Hai năm sau vụ cháy, Rạng Đông có trở lại từ đống tro tàn?
Vụ cháy nhà máy đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm của Rạng Đông. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm lung lay vị thế của công ty trong ngành chiếu sáng.
Vụ cháy nhà máy đêm 28/8/2019 là sự cố lớn nhất trong hơn ba thập kỷ đổi mới của Công ty cổ phần (CTCP) Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán: RAL). Vụ cháy đã thiêu rụi hai xưởng sản xuất đèn dây tóc và ống đèn huỳnh quang Compact cùng kho thành phẩm tập kết chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm, thiệt hại lên tới 150 tỷ đồng.
Vụ cháy đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân khu vực phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), thậm chí nhiều nhà phải tạm thời di tản đi nơi khác. Sau 2 năm, cuộc sống của người dân nơi đây đã trở về trạng thái bình thường. "Tôi mới mở bán hàng lại được hơn một năm. Giờ, cuộc sống ở đây diễn ra như trước rồi", bà Hiền - chủ sạp hàng hóa cạnh nhà máy Rạng Đông.
Không những vậy, những dấu tích của vụ cháy cũng đã không còn khi mà bức tường đổ nát phía sau công ty nằm ở ngõ 342 phố Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) được phủ lên "tấm áo mới" bằng những bức tranh bích họa.
Vậy, về tình hình kinh doanh, sau khi xảy ra biến cố, Rạng Đông liệu có trở mình thức dậy sau đống tro tàn?
Xóa bỏ "lời nguyền" thương hiệu “vang bóng một thời”
CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tiền thân là nhà máy sản xuất bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng từ năm 1958 và chính thức thành lập năm 1961 tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được lựa chọn xây dựng, đặt nền móng cho nền công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 2004, công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 79 tỷ đồng. Trong đó, nhân viên công ty sở hữu hơn 40% vốn điều lệ và Nhà nước nắm giữ 51%.
Đến năm 2006, Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 21% thông qua SCIC và chính thức thoái toàn bộ vốn vào năm 2015.
Sau 60 năm hoạt động trên thị trường, Rạng Đông hiện vẫn là nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng lớn nhất tại Việt Nam. Và hiện, Rạng Đông cũng là doanh nghiệp sản xuất bóng đèn có thị trường lớn nhất trong nước.
Tuy vậy, Rạng Đông từng có giai đoạn bên bờ vực phá sản. Đó là vào khoảng năm 1988, nước ta bắt đầu mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn, đặc biệt là hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn đã khiến Rạng Đông gặp khó khăn và mất dần thị phần.
Giai đoạn này, Rạng Đông liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc suốt 6 tháng. Năm 1990, tài khoản tại ngân hàng của công ty bị phong tỏa, tài chính liên tục gặp khó khăn, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Năm đó, công ty ghi nhận vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng doanh thu và khoản lỗ trước thuế 16 triệu đồng.
Tuy nhiên, khó khăn giai đoạn đó đã giúp Rạng Đông “lột xác” cải tiến dây chuyền sản xuất đã cũ bằng nguồn tiền đi vay.
Đến năm 1991, doanh thu tăng trưởng gấp đôi đạt gần 15 tỷ đồng, công ty đã chấm dứt được tình trạng thua lỗ với 220 triệu đồng lãi trước thuế. Từ đó đến nay, Rạng Đông đã trải qua 30 năm ghi nhận doanh thu tăng trưởng liên tục.
“Sau cơn mưa trời lại sáng” và Rạng Đông có vậy?
Năm 2017, doanh thu của Rạng Đông đạt 3.270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 214 tỷ đồng. Doanh thu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng 11% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm 10 tỷ đồng chỉ đạt 204 tỷ so với năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận năm 2019 ghi nhận giảm mạnh do ảnh hưởng bởi vụ cháy nhà máy đêm 28/8/2019 dù doanh thu tăng 635 tỷ đồng .
Cụ thể, trong quý III/2019 xảy ra vụ cháy nhà máy, doanh thu thuần Rạng Đông đạt gần 900 tỷ đồng và lãi ròng hơn 64 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 22% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo giải trình, kinh doanh tăng trưởng là nhờ chuẩn bị tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nỗ lực giảm chi phí, tiết kiệm nguyên vật liệu. Doanh nghiệp cũng ứng dụng thành công các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo giá bán cạnh tranh.
Điều đó cho thấy, sự cố hỏa hoạn chưa gây ra biến động bất thường trong quý III/2019 của Rạng Đông.
Đến quý IV/2019, tình hình kết quả kinh doanh đã phản ánh thiệt hại của vụ cháy nhà máy ngày 28/8/2019. Tại quý này, Rạng Đông lỗ gần 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu thuần của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng lên 1.552 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, trong bản báo cáo tài chính giai đoạn này là khoản thu nhập khác. Đây là một trong những khoản mục biến động lớn nhất. Trong đó, chủ yếu là khoản 150 tỷ đồng - tiền bảo hiểm bồi thường thiệt hại vụ cháy.
Kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 4.256 tỷ đồng tăng gần 18% so với cùng kỳ. Sự cố cháy đã khiến cho mức lãi của Rạng Đông giảm 63% so với cùng kỳ ghi nhận ở mức 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, Rạng Đông vẫn duy trì công ăn việc làm cho khoảng 2.100 cán bộ công nhân, thu nhập bình quân tăng 1,5% so với năm 2018 đạt 13,9 triệu đồng/tháng.
Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2019, Rạng Đông đạt 3.015 tỷ đồng tăng gần 277 tỷ đồng so với năm 2018. Vốn chủ sở hữu tăng 1,52% so với cùng kỳ đạt 835 tỷ đồng cho thấy vốn chủ sở hữu được bảo toàn và tăng trưởng. Tổng tài sản năm 2019 của Rạng Đông tăng 10% so với đầu năm đạt 3.015 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn.
Năm 2020, Rạng Đông đạt 4.922 tỷ đồng doanh thu tăng 15,67% so với năm 2019 và 336 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng 2,7 lần so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, bóng đèn đóng góp 80%, phích nước chiếm 18%. Phần còn lại 2% đến từ các sản phẩm khác.
Với số vốn điều lệ 120,75 tỷ đồng, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của Rạng Đông đạt 29.225 đồng.
Rạng Đông ghi nhận tổng tài sản đạt gần 4.026 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn, chiếm gần 93%, gồm tiền và các khoản tương đương tiền và hàng tồn kho.
Giá trị hàng tồn kho hiện tại của nhà sản xuất bóng đèn này đạt hơn 656 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2019 và chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu chưa hình thành sản phẩm và hàng hóa đã thành phẩm.
Trong khi đó, giá trị tài sản dài hạn chủ yếu nằm ở tài sản cố định bao gồm máy móc thiết bị và nhà xưởng, vật kiến trúc… Ngoài nhà máy cũ tại Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, công ty còn một nhà máy khác tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh.
Để có vốn lưu động sản xuất, Rạng Đông cũng phải thực hiện nhiều hợp đồng tín dụng với các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Tính đến 31/12/2020, công ty có 2.947 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu, xấp xỉ 79% tài sản ngắn hạn. Trong đó, 1.845 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 837 triệu đồng vay dài hạn.
Chủ nợ lớn nhất hiện nay của Rạng Đông là Vietcombank với khoản dư nợ ngắn hạn hơn 414 tỷ đồng. Ngoài ra, SCB chi nhánh Hà Nội cũng đang cho nhà sản xuất này vay 194 tỷ đồng; Vietinbank chi nhánh Đống Đa cho vay 176 tỷ đồng; MB chi nhánh Đống Đa cho vay 149 tỷ đồng… Hầu hết khoản vay trên đều có tài sản đảm bảo là hàng tồn kho và các khoản phải thu, quyền thu tại các hợp đồng kinh tế.
Điều đặc biệt cũng đến từ cơ cấu sở hữu của Rạng Đông khi ông chủ lớn nhất tại đây chính là công đoàn của công ty. Theo đó, công đoàn công ty này đang nắm tổng cộng 42,96% vốn điều lệ; bà Lê Thị Kim Yến - Thành viên HĐQT nắm 15,24%; ông Lê Đình Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Gia Lộc Phát nắm giữ 9,26%. Đây là 3 cổ đông lớn của Rạng Đông hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận