“Hạ nhiệt” giá vé máy bay: Cần giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng giá vé tăng cao trong thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng, muốn “hạ nhiệt” cần giải pháp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, nhà quản lý, doanh nghiệp hàng không...
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15- 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76%, có chặng chỉ 43% so với quy định.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, các hãng đang phải đối diện với thách thức lớn từ giá nhiên liệu tăng rất cao. Theo đó, giá nhiên liệu tăng 1 USD kéo theo chi phí tăng khoảng 10%. Đồng thời, tiền đồng mất giá khoảng 5%, giá vật tư, phụ tùng máy bay... thời gian qua đều tăng ảnh hưởng đến giá vé. Các khoản tăng này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Nếu như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.
Đặc biệt, hiện nay một số quy định đang bị trói buộc như chỉ cho phép mỗi hãng được 30% thuê ướt máy bay bổ sung, Vietravel Airline hiện có ba máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được một máy bay trong khi đơn vị muốn thuê thêm máy bay để tăng tải, tăng cung ứng vào giai đoạn cao điểm.
Trước thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, muốn hạ nhiệt vé máy bay cần có sự chung sức từ các cơ quan ban ngành, nhà quản lý, doanh nghiệp, hàng không...
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel và Vietravel Airlines khẳng định, dự báo xu hướng sắp tới, tình trạng thiếu máy bay, chi phí đầu vào cao chắc chắn sẽ còn bủa vây ngành hàng không, ít nhất đến cuối năm. Vì thế, muốn tìm lời giải cho bài toán hạ nhiệt vé máy bay thì đòi hỏi sự chung tay của rất nhiều đơn vị.
"Các địa phương muốn kích cầu du lịch có thể khuyến khích, xem xét hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay tới. Các hãng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, lữ hành qua việc giảm tiền cọc series booking, chia thành nhiều đợt thanh toán, cho phép trả gối đầu... Giữa điểm đến, dịch vụ tại chỗ, lữ hành nên ngồi lại cùng nhau; ngành hàng không cũng liên kết, hỗ trợ nhau trên cơ sở có chính sách hỗ trợ chung từ phía Chính phủ", ông Kỳ đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, đơn vị vẫn luôn cố gắng để làm tốt hơn những gì hiện tại để giảm giá vé máy bay. Cụ thể, hãng đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại để giúp hạ nhiệt giá vé máy bay.
“Tuy nhiên, việc hạ nhiệt giá vé máy bay không chỉ phục thuộc vào ngành hàng không mà cần một giải pháp tổng hợp từ nhiều phía: Nhà quản lý, hàng không, du lịch, doanh nghiệp... để đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Tuấn nhấn mạnh
Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet cũng kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các nguyên liệu thay thế nhằm bảo vệ môi trường và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thực hiện các chiến lược, chương trình quảng bá du lịch ở tầm quốc gia với sự thống nhất và tận dụng các nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân nhằm thu hút thêm nhiều hơn nữa du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng như người dân Việt Nam ủng hộ du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Toán, Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng các kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để người dân và du khách quay trở lại với thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi các thông tin từ hãng hàng không để có được giá vé máy bay hợp lý cũng như hỗ trợ ngành hàng không lên kế hoạch và chủ động hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt là những dịp cao điểm lễ, Tết…
“Đây là thông lệ của ngành hàng không quốc tế, của ngành du lịch khi đặt vé sớm sẽ được mua vé rẻ hơn. Khi đặt mua vé, thanh toán ở các kênh chính thống sẽ giảm chi phí trung gian”, đại điện Vietjet chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận