menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

Hậu chia tay LDG, Thủy sản Bình Minh làm gì với dự án hơn 220ha trong khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu?

Báo cáo của CTCP Thủy sản Bình Minh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho biết, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Theo báo cáo, khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh có diện tích gần 223ha, nằm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. CTCP Thủy sản Bình Minh là chủ đầu tư dự án.

Khu du lịch có phía Bắc và phía Nam giáp khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; phía Đông giáp khu du lịch sinh thái phức hợp Hồ Tràm; phía Tây giáp tỉnh lộ 328.

Hậu chia tay LDG, Thủy sản Bình Minh làm gì với dự án hơn 220ha trong khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu?

Vị trí thực hiện dự án. Nguồn: chủ đầu tư

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt giá thuê môi trường rừng để đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào năm 2013.

Năm 2014, chủ đầu tư và ban quản lý khu bảo tồn đã ký biên bản bàn giao, cho thuê môi trường rừng trong vòng 50 năm, kể từ tháng 4/2014. Năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Tuy nhiên, đến năm 2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản về việc không tổ chức lập và điều chỉnh, trình duyệt đồ án quy hoạch xây dựng các dự án du lịch sinh thái (dưới tán rừng). Đối với các dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 không còn phù hợp với Đề án du lịch sinh thái thì cần rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Phía dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh đã không thực hiện điều chỉnh và giữ nguyên diện tích gần 223ha.

Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư xác định khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh là dự án thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công, thuộc loại hình dự án mới và toàn bộ khu đất gần 223ha được đầu tư tại tiểu khu 30, phân khu dịch vụ hành chính của khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu nên cho rằng phù hợp với các quyết định của UBND tỉnh.

Dù vậy, trong báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, Thủy sản Bình Minh lưu ý việc diện tích thực hiện dự án thuộc khoảnh 1, 7, 8, 9, 11, 12 tiểu khu 30, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu là yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định của Chính phủ. Khu bảo tồn là khu rừng tự nhiên ven biển duy nhất còn lại ở miền Đông Nam bộ nên có giá trị về nhiều mặt, bao gồm nhiều động vật hoang dã, quý hiếm được liệt kê trong Sách Đỏ thế giới.

Cụ thể, khu đất thực hiện dự án có hơn 182ha đất rừng tự nhiên; hơn 5ha đất rừng trồng gỗ; hơn 2ha đất có cây gỗ tái sinh núi đất; hơn 7ha đất núi và hơn 5ha đất mặt nước.

Hậu chia tay LDG, Thủy sản Bình Minh làm gì với dự án hơn 220ha trong khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu?

Dự án dự kiến công suất phục vụ 10,688 khách du lịch; trong đó, khoảng 3,760 là khách lưu trú và 5,311 khách vãng lai.

Các hạng mục công trình chính bao gồm: khu tiếp đón 1,700m2; trung tâm nghỉ dưỡng 1 và 2, diện tích 2,920m2/khu; trung tâm chăm sóc sức khỏe 2,550m2; khu tắm thảo dược 1 và 2, lần lượt 3,380m2 và 1,815m2; nhà hàng 1 và 2, lần lượt 1,990m2 và 1,540m2; trung tâm văn hóa 3,000m2; trung tâm hội nghị 800m2; trung tâm nghiên cứu tăng cường tuổi thọ, sắc đẹp 1,007m2; trung tâm hợp tác quốc tế 780m2; tháp quan sát 200m2; khu thiền 720m2; 2 nhà hàng, tổng diện tích 1,800m2; khối chăm sóc thân và khối nuôi dưỡng tâm 790m2/khu; nhà dịch vụ tổng hợp 800m2; nhà dịch vụ thể thao 350m2.

Công trình lưu trú bao gồm: 102 căn bungalow nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe 16,320m2; 38 căn bungalow nghỉ dưỡng chăm sóc tâm hồn 5,510m2; 16 căn bungalow trị liệu đơn lập và song lập 1,565 m2; khu nhà nhân viên 490m2.

Tổng mức đầu tư của dự án xấp xỉ 3,608 tỷ đồng; trong đó, kinh phí đầu tư các hạng mục công trình bảo vệ môi trường khoảng 30 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 10/2024 đến 11/2026; trong đó, từ tháng 10/2024 - 10/2026, chủ đầu tư sẽ thi công lắp ghép các hạng mục công trình chính ở trên và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu du lịch, sau đó sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 11/2026.

Thủy sản Bình Minh và mối liên hệ với LDG

Chủ đầu tư dự án là CTCP Thủy sản Bình Minh, có tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thủy sản Bình Minh, thành lập tháng 4/2001 với ngành nghề chính là nuôi trồng, chế biến và kinh doanh thủy hải sản. Vốn điều lệ 50 tỷ đồng, 2 cổ đông sáng lập gồm ông Đỗ Duy Thành (giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật) góp 83.33% và ông Nguyễn Văn Tiệp góp 16.67%.

Năm 2014, cơ cấu cổ đông thay đổi khi ông Thành chuyển hết vốn cho bà Nguyễn Thị Ngọc. Người giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Lạc. Công ty bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như xây dựng nhà các loại và kinh doanh bất động sản. Đây cũng là thời điểm Công ty ký hợp đồng thuê môi trường rừng thuộc khu bảo tồn với thời hạn 50 năm.

Năm 2015, ông Lạc nắm phần vốn mà ông Tiệp sở hữu, qua đó 2 cổ đông sáng lập đã chính thức thoái hết vốn.

Năm 2017, Công ty TNHH Thủy sản Bình Minh có thêm cổ đông mới là CTCP Kinh doanh Bất động sản Star Beach nắm 33.33%, bà Ngọc giảm sở hữu còn 55.557% và ông Lạc còn 11.11%.

Năm 2018, Công ty tiếp tục có cổ đông mới là ông Lê Hữu Chí với tỷ lệ 10%, đồng thời bà Ngọc giảm còn 45.557%, còn Star Beach, ông Chí và ông Lạc giữ nguyên.

Năm 2019, Công ty chuyển sang mô hình CTCP, Star Beach rút khỏi danh sách cổ đông. Cơ cấu cổ đông gồm bà Ngọc 45.557%, ông Nguyễn Văn Thông 7.667%, bà Nguyễn Thị Thanh Tú 25.677%, ông Lạc 11.11%, ông Chí 10%. Chỉ 1 tháng sau khi tái cơ cấu, vốn điều lệ giảm từ 60 tỷ đồng xuống còn 54 tỷ đồng.

Được biết, ông Thông và bà Tú là 2 trong số 3 cổ đông sáng lập của Star Beach vào năm 2016. Star Beach có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó ông Thông góp 33%, còn bà Tú (giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật) góp 34%, bà Phạm Thị Thu Cang 33%. Năm 2019, Công ty tăng vốn từ 20 lên 292 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện nay.

Năm 2020, ông Nguyễn Văn Minh giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật. Các lãnh đạo khác trong HĐQT gồm Chủ tịch Ngô Văn Minh và các Thành viên Ngô Ngọc Huyên, Lê Văn Hưng, Nguyễn Minh Sự. Cùng với việc thay đổi nhân sự thượng tầng, Công ty chuyển ngành nghề kinh doanh chính sang dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Theo tìm hiểu, ông Ngô Văn Minh - Chủ tịch Thủy sản Bình Minh có cùng tên và số chứng minh nhân dân với ông Ngô Văn Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG), người thay thế vị trí Chủ tịch LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng sau khi ông Hưng bị tạm giam do liên quan đến vi phạm của khu dân cư Tân Thịnh (Đồng Nai).

Mặt khác, Thành viên HĐQT Thủy sản Bình Minh - ông Ngô Ngọc Huyên từng là Thành viên HĐQT LDG từ tháng 6/2020 đến tháng 8/2023. Ông Huyên từ nhiệm với lý do đang làm việc tại miền Trung nên không thể tham gia giám sát và dự họp cùng HĐQT LDG.

Tương tự, Thành viên HĐQT Thủy sản Bình Minh - ông Lê Văn Hưng cũng từng làm Thành viên HĐQT LDG nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng đã từ nhiệm từ tháng 4/2021 với lý do giải quyết công việc cá nhân.

Trên thực tế, Thủy sản Bình Minh từng là công ty con của LDG từ ngày 27/7/2020 - 20/12/2022. Lúc này, LDG sở hữu 99.99% Thủy sản Bình Minh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, LDG đã thoái hết vốn.

Về thương vụ này, ngày 16/12/2022, HĐQT LDG thông qua chuyển nhượng toàn bộ gần 5.4 triệu cp CTCP Thủy sản Bình Minh, tương đương 99.9% vốn điều lệ. Mục đích chuyển nhượng là nhà đầu tư thực hiện bảo lãnh cho cam kết mua lại 1,800 trái phiếu của bên nhận chuyển nhượng lại trong thời hạn 3.5 tháng, kể từ ngày bên nhận chuyển nhượng lại từ các trái chủ hiện tại có yêu cầu mua lại trước hạn.

Trước khi thoái vốn, HĐQT LDG từng công bố kế hoạch góp thêm vốn để tăng vốn điều lệ cho Thủy sản Bình Minh từ 54 tỷ đồng lên 256.5 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Minh (lúc này có tên thương mại là LDG Grand Hồ Tràm).

Theo báo cáo của LDG, dự án LDG Grand Hồ Tràm có tổng mức đầu tư lên tới 11,760 tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần so với báo cáo Thủy sản Bình Minh công bố mới đây. Tính đến 30/9/2022, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của LDG tại dự án này xấp xỉ 159 tỷ đồng.

Hậu chia tay LDG, Thủy sản Bình Minh làm gì với dự án hơn 220ha trong khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu?

Phối cảnh dự án LDG Grand Hồ Tràm trong báo cáo năm 2021 của LDG

Cùng thời gian LDG thoái vốn, ngày 19/12/2022, chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thủy sản Bình Minh đổi từ ông Nguyễn Văn Minh sang bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và giữ nguyên cho đến nay.

Được biết, bà Thủy còn là cổ đông sáng lập và chủ sở hữu Công ty TNHH Bất động sản Bảo Minh Châu vào năm 2018, vốn 20 tỷ đồng. Năm 2023, Công ty đổi thành CTCP Bất động sản Bảo Minh Châu, đón thêm cổ đông mới gồm ông Nguyễn Phạm Vĩnh Nghi nắm 0.025%, bà Lê Thị Như Quỳnh 0.025%, bà Thủy nắm 99.95%.

Ngoài ra, vào tháng 3 mới đây, BĐS Bảo Minh Châu, ông Nghi và bà Thủy lập ra CTCP Thương mại Sản xuất TTM, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu lần lượt là 33%, 66% và 1%. Ngành nghề chính là bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

2.77

-0.04 (-1.42%)

Biểu đồ mã LDG
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả