Hoa Sen Group vượt 2,2 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm
Tháng 6/2021, lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE:HSG) tăng 435%. Lũy kế 9 tháng theo niên độ tài chính 2020-2021, Tập đoàn đã hoàn thành gấp 2,3 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 6/2021 và lũy kế 9 tháng niên độ tài tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 đến 30/6/2021).
Giá tôn thép tăng phi mã khiến Hoa Sen tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục về lợi nhuận. Trong tháng 6/2021, sản lượng tiêu thụ của công ty đạt 175.500 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế riêng tháng 6/2021 của Tập đoàn đạt 562 tỷ đồng, tăng 435% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trong cả quý 3 của niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/4/2021 đến 30/6/2021), Tập đoàn Hoa Sen đạt sản lượng tiêu thụ 615.000 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ và tăng 13% so với quý liên kề; doanh thu đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ và tăng 20% so với quý liền kề. Trong quý, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 435% so với cùng kỳ và tăng 64% so với quý liền kề.
Lũy kế 9 tháng theo niên độ tài chính 2020-2021, sản lượng tiêu thụ hợp nhất của Tập đoàn đạt gần 1,7 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ và hoàn thành 94% kế hoạch cả năm. Doanh thu đạt gần 33.000 tỷ đồng, hoàn thành cơ bản kế hoạch cả năm (99,8% kế hoạch năm). Tuy nhiên, lợi nhuận công ty đạt 3.371 tỷ đồng, tăng 381% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 2,2 lần kế hoạch cả năm (kế hoạch lợi nhuận ca năm là 1.500 tỷ đồng).
Từ cuối năm 2020 đến nay, lĩnh vực xây dựng phục hồi mạnh trở lại và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp dịch Covid-19, nhu cầu tôn thép vì vậy cũng tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá. Động lực tăng giá thép còn do nhu cầu thế giới tăng vọt, giá thép trên thế giới cũng liên tục đi lên. Đây chính là nguyên nhân khiến Hoa Sen tăng vọt về lợi nhuận.
Để hạ nhiệt giá thép nội địa, mới đây, Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép, cụ thể là sẽ tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5%, đồng thời giảm 5-10% thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng thép. Bộ cho rằng, giá thép cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công và tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Mặc dù vậy, Hoa Sen chủ yếu sản xuất tôn mạ nên đề xuất trên - nếu có hiệu lực - cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù vậy, theo nhận định của Công ty chứng khoản Bản Việt (VCSC), giá cổ phiếu ngành thép phần lớn đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao của các công ty thép nên tới đây sẽ chịu áp lực chốt lời, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất tôn mạ như HSG, NKG.
Mặt khác, theo dự đoán của VCSC, nửa cuối của năm 2021, Trung Quốc bắt đầu giảm mức độ kích thích kinh tế sẽ tiếp tục kiềm hãm đà tăng giá thép toàn cầu. Ngoài ra, mặc dù giá thép cao mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà sản xuất thép trong ngắn hạn, nhưng đồng thời tạo ra áp lực kinh tế đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn (xây dựng, chế tạo máy móc và bất động sản...) và kế hoạch đầu tư công. Tình hình này sẽ dẫn đến nhu cầu thép giảm và cuối cùng sẽ tự cân bằng cho sự gia tăng bất thường của giá cả.
Theo đó, VCSC đưa ra cho rằng, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021 từ mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận