HoSE ‘chạy nước rút’ cấp phép niêm yết tháng cuối năm
Ảm đạm trong gần như cả năm, vào tháng cuối năm, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM bất ngờ cấp quyết định niêm yết cho 4 đơn vị, gồm 1 ngân hàng, 1 quỹ đầu tư và 2 doanh nghiệp.
Trong tháng 12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) liên tiếp cấp quyết định niêm yết cho 4 tân binh. Đó là Ngân hàng TMCP Nam Á, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 5 và Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na.
Các đơn vị khác chưa có ngày và giá phiên giao dịch đầu tiên, riêng Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 5 (mã: TVGF5) đã có ngày giao dịch đầu tiên là vào 29/12, giá tham chiếu 10.100 đồng/chứng chỉ quỹ, biên độ giao động +/- 20%. Khối lượng niêm yết đạt 17,28 triệu chứng chỉ quỹ.
Quỹ này thuộc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM), là quỹ đóng với thời hạn hoạt động 5 năm, được thành lập vào tháng 8. Quỹ có chiến lược đầu tư đa dạng vào cổ phiếu niêm yết và sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán, danh mục dự kiến có từ 8 đến 15 cổ phiếu. Tại ngày 21/12, giá trị tài sản ròng của quỹ đạt 181,8 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã: HNA) – công ty con của PV Power (mã: POW) thông báo hủy đăng ký giao dịch 235,2 triệu cổ phiếu tại HNX vào ngày 28/12, ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 27/12. Lý do là cổ phiếu công ty đã được chấp nhuận niêm yết trên HoSE từ ngày 1/12.
Thủy điện Hủa Na là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Hủa Na trên thượng nguồn sông Chu thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhà máy công suất thiết kế 180 MW, gồm 2 tổ máy với tổng đầu tư 7.093 tỷ đồng, đã vận hành từ 2013.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, tính đến 30/9, quy mô tài sản nhà máy đạt 3.575 tỷ đồng, tài trợ bằng 89% vốn chủ sở hữu, nợ vay chỉ còn 240 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào điều kiện thủy văn. Năm 2022, lợi nhuận đạt kỷ lục 583 tỷ đồng nhờ thời tiết thuận lợi. Sang 9 tháng năm nay, lợi nhuận giảm sâu 37% xuống 152 tỷ đồng.
Đơn vị tiếp theo được HoSE cấp quyết định niêm yết là Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel – Viettle Post (mã: VTP), ngày nhận quyết định 21/12. Viettle Post là “con cưng” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tỷ lệ sở hữu 60,8% vốn, hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát, không chỉ trong nước công ty cũng đã lập công ty con tại Cambodia (Mygo Cambodia) và Myanmar (Mygo Myanmar).
Công ty ghi nhận doanh thu đột biến từ 2020 khi tiếp nhận gần 300.000 điểm bán từ Viettel Telecom, tăng thêm nguồn thu từ bán sim thẻ, vé máy bay, dịch vụ viễn thông, các dịch vụ vận hành quản lý cửa hàng. Tuy nhiên, lợi nhuận đi xuống sau khi đạt đỉnh vào 2020.
Nguyên nhân là do mảng mới có biên lợi nhuận thấp. Do vậy, công ty chủ động thu hẹp để tập trong vào hoạt động cốt lõi chuyển phát và logistics. Theo đó, quy mô mảng bán hàng đi xuống, tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu từ 66% năm 2021 xuống 50% 9 tháng 2023. Ngược lại, mảng cốt lõi là chuyển phát và dịch vụ logistics tăng đóng góp từ 33,6% lên 50%.
9 tháng, doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm 11,6% xuống 14.483 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 7,2% ên 276 tỷ đồng.
Tiếp theo, NamABank là ngân hàng duy nhất được chấp thuận niêm yết HoSE trong năm nay. Hơn 1 tỷ cổ phiếu NAB hiện giao dịch trên UPCoM ở vùng giá 15.000 đồng/cp. Nhà băng triển khai kế hoạch chuyển sàn từ tháng 8 và đến 21/12 nhận được chấp thuận từ HoSE.
Ngân hàng Nam Á thuộc nhóm ngân hàng tầm trung của ngành với hoạt động tập trung chủ yếu ở khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tính đến 30/9, ngân hàng có 1 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Nam Á và 239 điểm giao dịch trên toàn quốc. Ngân hàng có kế hoạch thành lập hoặc mua lại công ty trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản, bảo hiểm, kiều hối…
Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý III đạt 206.751 tỷ đồng, tăng 16,43% so với đầu năm. Huy động 185.232 tỷ đồng, tăng 16%, dự nợ tín dụng cho vay khách hàng 132.249 tỷ đồng, tăng 10,63%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 1.632 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
HoSE là sàn chứng khoán có tiêu chuẩn cao, minh bạch, đích đến của hầu hết các doanh nghiệp khi quyết định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Giá trị giao dịch trên HoSE chiếm đến 90% toàn thị trường. Hoạt động niêm yết HoSE rất sôi động vào 2020 khi có 31 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được cấp phép. Song, hoạt động này ảm đạm trong 2 năm nay. Năm 2022 ghi nhận 8 và năm 2023 là 11 tổ chức được cấp quyết định niêm yết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận