menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Họp ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Chi phí nhiên liệu tăng nhanh hơn doanh thu

Vietnam Airlines dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước.

Ngày 28/6, Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ. Cổ đông thông qua kế hoạch năm nay với doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng nhưng công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Ngoài ra, Vietnam Airlines đặt kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá thị trường Việt Nam sẽ có nhiều tích cực vì Chính Phủ đã mở cửa trở lại, nối lại các đường bay nội địa và một số đường bay quốc tế. Tuy nhiên, thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn vì diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, hiệu quả vaccine suy giảm mạnh cùng với giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Công ty dự báo lượng khách di chuyển sẽ chủ yếu là người Việt, chuyên gia. Nhóm khách nước ngoài chiếm 90% tổng số khách hàng của hãng vẫn chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines dẫn lại dự báo thị trường hàng không thế giới đến cuối năm 2024 mới phục hồi.

Sáu tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đường bay quốc tế đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngày 15/6, hãng mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Vietnam Airlines đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.

Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Từ tháng 11 tới các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023 có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.

Nhiệm vụ trọng tâm của Vietnam Airlines năm nay đó chính là tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong đó doanh nghiệp hàng không này sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu, cùng với đó là chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên. Hiện Vietnam Airlines có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.

Về phương án tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines (PA), ông Đặng Triệu Hòa cho biết đến tháng 6/2022, tình hình tài chính rất nghiêm trọng. Dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe doạ mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Quý I, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Quantas Asia Investment Company (Singapore) Pre Limited tại Pacific Airlines tặng cho tổng công ty để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp chính quyền để xử lý.

Nhìn lại năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất 29.752 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế là 13.279 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy lên 21.961 tỷ đồng. Chính vì vẫn lỗ nên Vietnam Airlines sẽ không chia cổ tức 2021.

Tại đại hội, cổ đông sẽ thông qua việc miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Tomoji Ishii do có đơn từ nhiệm ngày 31/3. Doanh nghiệp này sẽ tiến hành bầu bổ sung Hiroyuki Kometani để thay thế. Ông Hiroyuki sinh năm 1965, quốc tịch Nhật Bản, hiện đang là Phó Chủ tịch cấp cao của Ana Holdings - đối tác chiến lược của Vietnam Airlines.

- Hết quý I công ty âm vốn chủ sở hữu mà chưa có kế hoạch tăng vốn nguồn tiền hoạt động năm nay sẽ lấy ở đâu để duy trì hoạt động?

- Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền: Hậu quả của 2 năm Covid là đối với Vietnam Airlines là rất nặng nề. Lỗ lũy kế năm 2021 đã xấp xỉ 1 tỷ USD. Việc này đã ảnh hưởng đến vốn chủ và dòng tiền hoạt động kinh doanh. Với giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có việc được phép phát hành cổ phiếu giúp vốn chủ sở hữu không âm trong năm 2021. Tuy nhiên đến hết quý I, doanh nghiệp âm vốn chủ. Vietnam Airlines đã xây dựng đề án để tháo gỡ khó khăn, trong đó có những giải pháp như có thể tăng vốn hoặc thu nhập để thoát âm vốn chủ sở hữu. Ông kỳ vọng đề án sẽ sớm được các cơ quan quản lý phê duyệt.

Về đề án tái cơ cấu, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và xin thêm hỗ trợ từ Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu. Thứ hai sẽ là bán các tài sản. Vietnam Airlines sẽ đổi mới nhanh hơn đội tàu bay để giảm chi phí, tăng chất lượng dịch vụ. Công ty đã lên kế hoạch bán 29 tàu bay để hỗ trợ khắc phục hậu quả của Covid-19.

Về nguồn tiền duy trì hoạt động, dòng tiền của Vietnam Airlines đang cải thiện rất nhanh. Hiện bình quân 1 ngày thu về 80% số tiền so với trước dịch mặc dù thị trường quốc tế mới phục hồi khoảng 20%. Công ty đã có phương án xây dựng dòng tiền để duy trì khả năng thanh toán. Ngoài ra, hãng hàng không này cũng đã đạt được những thỏa thuận với các chủ nợ để dãn thời gian thanh toán với các khoản nợ. Vì vậy, dòng tiền vẫn được đảm bảo và duy trì hoạt động một cách bình thường.

- Những vước mắc trong việc tái cơ cấu Pacific Airlines là gì?

- Ông Trần Thanh Hiền: Công ty đang có nhiều vướng mắc trong việc chuyển nhượng vốn vì là doanh nghiệp Nhà nước. Hiện đã tìm được một vài nhà đầu tư tiềm năng nhưng cơ chế rất phức tạp vì Pacific Airlines là doanh nghiệp đặc biệt khi đang lỗ lớn. Công ty đang xin cơ chế Nhà nước để lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở công khai, minh bạch. Đây là vướng mắc trong việc vận dụng cơ chế chính sách.

- Tại sao doanh thu công ty mẹ tăng nhưng khoản lỗ không giảm tương ứng?

- Ông Trần Thanh Hiền: Vế kế hoạch năm nay, có những yếu tố tích cực như thị trường phục hồi nhanh hơn dự báo. Đây là cơ hội tốt cho hãng hàng không này. Doanh thu năm nay của công ty mẹ dự kiến trên 45.000 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Dòng tiền dự kiến sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực lại nhiều. Thứ nhất là giá nhiên liệu cao, theo dự báo bình quân giá dầu năm nay có thể đạt 138 - 140 USD/thùng, gấp đôi so với năm trước. Nhiều hãng hàng không đã phải dừng bay, giảm hàng loạt chuyến bay. Giá nhiên liệu vẫn tiếp tục tăng thì công ty có thể lỗ thêm. Hiện nay giá dầu đã lên mức lên trên 160 USD/thùng, nếu còn tăng thêm thì chi phí hoạt động có thể tăng thêm 4.300 tỷ đồng, cao hơn giá mà công ty dự tính. Mặc dù doanh thu tăng nhưng chi phí nhiên liệu còn tăng mạnh hơn. Hiện chi phí nhiên liệu nếu đạt mức 133 USD/thùng thì đã chiếm 40% chi phí bay. Tuy nhiên nếu vượt mốc 160 USD/thùng thì chi phí bay có thể tăng lên xấp xỉ 50%.

Thứ 2 là ảnh hưởng về biến động tỷ giá, lãi suất là xung đột Nga - Ukraine không biết bao giờ kết thúc. Vì vậy mức lỗ gần 10.000 tỷ đồng cũng là một kế hoạch thách thức với công ty.

- Giá dầu tăng công ty sẽ quản trị rủi ro như thế nào?

- Ông Trần Thanh Hiền: Vietnam Airlines đã từng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai việc quản trị rủi ro giá dầu, từ những năm 2010. Tuy nhiên thị trường đã thay đổi khiến quản trị giá dầu là một con dao hai lưỡi. Nếu coi đây là phương án để giảm chi phí thì sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa cho phép thực hiện điều đó, giá dầu lên cao như bây giờ quản trị rủi ro càng khó. Công ty sẽ làm tất cả để giảm chi phí hoạt động.

- Giải pháp của công ty để cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết?

- Ông Đặng Ngọc Hòa: Hết quý I công ty đã âm vốn chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết. Hiện nay, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ, vượt 3% so với trước dịch. Tuy nhiên khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm chỉ 20% so với trước dịch. Còn gần 80% đường bay quốc tế chưa khai thác lại được.

Năm nay nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Hãng hàng không sẽ triển khai đồng thời nhiều giải pháp. Từ giờ đến cuối năm không có biến thể mới xuất hiện thì vẫn duy trì được dòng tiền tăng trưởng. Công ty sẽ giảm chi phí, tái cơ cấu câc khoản nợ, đưa chuyển đổi số để tối ưu hóa chi phí, tái cơ cấu tổ chức cho gọn nhẹ. Hãng đã giảm hơn 100 phòng ban trong thời gian qua, khiến bộ máy gọn nhẹ hơn.

Công ty cũng đang tìm giải pháp tăng doanh thu. Vietnam Airlines đã mở các đường bay quốc tế từ 15/3, tạo ra nguồn tiền để tổ chức hoạt động kinh doanh. Từ giờ đến cuối năm, ngoài việc khai thác lại các đường bay, doanh nghiệp này sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không, đẩy nhanh cả việc thoái vốn. Nếu thực hiện được sẽ giải quyết việc âm vốn chủ sở hữu trong năm nay. Ngoài ra, hãng sẽ tiếp tục bán máy bay mà năm 2021 chưa thực hiện thành công. Trong đề án, công ty sẽ lên kế hoạch tăng vốn cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ trong giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu bù đắp lỗ lũy kế, tăng thu nhập cho nhân viên.

- Việc cơ cấu đội tàu bay diễn ra như thế nào?

- Ông Trần Thanh Hiền: Công ty đã lên kế hoạch bán 29 máy bay, trong đó có 23 tàu bay Airbus A321 và 6 tàu bay ATR 72. Năm 2021, công ty mới bán 2 máy bay. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch, có thể bán đứt hoặc cho thuê lại, hỗ trợ cho dòng tiền, khắc phục hậu quả Covid.

- Vietnam Airlines có tính toán gì khi vé máy bay nới trần?

Ông Lê Hồng Hà: Giá trần sẽ được tăng theo giá nhiên liệu. Lúc xây dựng giá trần thì giá dầu mới ở mức 80 USD/thùng. Giá dầu hiện đã gấp đôi. Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài Chính nới giá trần - xây dựng thực tế trên giá nhiên liệu. Ngoài ra, thị trường nội địa đang cực kì cạnh tranh. Việc xin phụ thêm chi phí nhiên liệu có thể gia tăng doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra hãng hàng không cũng muốn nới biên độ giá để tăng tính cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội khai thác.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại