Hành trình tăng giá gần 6.000 lần của cổ phiếu Nvidia
Kể từ khi IPO năm 1999 đến nay, giá cổ phiếu Nvidia đã tăng 591.078%, trong đó phần lớn sự tăng trưởng diễn ra trong năm 2024 nhờ cơn sốt AI...
Vào năm 1999, khi Steve Jobs mới trở lại lãnh đạo Apple và Intel là công ty thống trị thị trường con chip, Nvidia – một nhà sản xuất con chip ít người biết đến Nvidia – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq. Chỉ trong chưa đầy 3 năm, công ty này lọt vào chỉ số S&P 500, thế chân “đại gia” dầu khí Enron.
Tuy nhiên, kể cả vậy, khi đó không nhiều người cho rằng Nvidia sẽ trở thành cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thị trường với tổng mức tăng kể từ khi IPO là 591.078%, bao gồm cổ tức được tái đầu tư.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là một con số khó tin với động lực chủ yếu đến từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian gần đây. Giới đầu tư hiện xem Nvidia – công ty sản xuất con chip công nghệ cao phục vụ AI – là công ty hưởng lợi nhiều nhất từ cơn sốt này.
Ngày 18/6, Nvidia vượt qua Microsoft trở thành công ty giá trị nhất thế giới với giá trị vốn hóa là 3,34 nghìn tỷ USD. Trong số này, riêng giá trị vốn hóa tăng thêm từ đầu năm đến nay là hơn 2 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để tiếp tục đà tăng này, Nvidia cần duy trì doanh thu con chip AI.
TĂNG TRƯỞNG 1.600% TRONG 3 NĂM ĐẦU IPO
Động lực chính cho đà tăng phi mã của cổ phiếu Nvidia chính là chiến lược đầu tư lớn vào con chip đồ họa cũng như tầm nhìn của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Jensen Huang rằng ngành AI sẽ dịch chuyển sang “điện toán tăng tốc” (accelerated computing) mà ở đó con chip của công ty ưu việt hơn so với các đối thủ.
“Tôi cho rằng Nvidia có đội ngũ quản lý xuất sắc. Họ đã đón mỗi con sóng đổi mới sáng tạo về phần cứng vô cùng tốt”, ông Brian Mulberry, quản lý danh mục khách hàng tại Zacks Investment Management, nhận xét.
Nhìn lại hành trình cổ phiếu Nvidia kể từ IPO, có thể thấy từ khi bắt đầu niêm yết cho tới khi vào S&P 500, mã này đã tăng hơn 1.600%, đạt giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD. Sự tăng trưởng của cổ phiếu Nvidia diễn ra trong bối cảnh nhiều cổ phiếu công nghệ khác lao dốc sau khi vỡ bong bóng dot-com.
Nhân tố chính giúp công ty này thành công sớm là con chip được sử dụng trong các loại máy chơi game như Xbox của Microsoft và PlayStation của Sony. Bộ xử lý đồ họa GeForce của Nvidia trở thành niềm mơ ước của các game thủ bởi mang lại trải nghiệm chân thực và ổn định.
“Jensen Huang đã viết nên một câu chuyện đẹp. Rõ ràng bộ xử lý đồ họa là thứ ngày càng trở nên quan trọng”, ông Rhys Williams, chiến lược gia trưởng tại Wayve Capital Management và cũng là nhà đầu tư mua cổ phiếu Nvidia khi IPO, nhận xét. “Mỗi thế hệ kế tiếp của bộ vi xử lý Nvidia mang lại hiệu suất tốt hơn nhiều và thế giới game trên máy tính thực sự mở ra”.
KHỦNG HOẢNG
Tuy nhiên, 6 năm sau khi lọt vào S&P 500 là những năm đầy sóng gió với công ty này. Giá cổ phiếu Nvidia lao dốc vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu phần cứng suy yếu, còn đối thủ lâu năm Advanced Micro Devices Inc. lật ngược tình thế.
Trong khi đó, thỏa thuận giữa Nvidia và Intel cho phép hai bên sử dụng nguồn lực sản xuất của nhau, đi vào bế tắc, đẩy Nvidia khỏi một trong những thị trường lớn nhất của mình. Năm 2011, hai công ty đạt được thỏa thuận dàn xếp sau vụ kiện tụng với việc Intel đồng ý trả cho Nvidia 1,5 tỷ USD.
Năm sau đó, Nvidia ra mắt con chip đồ họa dành cho server của các trung tâm dữ liệu. Con chip này có khả năng thực hiện các tác vụ điện toán phức tạp như dự báo thời tiết, khai phá dầu khí..., giúp công ty có chỗ đứng vững trãi trên thị trường mà sau này mang lại lợi nhuận béo bở. Tuy nhiên, con chip này chưa mang lại sự bứt phá ngay lập tức. Phải tới 9 năm sau đó, cổ phiếu Nvidia mới vượt qua được mức đỉnh năm 2007.
BỨT TỐC TRỞ LẠI
Vào năm 2015, giá cổ phiếu Nvidia bắt đầu tăng trở lại. Trong giai đoạn này, con chip của công ty trở thành nền tảng của nhiều công nghệ mới nổi, từ giao diện đồ họa cao cấp, ô tô tự lái cho tới làn sóng sản phẩm AI mới.
Khi đó, bà Shana Sissel, CEO Banrion Capital Management, là một trong những người đầu tiên chú ý tới công ty này. Tại một hội thảo vào năm 2017, bà mô tả Nvidia giống như một “hoa khôi” hơn là một ý tưởng đầu tư.
Thậm chí sau khi nhu cầu con chip từ các thợ đào tiền ảo sụt giảm, doanh thu con chip dùng trong các trung tâm dữ liệu của Nvidia vẫn tiếp tục tăng mạnh. Đại dịch Covid-19 tạo ra một cú huých doanh thu lớn khi các công ty cần tăng năng lực điện toán để hỗ trợ hoạt động làm việc từ xa. Theo đó, doanh thu con chip trung tâm dữ liệu năm 2021 của Nvidia tăng gấp 8 lần so với năm 2017.
Bước sang năm 2021, chung số phận với ngành công nghệ, giá cổ phiếu công ty này sụt giảm do lãi suất tăng và nhu cầu sụt giảm sau cơn sốt công nghệ thời Covid. Sự ra đời của ứng dụng ChatGPT của startup OpenAI gây tiếng vang lớn nhưng phải một thời gian sau giới đầu tư mới bắt đầu nhận ra rằng Nvidia được hưởng lợi lớn từ cơn sốt AI này. Sau cùng, sự quan tâm dành cho ChatGPT cũng như các sản phẩm AI tạo sinh (generative AI) bùng nổ, giúp lượng đơn hàng con chip Nvidia tăng vọt.
TĂNG TRƯỞNG GÂY SỐC
Khi Nvidia công bố lợi nhuận quý 1/2023, mức tăng trưởng doanh thu của công ty này đã gây sốc với giới đầu tư Phố Wall. Doanh thu từ con chip dùng trong trung tâm dữ liệu của Nvidia đã vượt qua doanh thu con chip game trong quý này. Các nhà phân tích dự báo doanh thu của công ty năm nay sẽ vượt 100 tỷ USD, từ mức gần 61 tỷ USD của năm ngoái.
“Nvidia có chỗ đứng rất vững chãi trong ngành. Dù sẽ không thể duy trì thị phần 95% mãi mãi, nhưng chắc chắn không công ty nào có thể thay thế họ”, chiến lược gia Williams tại Wayve Capital Management, nhận xét.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận