Hụt dòng tiền ở CII
Hoạt động kinh doanh cốt lõi kém khả quan cộng với nguồn tiền cho đầu tư, sản xuất kinh doanh liên tục thiếu hụt, buộc CII liên tục phát hành trái phiếu để trả nợ vay.
Tổng dư nợ trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) tính đến 30/6/2021 gần 6.397 tỷ đồng. Đây là gánh nặng nợ rất lớn đối với CII.
Kết quả ảm đạm
CII vừa công bố BCTC quý 2/2021. Riêng quý 2, doanh thu thuần đạt 1.069 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong kỳ, CII có 246 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm nhẹ so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi vay tăng cao, khiến chi phí tài chính tăng 12,7%. Hoạt động liên doanh liên kết lỗ gần 12 tỷ đồng...
Sau khi trừ các khoản chi phí, CII chỉ lãi sau thuế 56,8 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt gần 13 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, CII đạt 2.032 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 80%, và lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, giảm 72,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, CII đặt kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt 6.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 615 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 2, CII mới chỉ hoàn thành được 17% kế hoạch lợi nhuận.
6.397 tỷ đồng là tổng số dư nợ trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM tính đến 30/6/2021.
Gánh nặng nợ vay
Tính đến cuối quý 2, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII tăng thêm 5,6% so với đầu năm nay, lên 17.500 tỷ đồng, chiếm 57,8% tổng tài sản. Lịch thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng 1 năm là 874,6 tỷ đồng, trong khi lịch thanh toán các khoản trái phiếu là 1.111 tỷ đồng.
Các chủ nợ lớn nhất của CII tính trên các khoản nợ ngắn hạn là VPBank (692 tỷ đồng), HDBank (401 tỷ đồng), BIDV (225 tỷ đồng). Nghiệp vụ đầu tư chứng khoán cũng được CII rất chú trọng, khi tổng nợ tại các công ty chứng khoán của Công ty lên tới hơn 367 tỷ đồng.
Về nợ dài hạn, ngoài các khoản vay bằng trái phiếu, CII còn có các khoản vay tại ngân hàng và một số cá nhân, tổ chức với giá trị là 6.677 tỷ đồng. Trong đó, nợ tại VietinBank là 3.494 tỷ đồng, BIDV 1.443 tỷ đồng, TPBank 701 tỷ đồng và HDBank 442 tỷ đồng.
Phát hành trái phiếu để cấn trừ nợ
Để thu xếp dòng tiền trả nợ nhà băng, CII không còn cách nào khác là đẩy mạnh phát hành trái phiếu để cấn trừ nợ. CII vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm.
Đối với số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, CII dự kiến sẽ sử dụng 265 tỷ đồng để thanh toán gốc vay tại VPBank; 235 tỷ đồng đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận và dự án Xa lộ Hà Nội.
Kể từ đầu năm đến nay, CII là một trong những doanh nghiệp “chăm chỉ” phát hành trái phiếu. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét năm 2021 của Công ty cho thấy, trong nửa đầu năm, CII đã thanh toán 776 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu, nhưng có 3 đợt phát hành trái phiếu để vay thêm 1.041 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, chi phí mà phần lớn doanh nghiệp phải chịu khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp không hề rẻ khi lãi suất lên tới 13 - 15%/năm. Đối với các doanh nghiệp liên tục âm dòng tiền như CII, lãi suất trái phiếu có thể sẽ càng tăng. Đây là gánh nặng nợ rất lớn đối với CII trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận