menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Csg Tuyen Pro

J.P. Morgan của Việt Nam

Năm 1997, cố huyền thoại Steve Jobs quay trở lại chèo lái con thuyền Apple, thời điểm điêu đứng nhất của công ty, phá sản đã cận kề. May mắn thay, nhờ sự dang tay cứu giúp có chủ đích và đầy điên rồ đã tránh cho táo khuyết một kết cục bi thảm.

Huyền thoại Bill Gates, tổng tài của Microsoft đã rót 150 triệu USD để cứu sống Apple. Cùng với đó là tài năng thiên bẩm và sự mưu lược của mình, Steve Jobs đã giúp táo khuyết vực dậy, vượt lên trên mọi đối thủ trong ngành công nghệ và tất cả những gì sau đó đã thuộc về lịch sử.

Apple giờ đã là công ty lớn nhất quả đất, sự kỳ diệu được tạo ra chỉ trong hai thập niên ngắn ngủi, ngay sát bên bờ vực phá sản. Một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thương trường thế giới, không một công ty nào sánh bằng. Lúc này đây, táo khuyết là một đế chế bất khả chiến bại với hàng tỉ khách hàng trung thành mang lại hàng trăm tỉ đô la lợi nhuận mỗi năm.

Ngay tại nền kinh tế nhỏ bé mới nổi như Việt Nam vẫn luôn có những sự kỳ diệu trong kinh doanh, vô vàn câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ sau này. Điển hình trong đó, không thể không nhắc đến cái tên Techcombank (TCB), chễm chệ ở vị thế á quân của ngành ngân hàng, chỉ thua mỗi ông lớn Vietcombank (VCB). TCB vững chắc ở vị trí số 2 về giá trị vốn hoá, lợi nhuận…

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ để chúng ta thấy sự phi thường của TCB. Năm 2013, Vietinbank (CTG) ở vị trí số 2 của ngành ngân hàng, còn TCB thì đang ngụp lặn trong khủng hoảng, mọi chỉ số kinh doanh đều đi xuống, riêng cái rất xấu là trích lập dự phòng lại gia tăng. Lợi nhuận của TCB suy giảm thảm hại trong nhiều năm và chỉ còn 650 tỉ, bằng 1/10 của CTG lúc đó. Quá nhiều u ám, bi quan, không chỉ riêng TCB mà cả nền kinh tế hậu khủng hoảng.

Ấy vậy mà chớp mắt chỉ sau vài năm, TCB đã vượt lên trên mọi đối thủ (ngoại trừ VCB vô đối) để giành lấy ngôi vị á quân trong ngành ngân hàng với giá trị vốn hóa đạt 200 ngàn tỉ. Càng ngoạn mục hơn nữa khi lợi nhuận của TCB có thể vượt tỉ đô la trong năm tới, tăng gần 40 lần so với mức thấp năm 2013.

Sự thành công ngày hôm nay của TCB một phần công lớn thuộc về cựu CEO Nguyễn Đức Vinh, người đặt những viên gạch đầu tiên của đế chế. Dưới sự dẫn dắt của ông Vinh, TCB luôn sáng tạo, khác biệt và đột phá. Những năm đầu của thiên niên kỷ mới, nền kinh tế Việt Nam chập chững hội nhập, TCB sẵn sàng chi cả triệu đô la mua hệ thống Core Banking, chiếm tới ⅕ vốn điều lệ, qua đó trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet Banking.

Năm 2005, khái niệm cổ đông ngoại còn khá mới mẻ nhưng ông Vinh đã mời được tay chơi thuộc hàng đỉnh của đỉnh, có số má đích thực trên toàn cầu khi đó là HSBC trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 20% cổ phần của Techcombank. Mặc dù sau này thương vụ trên mang lại cay đắng cho HSBC nhưng thời điểm đó, đây là một vụ nổ Big Bang trong ngành tài chính Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Vinh xứng đáng là người làm thuê số 1 Việt Nam với mức lương triệu đô la. Điều này không cần phải bàn cãi vì tài năng của ông Vinh đã được thể hiện trọn vẹn nhất sau khi rời TCB để sang VPBank (VPB) vào năm 2012. Dưới sự lèo lái của ông Vinh, VPB từ một ngân hàng dưới mức trung bình, tương đối thấp kém đã lột xác hoàn toàn và lúc này đang nhăm nhe vị trí số 3 trong ngành ngân hàng - vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Là tác giả, linh hồn của những chiến lược chuyển đổi toàn diện mang đậm tính kỹ trị với dấu ấn cá nhân độc nhất vô nhị của ông Vinh mà không một CEO nội nào có được. Tại TCB là xây dựng hệ thống lõi, kết nối cổ đông ngoại và chiến lược TechcomOne dù có chút lỡ làng khi phải rời ghế nóng giữa chừng. Nhưng ở VPB, tài năng của ông Vinh được toả sáng rực rỡ khi đặt trọng tâm vào khách hàng cá nhân và SME. Quan trọng hơn cả là viên ngọc quý trị giá 3 tỉ USD mang tên FE Credit - chỉ mất 6 năm để xây dựng, thật đáng kinh ngạc.

Nhưng thành thực mà nói, sự tồn vong của Đông Ngô nằm trong tay chủ công Tôn Quyền bởi Chu Du có chết đi cũng sẽ có những tướng tài như Lã Mông hay Lục Tốn thay thế. Với Techcombank cũng vậy, không có ông Vinh sẽ có CEO khác ngồi vào ghế nóng, con tàu TCB vẫn băng băng tiến về phía trước. Người quan trọng nhất của TCB chính là chủ tịch, tỉ phú Hồ Hùng Anh.

Lọt top 10 tỉ phú trẻ nhất Đông Nam Á với tài sản 2.5 tỉ đô la, ông trùm ngành tài chính Việt Nam… tất cả những gì đẹp đẽ nhất, mỹ miều nhất cũng không đủ để vinh danh tỉ phú Hồ Hùng Anh. Đặc biệt hơn cả, là người còn rất trẻ nên mộng đế vương của tỉ phú Hồ Hùng Anh sẽ rất lớn. Tham vọng Techcombank trở thành đế chế vĩ đại, top 10 ngân hàng lớn nhất Asean, sáng ngang các ông lớn lâu đời hàng trăm năm của khu vực như DBS, UOB, Maybank…

Dòng máu chảy trong huyết quản mỗi con người Techcombank, đứng đầu là chủ tịch Hồ Hùng Anh là sự sáng tạo mang tính huỷ diệt. Đó cũng chính là ADN thành công của người khổng lồ trong ngành bán lẻ trực tuyến Amazon. Sáng tạo, tiên phong, dẫn dắt là khởi nguồn cho mọi thành tựu của TCB.

TCB triển khai dịch vụ internet banking đầu tiên tại Việt Nam. Là ngân hàng đầu tiên ký hợp đồng độc quyền với hãng bảo hiểm để từ đó mở ra xu hướng mới cho các ngân hàng VCB, ACB... với hợp đồng có phí trả trước lên tới hàng chục ngàn tỉ. Techcombank cũng là ngân hàng đầu tiên miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng, tạo ra một cơn địa chấn lúc đó và khởi đầu cuộc cách mạng cho toàn ngành ngân hàng mang tên CASA (tiền gửi không kỳ hạn).

Miễn phí chuyển tiền để tăng CASA là thả con săn sắt bắt con cá rô, nhưng tất cả đều thờ ơ, chỉ riêng TCB hiểu được huyền cơ trong đó. Năm 2017, CASA bình quân của ngành ngân hàng là 20%, TCB cũng chỉ 24%, hai nhà băng có tỉ lệ CASA vượt trội đều trên 30% là VCB nhờ thương hiệu quốc dân nổi tiếng và MBB có mối quan hệ thân thiết với Viettel & cán bộ quân đội trả lương qua đây.

Chỉ sau vài năm nhờ chiến lược đầy khôn ngoan của TCB đã thúc đẩy tỉ lệ CASA lên tới 46%, đứng đầu toàn hệ thống. Tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất gần như bằng 0, CASA tăng gấp đôi giúp lãi suất huy động giảm ½ so với trước kia chỉ còn 2% và thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Nhờ đó NIM (biên lợi nhuận) tăng rất mạnh lên mức 5.9%, vượt trội so với mặt bằng chung.

Nói một cách dễ hiểu, chi phí đầu vào giảm một nửa, giá bán giữ nguyên đồng nghĩa biên lợi nhuận tăng rất mạnh mà không cần tăng sản lượng.

TCB đứng đầu hệ thống ngân hàng ở rất nhiều chỉ số kinh doanh như CASA, ROA, nợ xấu... nhưng nổi bật trong đó chính là hệ số an toàn vốn CAR đạt 15.2%, vượt trội so với 10% bình quân của ngành và gấp 2 lần mức 8% theo quy định của ngân hàng hàng nước. CAR cao sẽ được tăng trưởng tín dụng cao, cũng vì thế TCB luôn được cấp hạn mức tín dụng vượt 20% mỗi năm, đảm bảo cho sự mở rộng mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Tăng trưởng cao trên 20% mỗi năm nhưng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, TCB đang làm rất tốt điều này khi tỉ lệ nợ xấu chỉ 0.4%, thấp nhất trong ngành, tỉ lệ bao phủ nợ xấu là 260%, vượt trội trong hệ thống và chỉ thua con số 350% của VCB. Chắc chắn một điều, không một ngân hàng nào có thể làm được như TCB, tăng trưởng cao nhưng nợ xấu thấp, chất lượng tín dụng tốt.

Chất lượng tín dụng phụ thuộc chất lượng khách hàng, TCB hiểu rõ điều này và chơi theo luật riêng của mình. Lựa chọn khách hàng, nghe có chút vô lý vì tìm khách không dễ, mấy ai dám lựa chọn theo ý mình nhưng đó là con đường đã chọn, là sự khác biệt, là ưu điểm vượt trội của TCB. Chỉ chơi với những khách hàng giàu có là sự lựa chọn, là mục tiêu đánh chiếm của TCB.

Hơn 40% dư nợ cho vay của TCB là khách hàng cá nhân giàu có, chủ yếu liên quan những khoản vay mua nhà thế chấp tại các dự án đắt đỏ của Vingroup hay Sun Group… Và cũng hơn 40% dư nợ dành cho khách hàng doanh nghiệp giàu có như MaSan, Vingroup… Tóm lại, chiến lược của TCB là tập trung vào nhóm khách hàng giàu có, đẳng cấp, những thành phần khác ít được chú trọng.

Nhà giàu có ưu điểm riêng của mình, đó là khả năng trụ vững lúc khó khăn giông bão như trong đại dịch vừa qua. Nền kinh tế suy giảm, thất nghiệp tăng cao, doanh nghiệp nhỏ bị phá sản nhiều… nhưng cá nhân giàu có vẫn đủ khả năng xoay sở cân đối dòng tiền và có khi còn giàu hơn khi tận dụng sự đi lên của thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp lớn như MaSan, Vingroup thậm chí nhờ đại dịch có thể nuốt chửng đối thủ cạnh tranh đang suy yếu để lớn mạnh hơn nữa vươn tầm châu lục.

Điều muốn nói ở đây là gì. Nhà giàu không bị mất khả năng chi trả các khoản vay, trụ vững với những cơn bão tầm trung như đại dịch vừa qua. Cũng vì thế mà nợ xấu của TCB vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không nhiều, có tăng nhưng ở mức chấp nhận được. Điều này giải thích cho tỉ lệ nợ xấu của TCB chỉ 0.4%, thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, tỉ lệ bao phủ lên tới 260%.

Tất nhiên, người khổng lồ nào cũng có điểm yếu, quan trọng là biết cách che chắn gót chân Achilles hay không. Đa số các khoản vay của khách hàng giàu có đều là cầm cố và liên quan tới bất động sản dù cho hạch toán sổ sách đúng hay lách luật. Thế nên điều đáng ngại nhất đối với TCB là khi thị trường bất động sản bị đóng băng, khi đó rất nhiều khoản vay sẽ trở thành nợ xấu. May mắn thay, trong vài năm tới thị trường bất động sản vẫn tương đối lạc quan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn thường vay tín chấp, thậm chí vay rất nhiều lên tới vài tỉ đô la như MaSan. Trong điều kiện bình thường thì không có gì để nói nhưng nếu khủng hoảng xảy ra như năm 2008, nền kinh tế bị tê liệt thì không chắc khủng long liệu có sống sót. Gã khổng lồ Daewoo của Hàn Quốc hiểu rõ điều này nhất khi trải nghiệm khủng hoảng 1997. May mắn thay (lại là may mắn cho TCB), trong vài năm tới Việt Nam vẫn là ngôi sao của Châu Á, thậm chí là toàn cầu, thế nên khái niệm khủng hoảng tương đối xa vời.

Là con sói cô độc, là người dẫn đầu, TCB phải luôn duy trì phong độ cao nếu không muốn bị bắt kịp bởi những kẻ theo sau. Sáng kiến miễn phí chuyển tiền để tăng CASA đã lạc hậu, cả hệ thống ngân hàng học theo rất nhanh. Kết hợp với hãng bảo hiểm để bán chéo sản phẩm không còn mới mẻ, các nhà băng lớn đang làm rất tốt điều này. Tập trung vào khách hàng giàu có không còn là đặc quyền của TCB, điển hình là cho vay mua xe hơi của VIB…

Một mình trên đỉnh đôi khi là vô vị, độc cô cầu bại có gì vui, cạnh tranh mới tạo ra sự phát triển. TCB luôn sẵn sàng tham chiến tại những trận địa mới với những đối thủ không hề xa lạ. Cuộc thập tự chinh lần hai của TCB bắt đầu kể từ giây phút này, mở đầu sẽ là trận đánh mang tên Bancassurance. Tái đàm phán hợp đồng bảo hiểm đã lạc hậu dự kiến sẽ mang lại ít nhất 10 ngàn tỉ phí trả trước cho TCB, một khoản tiền tươi khá khá và rất đáng giá.

Trận đánh long trời lở đất tiếp theo của TCB là kết hợp với 10.000 siêu thị Vinmart (dự kiến) của MaSan để tạo ra hệ thống giao dịch rộng khắp toàn quốc. Hiện nay TCB có 300 điểm giao dịch, nếu kết hợp với MaSan con số sẽ lên tới hàng chục ngàn. Mục tiêu của đôi bạn tỉ phú chính là 30 triệu khách hàng vùng nông thôn, những nơi kém phát triển ít có khái niệm về ngân hàng, chưa từng tiếp cận tài chính đỉnh cao như thẻ tín dụng, thẻ thanh toán…

Mỏ vàng nông thôn trị giá 2 tỉ đô la CASA, 1.5 tỉ USD cho vay tiêu dùng, 6 tỉ USD giao dịch qua trung gian thanh toán… Đây được coi là viên trân châu vô cùng tiềm năng của TCB và nó đáng giá gấp bội viên ngọc FE Credit trị giá 3 tỉ USD mà VPB đang sở hữu.

Nhưng quy định hiện hành không cho phép TCB mở hàng loạt điểm giao dịch. Vì thế phải chờ 2,3 năm tới để ngân hàng nhà nước sửa đổi quy định, tương tự như tại Thái Lan trước kia, lúc đó TCB mới có thể kết hợp với MaSan khai thác mỏ vàng tiềm năng kia. Tất nhiên, sẽ có thất bại nếu không được chuẩn bị chu đáo, bài học nhãn tiền là ngân hàng Bưu điện Liên Việt dự tính kết hợp với hàng chục ngàn điểm của bưu chính nhưng chẳng đi tới đâu.

Công bằng mà nói, trong thập niên tới ngành ngân hàng Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phát triển, dư địa thị trường rất lớn. Trái ngược với các nước trên thế giới hay trong khu vực đã đi trước chúng ta hàng chục năm. Hệ thống ngân hàng nội tuy đã lớn mạnh nhưng tỉ lệ tiếp cận của người dân còn rất thấp. Chỉ 4% dân số có thẻ tín dụng, 30% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng trong khi các nước phát triển thì con số này đã là 90%, bao phủ toàn dân.

Tại các nước phát triển, doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào ngân hàng vì có nhiều kênh huy động vốn, đa dạng như trái phiếu, cổ phiếu… Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai và khái niệm tiếp cận vốn qua đây tương đối mơ hồ. Doanh nghiệp chỉ có cách duy nhất để vay vốn làm ăn là thông qua ngân hàng. Cũng vì thế, trong nhiều năm tới sự bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam, tăng tốc của hàng triệu doanh nghiệp sẽ gắn liền với hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng hàng năm sẽ vượt 14% là điều chắc chắn.

Tóm lại, trong vài năm tới hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng cho vay ít nhất là 14% mỗi năm, TCB sẽ được hạn mức cao hơn và tối thiểu cũng 21%.

Tham vọng của chủ tịch Hồ Hùng Anh đối với TCB là rất lớn, mục tiêu gần nhất là vốn hóa 20 tỉ USD, gấp 3 lần hiện nay và lọt vào Top 10 ngân hàng lớn nhất của Asean.

Khó nhưng vẫn có thể đạt được mục tiêu nếu TCB tăng trưởng liên tục 25% trong vài năm tới. Điều này khả thi nhờ tăng trưởng tín dụng của TCB luôn ở mức cao vượt trội, tỉ lệ CASA ngày càng tăng và sẽ vượt 55% giúp giảm chi phí vốn. Nguồn tài nguyên vô giá là hơn 9 triệu khách hàng giàu có để tăng khả năng bán chéo sản phẩm, qua đó thúc đẩy thu nhập ngoài lãi vượt 30%.

Thật thiếu sót nếu bỏ qua hệ sinh thái tuyệt vời, đẳng cấp và đúng nghĩa của Techcombank với MaSan và Vingroup. Những người anh em Đông Âu, sau khi hồi hương đã trở thành những tỉ phú giàu nhất Việt Nam. Mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh cùng tiến về phía trước. Doanh nghiệp cần vốn, ngân hàng muốn tệp khách hàng giàu có, mọi yêu cầu được kết hợp vô cùng hài hoà.

Những dự án bất động sản của Vingroup cần tiền sẽ được đáp ứng bởi TCB. Ngược lại, TCB sẽ bao thầu mọi khoản vay đối của những người mua nhà tại dự án của Vingroup, đồng nghĩa tất cả những khách hàng giàu có tại đây đều thuộc về TCB. Nói tới đây chúng ta đã mường tượng ra được vấn đề.

Hoàn hảo, đó là về mặt phân tích cơ bản của TCB, nhưng với đầu tư tài chính thì định giá cổ phiếu cũng rất quan trọng, nếu tốt mà giá quá đắt thì chưa chắc là khoản đầu tư hời. Nhưng đắt hay rẻ phụ thuộc rất lớn vào tâm lý của người chơi, lúc vui thì giá tận mây xanh như năm 2007 cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc có định giá PB lên tới 7 lần, nhưng lúc buồn thì chỉ nhìn thấy giấy vụn.

Việt Nam cũng chả khá hơn bao nhiêu, lúc vui thì TCB được định giá PB 3 lần, PE 20 lần vào năm 2018, nhưng chỉ 2 năm sau định giá lại rẻ bất ngờ, PE chỉ 8 lần và PB là 1 lần. Tất nhiên cũng có lý do cho việc tâm lý bị thay đổi nhưng có những lúc nó rất trời ơi đất hỡi, hư hư thực thực.

Ngay lúc này đây, TCB có định giá PB 1.8 lần và PE 10 lần. Dân ta bảo chỉ vậy thôi, nó ngang mức bình quân ngành ngân hàng rồi. Tay lông thì suy nghĩ khác, chỉ là nó ko thèm nói ra mà cũng không thèm bán một cổ TCB nào.

Nếu bình thường cổ phiếu TCB sẽ được tranh cướp như VNM hay MWG khi xưa bởi tiềm tăng giá trong dài hạn. Nhưng TCB có điểm yếu là thuộc nhóm ngân hàng, mà nhóm này thì cổ cánh nhiều như quân nguyên. Cái gì hiếm mới quý, mà đằng này thì…

Kết luận đầu tư: Mua TCB cho đầu tư dài hạn. Ngắn hạn và lướt sóng dựa vào phân tích kỹ thuật, khó quá thì dùng quyền trợ giúp gọi cho người thân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Csg Tuyen Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

10 Yêu thích
5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại