24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Huy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng?

Sự hứng khởi của nhà đầu tư giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.090 điểm trong tuần qua, thị trường ghi nhận phiên thanh khoản “bùng nổ” cuối tuần với gần 19.000 tỷ đồng. Liệu đà hưng phấn này có tiếp diễn trong tuần tới?

Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường có phiên giao dịch thăng hoa cuối tuần trước ngày 2/6, nhưng giới phân tích cho rằng giai đoạn khó khăn vẫn chưa qua và dòng bank có thể sẽ tiếp tục phân hóa mạnh.

Theo Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, quán tính tăng của thị trường sẽ chậm lại trong tuần sau khi chỉ số VN-Index tiệm cận các ngưỡng cản ở khu vực 1.096 điểm hoặc 1.120 điểm. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ kịch bản thị trường sẽ lấp GAP vừa được tạo ra ở phiên cuối tuần trước.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần qua đã đạt một cột mốc mới về thanh khoản và vươn lên nền giá cao hơn sau khi tích lũy đi ngang quanh vùng 1.050 – 1.070 từ đầu năm đến nay. Dòng tiền trong thời gian qua vận động khá nhanh và luân chuyển đều giữa các nhóm ngành nổi bật như bất động sản, chứng khoán cho đến ngân hàng. Việc dòng tiền chuyển hướng vào nhóm big cap đã thúc đẩy chỉ số VN-Index bứt tốc khá nhanh.

Động lực của thị trường hiện tại vẫn ổn định vì vậy dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục dồi dào trong tuần mới tuy nhiên mức độ sẽ chậm lại, đặc biệt là khi chỉ số tiến gần đến ngưỡng cản tâm lý 1100. Thị trường sẽ có vài nhịp rung lắc nhẹ nhưng dự báo vẫn trong trạng thái tích cực.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK Bản Việt

Mức tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,1% và đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua là 1.090,84 điểm. Ngoài ra, chỉ số vốn hóa lớn VN30 tăng 1,8% với chỉ 4/30 mã thành phần giảm điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 2,5%. Tín hiệu kỹ thuật trung hạn của chỉ số VN30 được cải thiện lên Tích cực, tương đồng với các chỉ số còn lại. Trong khi đó, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của tất cả các chỉ số từ VN-Index, VNMidcap, VNSmallcap hay HNX-Index vẫn duy trì ở trạng thái Tích cực.

Dự báo trong những phiên giao dịch tới, chỉ số VN30 có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh giảm do tiệm cận kháng cự đỉnh tháng 4 tại 1.090 điểm, khi đó VN30 sẽ kiểm định lại hỗ trợ của đường MA200 tại 1.080-1.082 điểm vừa vượt qua. Chỉ số VN-Index theo đó cũng sẽ điều chỉnh giảm để kiểm định hỗ trợ MA5 đang nằm tại 1.084 điểm.

Nếu áp lực bán không mạnh trên toàn thị trường nói chung, VN-Index có thể sẽ tăng trở lại ở các phiên sau đó, hướng lên các kháng cự tiếp theo tại 1.100 điểm, tạo bởi đường EMA200 và mức cao hơn ở 1.120 là đỉnh của 2023.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng?

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức kháng cự 1.125 điểm, nhưng dòng tiền có thể sẽ phân hóa khi áp lực điều chỉnh có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi đó dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Việc dòng tiền đổ mạnh vào thị trường giúp VN-Index chinh phục thành công kháng cự 1.090 điểm trong phiên cuối tuần qua rõ ràng tạo tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Dù vậy, cần lưu ý đà tăng này chỉ xuất hiện trong phiên cuối tuần qua khi dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào nhóm VN-30, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Sức mạnh của dòng tiền mới này sẽ được kiểm chứng trong tuần tới khi áp lực chốt lãi có xu hướng gia tăng, nhất là khi khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng mạnh tại nhóm cổ phiếu này. Theo đó, VN-Index dự kiến sẽ dao động trong biên độ 1.080 – 1.100 điểm.

Thị trường đã đi qua tháng Năm khá “rực rỡ”, ngoài mong đợi. Trong đó, lãi suất chính sách hạ sẽ là yếu tố giúp lãi suất thị trường dần dần hạ nhiệt và chảy vào nền kinh tế, tạo nền tảng cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về diễn biến cũng như cơ hội thị trường trong tháng 6, khi mà có thể đối diện với áp lực chốt lãi ngắn hạn?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tháng 6 các quỹ như VanEck và FTSE cơ cấu danh mục (16/6), Fed công bố lãi suất điều hành (15/6), bên cạnh đó nhà đầu tư cũng có thêm dữ liệu vĩ mô trong nước cũng như lợi nhuận doanh nghiệp để đánh giá xem liệu các biến số tác động đến thị trường đã đi qua đáy chưa.

Nhìn chung, thị trường tháng 6 vẫn còn nhiều khó khăn khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp có độ trễ. Tác động từ việc giảm lãi suất đang dần phản ánh vào thị trường, do vậy thị trường nếu có điều chỉnh cũng không giảm sâu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường thăng hoa trong tháng 5 vừa qua là có thể dự đoán trước sau khi đã có quá trình tích lũy rất lâu từ trước đó. Một số nhóm ngành đã hồi phục khá nhanh thậm chí vượt kỳ vọng. Sau một đợt tăng nóng thường thị trường sẽ chững lại một nhịp và phân phối trong khoảng 1,2 tuần trước khi tạo một mặt bằng giá mới.

Nhà đầu tư vẫn còn nhiều cơ hội trong tháng 6 và ở mặt bằng giá mới sẽ có nhiều sự lựa chọn cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành hơn. Những nhóm ngành đã tăng nóng thời gian vừa qua sẽ chậm lại và phân phối nhường lại cho các nhóm ngành chưa tăng nhiều.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng?

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK Bản Việt

Hiện nay, những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường đều có diễn biến khá tích cực - chính sách lãi suất và động thái quyết liệt của NHNN, dòng tiền vào thị trường đang tăng lên thể hiện qua thanh khoản của thị trường với những phiên trên 15.000 tỷ đã xuất hiện nhiều hơn, chuyển động cổ phiếu tăng diễn ra trên nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất và ảnh hưởng nhiều đến VN-Index là ngân hàng đã bắt đầu chuyển động. Do vậy, dự báo tháng 6 có thể có chốt lời ngắn hạn trên những nhóm đã tăng mạnh nhưng dòng tiền vẫn trong thị trường và luân phiên vào những nhóm cổ phiếu khác.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường sẽ duy trì đà tăng trong tháng 6, nhưng chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt được mức kháng cự 1.125 điểm của chỉ số VN-Index, dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đồng thời, áp lực điều chỉnh có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Đợt tăng mạnh từ nửa cuối tháng 5 đã giúp một số cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu thuộc nhóm midcap, penny đem lại hiệu suất lợi nhuận khá tốt, khiến áp lực chốt lãi có xu hướng gia tăng trong nửa đầu tháng 6.

Tuy vậy, việc dòng tiền dự kiến tiếp tục đổ mạnh từ kênh gửi tiết kiệm dự kiến và tiếp tục duy trì xu hướng luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành đầu tư giúp thị trường tiếp tục đứng vững và trở lại xu hướng tăng điểm vào cuối tháng, với chỉ số dự kiến kết thúc tháng 6 tại khu vực 1.180 – 1.200 điểm.

Nhìn vào giao dịch thực tế thì đóng góp vào thanh khoản chung phần lớn vẫn là NĐT cá nhân, trong khi NĐTNN và gần đây lại có xu hướng rút ròng. Dù mức lãi suất huy động có phần điều chỉnh và chứng khoán đã có chuyển động tích cực, nhưng chưa nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đánh đổi tiền gửi tiền kiệm sang chuyển sang chứng khoán. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động dòng tiền ở thời điểm này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân có tính linh hoạt, trong khi các tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể đang chờ tín hiệu xác nhận vùng đáy lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như các biến số vĩ mô. Cho tới thời điểm công bố loạt dữ liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm hoặc báo cáo thu nhập doanh nghiệp bán niên, dòng tiền cá nhân vẫn là chủ đạo.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khối ngoại trong vài tháng vừa qua có động thái bán ròng trung bình khoảng 2 ngàn tỷ mỗi tháng, nhưng mức độ bán ra là khá bình thường trong những năm gần đây và thường sau đó có những chuỗi mua ròng trở lại khá mạnh.

Hiện tại hoạt động kinh doanh sản xuất vẫn đang trong quá trình hồi phục và nhiều hoạt động đặc biệt là bán lẻ và dịch vụ vẫn còn khá chậm dẫn đến dòng tiền đang co hẹp ở lĩnh vực này và có xu hướng tìm kênh đầu tư mới.

Mặt bằng lãi suất chung cũng đang giảm cũng góp phần thúc đẩy dòng tiền tìm kênh mới đầu tư vì vậy kênh chứng khoán sẽ là trong những nơi trú ẩn dòng tiền mới trong thời gian tới. Hoạt động chứng khoán có thể đi trước kinh tế vĩ mô và chỉ cần có cơ hội dòng tiền sẽ đổ vào thị trường rất nhanh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Lãi suất đã có xu hướng hạ nhiệt trong thời gian qua, đây cũng là yếu tố khiến dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, nhưng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed và các NHTW thế giới vẫn đang diễn ra, đặc biệt tình hình kinh tế vẫn đang giai đoạn khó khăn cho nên dòng tiền vẫn sẽ lựa chọn các kênh đầu tư an toàn.

Tuy nhiên, tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ gia tăng vào kênh chứng khoán vào thời điểm cuối quý 3 khi tình hình kinh tế khả quan hơn và các NHTW không còn tăng lãi suất.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN kể từ tháng 3 đã khiến mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt đáng kể tại các ngân hàng. Trong khi đó, việc thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực hơn trong thời gian gần đây đã kích hoạt một phần dòng tiền đáo hạn chứng chỉ tiền gửi chuyển sang, khiến giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên tăng lên đáng kể và đạt mức cao nhất từ đầu năm 2023.

Cùng với việc NHNN thể hiện rõ quyết tâm giảm mặt bằng lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, khi các điều kiện vĩ mô thuận lợi, mặt bằng lãi suất điều hành được dự báo sẽ giảm thêm ít nhất một lần nữa trong năm 2023, gián tiếp thúc đẩy dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang các tài sản rủi ro cao như chứng khoán.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng?

Ông Lâm Gia Khang

Trên thị trường, dòng tiền đầu cơ đang có xu hướng tìm đến nhóm cổ phiếu nhỏ hơn mệnh giá với kỳ vọng thị trường hồi phục sẽ kéo cổ phiếu về mệnh giá. Tuy nhiên, sau “màn trình diễn” của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thị trường được dẫn dắt bởi sự bùng nổ bất ngờ của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi hầu hết các cổ phiếu nhà băng đều tăng mạnh. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng lựa chọn nhóm cổ phiếu đầu tư ở thời điểm này? Việc chọn cổ phiếu ngân hàng có phải an toàn ở giai đoạn này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tín hiệu dòng tiền chuyển hướng từ nhóm cổ phiếu nhỏ sang nhóm cổ phiếu ngân hàng ở phiên cuối tuần trước vẫn chưa đủ cơ sở để xác nhận. Nhóm cổ phiếu ngân hàng phù hợp với dòng tiền lớn, trong khi giai đoạn hiện tại chủ yếu là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân. Về yếu tố cơ bản, câu chuyện nợ xấu cũng như mức tăng trưởng tín dụng thấp sẽ là lực cản đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng ở giai đoạn này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền trên thị trường hiện tại xoay chuyển khá nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn tập trung vào một số ngành trọng tâm. Nhóm ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay hầu như chưa có đợt sóng lớn nào nhưng giữ giá khá tốt và đã phục hồi ít nhất 20 - 30% từ vùng đáy. Nhìn chung, mức định giá nhiều ngân hàng hiện tại không còn quá hấp dẫn nhưng vẫn sẽ hút dòng tiền đón đầu đợt sóng tăng vốn mới trong năm nay ở nhiều ngân hàng.

Với những biến động khá nhanh của thị trường hiện tại, nhà đầu tư cũng không nên đặt niềm tin vào một nhóm ngành cụ thể mà cần linh động đảo danh mục giữa các nhóm ngành liên tục để có thể đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn và cũng đề cao rủi ro danh mục.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng với đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã khiến định giá của nhóm này đang có khoảng cách khá lớn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt hai chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps tăng về các mức kháng cự mạnh cho nên tôi cho rằng dòng tiền sẽ có khuynh hướng dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong 2-3 phiên giao dịch gần đây khi nhóm này gần đến thời điểm chi trả cổ tức, nhưng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu này vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khi tình hình kinh doanh dự báo sẽ kém tăng trưởng ở tất cả các mảng, đặc biệt diễn biến kinh tế khó khăn và mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Do đó, tôi ưa thích nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Sau quá trình giảm mạnh trong năm 2022, hiện số cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thị trường. Không ít trong số này vẫn duy trì tỷ lệ chia cổ tức hằng năm ổn định và chỉ bị giảm mạnh do ban lãnh đạo doanh nghiệp bị công ty chứng khoán call margin. Do vậy, việc dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu này trong thời gian qua là xu hướng tất yếu.

Tuy vậy, nhà đầu tư khi tham gia cần lưu ý đến biện pháp phòng ngừa rủi ro và tham gia với tỷ trọng hợp lý trong danh mục, bởi không phải cổ phiếu nào cũng có khả năng phục hồi trở lại nhờ các chính sách hỗ trợ trong năm 2023.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục phân hóa mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý đến tệp khách hàng cho vay của ngân hàng và biến động nợ xấu được công bố trên báo cáo tài chính. Các nhân tố này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến áp lực trích lập dự phòng nợ xấu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối diện nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cuộc đua tăng lãi suất vào giai đoạn nửa cuối năm 2022 đã khiến chi phí vốn huy động của các ngân hàng tăng mạnh. Trong khi đó, áp lực giảm lãi suất cho vay từ NHNN dự kiến tiếp tục gây áp lực đến NIM trong giai đoạn nửa cuối năm.

Nhìn từ các yếu tố vĩ mô, dòng tiền và chuyển động nhóm cổ phiếu. Đâu là nhóm lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Dù chưa xuất hiện những tín hiệu qua đáy từ lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như dữ liệu vĩ mô nhưng yếu tố thanh khoản đang tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế. Ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán thì nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện, dầu khí, … cũng rất đáng quan tâm.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng?

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các nhóm ngành đóng vai trò giữ nhịp thị trường quan trọng sẽ nằm ở nhóm blue chip mà nhóm ngân hàng là nổi bật nhất. Dòng tiền cũng sẽ tìm cơ hội ở nhóm penny nhưng nhà đầu tư lưu ý dòng tiền vào nhanh cũng sẽ ra nhanh ở nhóm này.

Một số nhóm ngành khác vẫn giữ sự ổn định bao gồm bất động sản, đầu tư công, khu công nghiệp, chứng khoán và sắp tới có thể kỳ vọng thêm các nhóm ngành thép, bán lẻ, dầu khí, điện sẽ tạo các nhịp sóng nhỏ. Điều quan trọng nhà đầu tư tập trung dòng vốn vào các nhóm ngành đang nổi bật và phân bổ đều để tận dụng các nhịp sóng của thị trường.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK Bản Việt

Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện như nhóm Chứng khoán, Ngân hàng, Đầu tư công, năng lượng (điện, dầu khí).

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, nhưng không nên tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hoặc có thể cơ cấu một phần tỷ trọng sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tại nhịp điều chỉnh và hạn chế mua đuổi khi chỉ số VN-Index tiến sát mức kháng cự 1,125 điểm trong nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng?

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhìn từ góc độ vĩ mô và dòng tiền, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang cho thấy nhiều cơ hội thuận lợi để cải thiện kết quả kinh doanh. Yếu tố đầu tiên là việc giá trị giao dịch liên tục mức đỉnh mới từ đầu năm và dự kiến tiếp tục tăng mạnh sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động mảng môi giới và cho vay margin của các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự kiến cũng sẽ ghi nhận sự cải thiện khi dòng tiền quay trở lại.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc tham gia vào các cổ phiếu xây dựng hạ tầng. Với quyết tâm đẩy mạnh tốc độ giải ngân trong giai đoạn nửa cuối năm (dự kiến đạt 80% kế hoạch trong năm 2023), kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp này dự kiến sẽ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm.

Ngoài ra, xu hướng hạ nhiệt của giá vật liệu xây dựng trước những khó khăn của thị trường bất động sản cũng dự kiến giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
37.35 -0.25 (-0.66%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả