Hoàng Anh Gia Lai muốn giảm lỗ lũy kế bằng thặng dư vốn
Bầu Đức đã gửi thư tới các cổ đông chia sẻ về định hướng phát triển của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và kế hoạch tái cơ cấu tài chính, theo đó, tình hình nợ của HAGL cũng đã giảm đáng kể.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa xin ý kiến cổ đông về nội dung sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính. Đây là bước tiếp theo trong quá trình tái cấu trúc của HAGL kéo dài nhiều năm qua.
Đến cuối quý II, HAGL đang lỗ lũy kế hơn 7.548 tỷ đồng và có thặng dư vốn cổ phần là hơn 3.263 tỷ đồng. Như vậy, nếu dùng hết thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế thì phần lỗ còn lại mà HAGL tiếp tục ghi nhận là hơn 4.284 tỷ đồng.
Trong thư gửi cổ đông mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ về định hướng phát triển của công ty và kế hoạch tái cơ cấu tài chính, trong đó, cơ bản hoàn thành và tình hình nợ của HAGL cũng đã giảm đáng kể.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL cho biết ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty là chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Về mảng chăn nuôi, HAGL dự kiến hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 lợn nái sinh sản và 300.000 lợn thịt xuất chuồng mỗi năm.
Về mảng trồng cây ăn trái, công ty dự kiến đầu tư duy trì khoảng 10.000ha trồng cây các loại. Trong đó tính đến thời điểm này thì công ty đã cơ bản hoàn được 5.000ha trồng chuối tại Việt Nam, Lào và Campuchia, dự kiến năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/ha.
Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng tiết lộ về việc cơ cấu tài chính, trong đó tình hình nợ đã giảm đáng kể, chỉ còn chủ yếu nợ trái phiếu tại BIDV.
Tập đoàn HAGL có kế hoạch tiếp tục thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn tất nợ trái phiếu trước cuối năm 2025.
Về tình hình kinh doanh, sau 8 quý thua lỗ liên tiếp, HAGL đã có lãi trở lại do không còn phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi và những thay đổi trong cơ cấu hoạt động kinh doanh, đặc biệt không còn hợp nhất HAGL Agirco.
Sau 6 tháng đầu năm, HAGL đạt 801 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng 28 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ ròng 1.156 tỷ đồng.
Kế hoạch tái cơ cấu của HAGL đã có kết quả bước đầu khi dư nợ vay của công ty giảm đáng kể. Tổng nợ vay ngắn hạn giảm mạnh từ 8.772 tỷ xuống còn 1.485 tỷ đồng. Dư nợ vay dài hạn cũng giảm đáng kể từ 9.330 tỷ đồng xuống còn hơn 6.794 tỷ đồng. Trong đó, HAGL đã tất toán hết 1.833 tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng BIDV.
Các chủ nợ lớn của HAGL gồm ngân hàng Sacombank (524 tỷ đồng), Eximbank (678 tỷ đồng), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ đồng), TPBank (192 tỷ đồng)... Ngoài nợ ngân hàng thì dư nợ trái phiếu của HAGL là hơn 6.481 tỷ đồng trong đó 6.114 tỷ đồng là nợ trái phiếu dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận