hạn giảm 2% thuế VAT: Cần, nhưng chưa đủ?
Động thái đồng ý kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến tháng 6/2024 của Chính phủ, sau đề xuất của Bộ Tài chính, được giới chuyên gia nhận định là cần thiết tại thời điểm này.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng đầu năm 2024.
Trong đề xuất của Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT sẽ tiếp tục được thực hiện từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/06/2024, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Việc giảm thuế sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp nội dung đề xuất trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Đánh giá tác động đến thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25,000 tỷ đồng (khoảng 4,175 tỷ đồng/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2,700 tỷ đồng, giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1,475 tỷ đồng).
Trong 3 tháng (tháng 7, 8, 9/2023), chính sách giảm thuế VAT 2% đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11,700 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ.
Kéo dài việc giảm thuế VAT là cần thiết
Chuyên gia đánh giá, việc Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý bởi trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường, một số doanh nghiệp của Việt Nam hồi phục chưa thực sự mạnh mẽ và vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn, nên việc kéo dài việc giảm thuế VAT là cần thiết.
Bên cạnh việc kéo dài thời hạn giảm thuế VAT, vẫn còn nhiều chính sách có thể kích cầu chi tiêu. Trong đó, Chỉnh phủ đang xem xét cải cách tiền lương, tăng lương cơ bản từ 01/07/2024; giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, từ đó làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội kích cầu tiêu dùng, có thể giảm giá bán hàng hóa… từ đó làm cho người tiêu dùng tích cực hơn trong việc chi tiêu.
Thứ hai, bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi vì giá nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, chi phí vốn giảm đi. Đầu ra cũng sẽ bán hàng dễ dàng hơn, có cơ sở để kích cầu, khuyến mãi, để hạ giá thành sản phẩm.
Đối với Nhà nước, trước hết là kích thích được nhu cầu tiêu dùng của người dân, điều quan trọng là giảm được giá hàng hóa, làm giảm được chỉ tiêu về lạm phát trong thời gian tới vì giá hàng hóa rẻ đi.
Tất nhiên, bất lợi là làm hụt thu ngân sách Nhà nước, khó đảm bảo được nhu cầu chi tiêu của bộ máy; Nhà nước phải vay nợ nhiều hơn, để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, đầu tư công. Đây cũng là điều cần suy xét để cân đối sao cho phù hợp.
Cần nhưng chưa đủ
Tăng trưởng GDP quý 3/2023 là 5.33%, do đó việc kéo dài thời hạn giảm thuế VAT là cần thiết, nhưng có lẽ không đủ. Theo ông, có lẽ cần phải giảm thêm 3% nữa, nâng tổng mức giảm thuế lên 5%, có thể bắt đầu từ đầu năm 2024. Việc giảm thuế này có thể không chỉ kéo dài trong nửa đầu năm mà nên cho cả năm 2024 thì mới đủ lực kích thích tiêu dùng. Tại thời điểm này, thuế VAT có tác động, nhưng không đủ để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ.
Ngoài thuế VAT, còn một số chính sách khác như có thể giảm thuế trên thu nhập người dân, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Hiển nhiên, khi doanh nghiệp thua lỗ thì không cần phải nộp thuế, nhưng với tình trạng hiện nay, kể cả khi doanh nghiệp có lãi, cũng nên giảm thuế TNDN để các doanh nghiệp này có nhiều tiền hơn, dành đầu tư cho năm sau. TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cả 2 loại thuế suất này nếu được giảm, sẽ đẩy mạnh nhu cầu chi tiêu của người dân, nhất là thuế TNCN, vì người dân sẽ có nhiều tiền hơn.
Không tác động quá nhiều đến hành vi người tiêu dùng
Dẫn ví dụ 1 cá nhân mua hàng hóa trị giá 100,000 đồng, cộng thêm thuế VAT 10% thì tổng giá trị hàng hóa người tiêu dùng phải trả là 110,000 đồng. Nếu được giảm thuế VAT 2%, giá trị món hàng còn 108,000 đồng. Mức giảm này sẽ không tác động nhiều đến tâm lý tiêu dùng của người dân vì không chênh lệch nhiều, “và cũng không làm cho hầu bao của người dân rủng rỉnh hơn”.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT thể hiện việc Chính phủ đang cố gắng kích cầu.
Thực tế, khi mua hàng hóa, đa số người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến thuế VAT. Thêm vào đó, việc giảm từ 10% xuống 8% cũng không nhiều đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, vào các dịp lễ, Tết, các nhãn hàng lại khuyến mãi từ vài chục phần trăm trở lên, mới có tác dụng kích cầu.
Thay vào đó, Chính phủ có thể cân nhắc giảm thuế TNCN, hoặc giảm thuế VAT với tỷ lệ giảm lớn hơn từ 5-10% thì mới thực sự có tác dụng đến hành vi tiêu dùng, còn tỷ lệ hiện tại chưa tác động nhiều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận