24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Hành trình” về dưới mệnh giá của bộ 3 cổ phiếu “bom tấn” IPO năm 2018 BSR, OIL và POW

Sau gần 2 năm, cả 3 cổ phiếu BSR, OIL và POW đều đã lần lượt rơi xuống dưới mệnh giá, vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hàng chục nghìn tỷ đồng.

Từ những thương vụ IPO “đình đám”

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – mã POW), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL – mã OIL) đã từng rất thành công trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi tháng 1/2018 đặc biệt 2 cổ phiếu BSR và OIL đã được các nhà đầu tư mua với giá cao hơn nhiều so với giá kỳ vọng.

Trong đó phiên đấu giá của BSR ghi nhận số lượng người tham gia kỷ lục 4.079 nhà đầu tư, khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán. Với sức hút cao, giá trúng bình quân của BSR đã đẩy lên 23.043 đồng/cổ phiếu, cao hơn 37% giá khởi điểm. Riêng nhà đầu tư nước ngoài mua thành công gần 148 triệu cổ phiếu, tương đương 61,2% số cổ phần chào bán.

Phiên đấu giá của PV Oil cũng có số lượng tham gia lên đến 3.195 nhà đầu tư. Theo đó, giá trúng bình quân cao hơn 51% giá khởi điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua được 33% lượng chào bán.

Trong khi đó, phiên đấu giá cổ phiếu POW cũng thu hút 1.982 nhà đầu tư tham gia. Giá trúng bình quân là 14.938 đồng, cao hơn 4% giá khởi điểm, giúp Nhà nước thu về gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 61% tổng lượng bán.

Tiếp tục đà thành công trong các phiên IPO, các cổ phiếu POW, OIL, BSR lên sàn UpCOM từ tháng 3/2018 với mức giá tham chiếu lần lượt là 14.900 đồng/cổ phiếu, 20.200 đồng/cổ phiếu và 22.400 đồng/cổ phiếu. 3 cổ phiếu này là đều đạt đỉnh ngay phiên đầu tiên chào sàn trước khi bước vào chuỗi ngày trượt dài về dưới mệnh giá.

“Miệt mài” dò đáy

Cổ phiếu POW của PV Power là cái tên gần nhất trong 3 cổ phiếu trên rơi xuống dưới mệnh giá sau khi mất 1,4% phiên giao dịch ngày 7/2. Hiện thị giá cổ phiếu này chỉ còn 9.680 đồng/cổ phiếu tương ứng mức vốn hóa 22.669 tỷ đồng, giảm 35% so với thời điểm mới lên sàn.

“Hành trình” về dưới mệnh giá của bộ 3 cổ phiếu “bom tấn” IPO năm 2018 BSR, OIL và POW
*Diễn biến giá cổ phiếu POW kể từ khi lên sàn ngày 6/3/2018

Thực tế, giá cổ phiếu POW biến động theo hình sin khi doanh nghiệp có những "câu chuyện riêng" như chuyển sàn niêm yết sang HoSE, lọt rổ MSCI Frontier Markets, các quỹ ETF mua vào…

Sau giai đoạn liên tục rơi sâu khi mới chào sàn, cổ phiếu POW đã hồi phục tích cực, thậm chí có thời điểm đến rất gần mức đỉnh hồi giữa tháng 2/2019. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cổ phiếu này nhanh chóng đảo chiều và liên tục giảm sâu qua đó rơi xuống vùng đáy như hiện nay.

Trước POW, cổ phiếu OIL của PV Oil cũng xuống dưới mệnh giá từ trung tuần tháng 11/2019 sau thời gian dài miệt mài giảm. Hiện cổ phiếu này chỉ còn giao dịch với giá 7.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong 3 cổ phiếu này. Vốn hóa thị trường chỉ còn gần 7.620 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với thời điểm chào sàn.

“Hành trình” về dưới mệnh giá của bộ 3 cổ phiếu “bom tấn” IPO năm 2018 BSR, OIL và POW
*Diễn biến cổ phiếu OIL kể từ khi lên sàn ngày 7/3/2018

Trong 3 cổ phiếu PVN thực hiện IPO năm 2018, BSR là cổ phiếu đầu tiên rơi xuống dưới mệnh giá cũng đồng thời là cổ phiếu giảm sâu nhất kể từ khi lên sàn. Sau giai đoạn lao dốc thời điểm mới lên sàn, cổ phiếu này biến động thất thường với nhiều sóng tăng, giảm đan xen liên tục trước khi xu hướng giảm giá được định hình rõ rệt.

Cổ phiếu BSR lần đầu xuống dưới mệnh giá vào đầu tháng 8/2019 tuy nhiên đã có nhịp hồi phục nhẹ trước khi tiếp tục lao dốc xuống chỉ còn 7.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Ước tính tại mức thị giá hiện tại, vốn hóa của BSR vào khoảng 23.254 tỷ đồng, “bốc hơi” tới 76% so với mức đỉnh cổ phiếu này đạt được trong phiên đầu tiên lên sàn.

“Hành trình” về dưới mệnh giá của bộ 3 cổ phiếu “bom tấn” IPO năm 2018 BSR, OIL và POW
*Diễn biến cổ phiếu BSR kể từ khi lên sàn ngày 1/3/2018

Vì đâu nên nỗi?

Khó có thể chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sự lao dốc đáng thất vọng của bộ 3 cổ phiếu POW, OIL và BSR. Bên cạnh những tác động khách quan từ bên ngoài, cả 3 cổ phiếu này cũng có những vấn đề nội tại.

PV Power hiện là doanh nghiệp phát điện độc lập lớn nhất tại Việt Nam chiếm 12% thị phần phát điện. Năm 2019, tổng công ty này đạt sản lượng điện 22,5 tỷ kWh tương ứng doanh thu đạt 35.421 tỷ đồng, tăng khoảng 8% và lợi nhuận đạt 2.837 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với năm trước.

Mặc dù kết kinh doanh vẫn tăng trưởng, tuy nhiên cổ phiếu POW lại thường xuyên nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại. Áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu này.

Trong khi đó, PV Oil hiện là doanh nghiệp đang đứng thứ hai về thị phần xăng dầu tại Việt Nam với tỷ trọng 20 - 22%. Ngoài mạng lưới hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, PV Oil còn cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm.

Năm 2019, PV Oil ghi nhận 79.920 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 31% so với năm trước tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 17% xuống 330 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng chỉ vỏn vẹn 0,4%.

Với BSR, đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, hiện đang cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Nhà máy cũng lên kế hoạch nâng cấp mở rộng vào năm 2021 để tăng công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Năm 2019, BSR ghi nhận doanh thu 102.824 tỷ doanh thu, gấp khoảng 2 lần so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng đột biến từ 226 tỷ lên 2.756 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty đã lần lượt thực hiện được 105% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận.

Hoạt động kinh doanh của BSR chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu thô. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các biến số khác như nguồn cung lớn từ nhà máy Nghi Sơn, tiến độ nâng cấp mở rộng nhà máy, chính sách thuế ưu đãi doanh nghiệp, chính sách thu điều tiết, chính sách nhập khẩu dầu thô chưa được tháo gỡ…

Ngoài ra, câu chuyện thoái vốn của PVN và việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của 3 doanh nghiệp trên vẫn đang bỏ ngõ. Từng có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia làm cổ đông chiến lược nhưng vì nhiều nguyên nhân như thời gian quá ngắn để đánh giá doanh nghiệp, quy mô thoái vốn lớn, quy định của Nhà nước... khiến câu chuyện này vẫn tiếp tục bị trì hoãn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
19.40 +0.10 (+0.52%)
11.40 -0.05 (-0.44%)
10.90 -0.10 (-0.91%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả