Hòa Phát đã có những gì ở khu liên hợp Dung Quất?
Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 11 tháng của Hòa Phát và cập nhật khu liên hợp Dung Quất.
Cập nhật sản lượng bán hàng 11 tháng 2019
Trong 11 tháng 2019, Hòa Phát đã bán được khoảng 2,5 triệu tấn thép xây dựng, tăng 15,0% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sản lượng bán hàng của Hòa Phát đã tăng rất nhanh ở thị trường miền Nam và miền Trung, khi tăng trưởng so với cùng kỳ đạt lần lượt 104,7% và 54,4%. Theo Ban Lãnh đạo công ty, sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát có thể đạt 2,7 triệu tấn trong năm 2019 và 3,7 triệu tấn vào năm 2020.
Thời gian tới, công ty sẽ tập trung vào thị trường miền Nam và miền Trung, cũng như, mở rộng sang các thị trường nước ngoài mới, như Canada và Mexico, để có thể tiêu thụ hết công suất thép xây dựng từ khu liên hợp Dung Quất. Hiện tại, miền Bắc là thị trường tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát nhiều nhất, tuy nhiên, khu vực này đang trở nên ít quan trọng hơn. Trong cơ cấu bán thép xây dựng của Hòa Phát 11T2019, thị trường phía Bắc chiếm 59,5%, ít hơn đáng kể so với năm 2018 (chiếm 69,1%). Trong khi đó, tỷ trọng của thị trường miền Nam và miền Trung tăng mạnh, lần lượt từ mức 9,7% (2018) lên 16,4% (11T2019) và từ 11,1% (2018) lên 15,0% (11T2019).
Cập nhật khu liên hợp Dung Quất
Giai đoạn xây dựng khu liên hợp đã hoàn thành 90-95% và dây chuyền thép cán nóng (hot rolled coil - HRC) đầu tiên của Hòa Phát bắt đầu đi vào vận hành vào quý 2/2019. Các dây chuyền sản xuất HRC có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm để hoạt động trơn tru vì đây là lần đầu Hòa Phát sản xuất loại thép này. Trong khi lò cao đầu tiên đã hoạt động trơn tru, còn lò cao thứ hai đã bắt đầu vận hành vào tháng 11/2019, lò cao thứ ba và thứ tư sẽ lần lượt chạy vào quý 2 và quý 3/2020. Mỗi lò cao sẽ được khấu hao trong khoảng 12 năm, sau 6 tháng chạy thử nghiệm.
Về công suất, khu liên hợp Dung Quất có thể cung cấp 2,4-3 triệu tấn HRC và 2,33 triệu tấn thép xây dựng, trong đó bao gồm 1,73 triệu tấn thép cây và 0,6 triệu tấn thép cuộn chất lượng cao. Ngoài ra, 4 lò thổi oxy có thể sản xuất 4-4,8 triệu tấn gang lỏng. Dựa trên diễn biến của thị trường, Hòa Phát có thể phân bổ lượng gang lỏng một cách linh hoạt để sản xuất thép thanh hoặc thép cuộn chất lượng cao. Bên cạnh đó, công suất nhà máy than cốc là 2 triệu tấn mỗi năm.
Ngoài các nhà máy thép, Hòa Phát còn xây dựng một nhà máy điện, một nhà máy nghiền mịn xỉ hạt lò cao và một cảng nước sâu trong khu liên hợp Dung Quất, để tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận. Đầu tiên, nhà máy nhiệt điện có công suất 240 MW sử dụng năng lượng nhiệt thoát ra từ quá trình luyện than cốc, đủ để đáp ứng 60-70% nhu cầu của khu liên hợp. Nhà máy nghiền mịn xỉ hạt lò cao sử dụng xỉ từ quá trình sản xuất thép để sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất xi măng, do đó, giúp giảm lượng chất thải ra môi trường.
Cuối cùng, cảng nước sâu, được xây dựng bên trong khu phức hợp, đã đi vào vận hành và được sử dụng để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Với việc có cảng nước sâu nằm ở bên trong khu liên hợp, Hòa Phát sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển. Hiện tại, cảng có thể tiếp nhận tàu 80.000 đến 100.000 tấn và đang trong quá trình nạo vét dưới đáy biển để có thể đón tàu 200.000 tấn cập cảng.
Ngoài diện tích 430ha hiện tại của khu liên hợp, Hòa Phát có kế hoạch sử dụng thêm 115 ha để sản xuất ống thép và tôn mạ, cho phép công ty tận dụng lượng thép HRC để gia tăng biên gộp.
Khu liên hợp Dung Quất có nhiều lợi thế so với khu liên hợp Hải Dương. Đầu tiên, suất tiêu hao nguyên liệu tại khu liên hợp Dung Quất sẽ thấp hơn khu liên hợp Hải Dương do sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Thứ hai, chi phí vận chuyển mỗi tấn nguyên liệu tới khu liên hợp Dung Quất có thể giảm 3-5 USD so với khu liên hợp Hải Dương do khoảng cách vận chuyển ngắn hơn (Hòa Phát đang nhập nguyên liệu chủ yếu từ Brazil và Úc). Hơn nữa, sản phẩm thép có thể được vận chuyển vào miền Nam dễ dàng và tiết kiệm hơn so với khu liên hợp Hải Dương, nằm bên bờ sông Kinh Thầy, vốn khá hẹp để vận chuyển thép số lượng lớn.
Nhu cầu thép xây dựng
Điều kiện thị trường bất động sản là mối quan tâm chính của Hòa Phát khi nhu cầu thép xây dựng để xây dựng bất động sản dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hiện tại, khu vực dân dụng chiếm khoảng 60% sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát, trong khi nhu cầu từ các dự án chiếm 40% còn lại. Tuy nhiên, Hòa Phát có lợi thế đáng kể để bán hàng tại các dự án quy mô lớn vì chất lượng thép tốt và ổn định hơn. Do đó, Hòa Phát sẽ không quá phụ thuộc vào nhu cầu thép từ thị trường bất động sản.
Nhu cầu HRC
Ban lãnh đạo của Hòa Phát khá lạc quan về nhu cầu HRC khi đề cập rằng trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn HRC. Cùng kỳ, sản lượng bán hàng của Formosa ở thị trường nội địa là hơn 3 triệu tấn. Nếu Formosa bán hết công suất tối đa của họ là 5,2 triệu tấn HRC, thị trường vẫn sẽ còn nhu cầu khoảng 7 triệu tấn cho Hòa Phát, vốn chỉ có công suất HRC từ 2,4-3 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong 11 tháng 2019, tổng nhu cầu HRC của các nhà sản xuất hạ nguồn chỉ đạt 5,6 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu là 1,6 triệu tấn. Chúng tôi giả định tốc độ tăng trưởng của nhu cầu hạ nguồn của HRC là 10%/năm và loại trừ sản lượng xuất khẩu do tính biến động cao, thì sản lượng tiêu thụ HRC nội địa vào năm 2021 chỉ khoảng 5,28 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với công suất của Hòa Phát và Formosa cộng lại là 7,6-8,2 triệu tấn. Do đó, chúng tôi cho rằng nhu cầu HRC trong nước không thực sự lớn và cả hai nhà sản xuất này sẽ phải trông đợi hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi để có thể tiêu thụ hết sản lượng của họ.
Mảng thép HRC của Hòa Phát sẽ được hỗ trợ đáng kể bởi nhu cầu nội bộ. Hiện tại, Hòa Phát có 3 nhà máy ống thép và 1 nhà máy tôn mạ, có thể sử dụng khoảng 1,15 triệu tấn HRC mỗi năm nếu các nhà máy này hoạt động với hiệu suất 100%. Theo đó, hơn một nửa sản lượng HRC được tiêu thụ nội bộ sẽ giúp giảm áp lực bán hàng cho Hòa Phát so với Formosa.
Tài chính
Giải ngân đầu tư tài sản cố định (CAPEX) cho khu liên hợp Dung Quất đã đạt 50.000 tỷ đồng, trong đó 30.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn nội bộ, còn 20.000 tỷ đồng còn lại được vay từ các ngân hàng Vietinbank và Vietcombank. Khoản CAPEX 2.000 tỷ đồng còn lại sẽ được chi trong giai đoạn 2020-2021 từ lợi nhuận kinh doanh của công ty. Theo Giám đốc Tài chính của Hòa Phát, công ty được vay tiền với lãi suất ưu đãi và sẽ bắt đầu trả khoản nợ gốc đầu tiên vào tháng 8/2020.
Kiểm soát chất thải
Trong cuộc gặp các nhà đầu tư, ban lãnh đạo của Hòa Phát cho biết bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của công ty nhằm duy trì tăng trưởng bền vững. Hòa Phát cũng đã cho thấy những nỗ lực với việc xây dựng các công trình tái sử dụng chất thải rắn, nước thải và tối ưu sử dụng năng lượng. khu liên hợp Dung Quất được đầu tư hệ thống xử lý nước hiện đại, cho phép xử lý và tái sử dụng nước thải nhiều lần mà không thải ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn từ quá trình sản xuất thép sẽ được tận dụng bởi nhà máy nghiền mịn xỉ hạt lò cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận